Theo Luật Hôn nhân và gia đình 2014, sau ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có trách nhiệm cấp dưỡng cho con như quy định tại Điều 81 Luật Hôn nhân và gia đình 2014:
“Điều 81. Việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn
- Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.
- Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.
- Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.”
Cha mẹ nào cũng mong muốn cho con một cuộc sống hạnh phúc, đầy đủ và trọn vẹn. Thế nhưng cuộc sống có nhiều những biến cố mà ta không thể lường trước. Khi cuộc hôn nhân rạn nứt, bố mẹ mỗi người một nơi, những đứa trẻ là người chịu thiệt thòi nhất.
Việc cấp dưỡng cho con sau khi ly hôn, một phần như để đền bù những mất mát, cũng là nghĩa vụ mà người bố, người mẹ phải làm để con lớn lên, phát triển toàn diện. Bố, mẹ, người không trực tiếp nuôi con, được Tòa giao có trách nhiệm cấp dưỡng nuôi con đến khi con đủ tuổi thành niên.
Song, tùy vào khả năng kinh tế của mình, họ thể cấp dưỡng với một mức và thời gian đủ để con sống cuộc sống tốt nhất. Việc nhận hay không nhận một khoản trợ giúp kinh tế đó từ người còn lại là tùy thuộc vào người bố, người mẹ đang nhận quyền nuôi con.
Nghĩa vụ cấp dưỡng chỉ chấm dứt trong trường hợp
– Con chung của hai người đã đến tuổi thành niên và có khả năng lao động để tự nuôi sống bản thân
– Con chung được nhận làm con nuôi của một cặp bố mẹ khác.
– Người đang cấp dưỡng đã giành được quyền trực tiếp nuôi con
– Người cấp dưỡng hoặc người được cấp dưỡng chết
– Bên được cấp dưỡng sau khi ly hôn đã kết hôn
– Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.
Về mức cấp dưỡng nuôi con, hai bên có thể thỏa thuận với nhau. Người cấp dưỡng có thể thực hiện cấp dưỡng một lần hoặc theo định kỳ hàng tháng, hàng năm, hàng quý.
Vì những lý do khách quan mà người vợ/chồng đang được giao trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc con có thể thỏa thuận tạm ngừng cấp dưỡng trong trường hợp người có nghĩa vụ cấp dưỡng lâm vào tình trạng khó khăn về kinh tế mà không có khả năng thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng; hoặc không yêu cầu cấp dưỡng khi ly hôn, như họ có đủ điều kiện nuôi sống bản thân và cho con một cuộc sống tốt mà không cần đến sự giúp đỡ của người kia.
Việc từ chối cấp dưỡng không làm mất đi quyền của người không trực tiếp nuôi con:
“Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ chăm nom con mà không ai được cản trở.”
Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để gây cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng giáo dục con của người kia thì người trực tiếp nuôi con có quyền khởi kiện lên Tòa án yêu cầu chấm dứt việc thăm nom con của người đó.” (khoản 3 Điều 82 Luật Hôn nhân và gia đình 2014)
“Cha, mẹ trực tiếp nuôi con cùng các thành viên gia đình không được cản trở người không trực tiếp nuôi con trong việc thăm nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con”
Tuy nhiên cần xem xét, nhận định đến các điều kiện khác mà con đáng lẽ phải được hưởng để có quyết định hợp lý nhất. Trong trường hợp người có nghĩa vụ cấp dưỡng mà không thực hiện nghĩa vụ, đây là nghĩa vụ bắt buộc chứ không phải thỏa thuận của các bên nên hoàn toàn có thể khởi kiện yêu cầu cấp dưỡng lên Tòa án.
Những người có quyền yêu cầu người không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng phải thực hiện nghĩa vụ đó bao gồm:
– Người thân thích (cha, me, ông ,bà…)
– Cơ quan quản lý nhà nước về gia đìn
– Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em
– Hội liên hiệp phụ nữ.
Trường hợp không thỏa thuận được, có thể nộp đơn khởi kiện yêu cầu cấp dưỡng lên Tòa án nhân dân quận/huyện nơi người kia cư trú để yêu cầu thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng.
Hồ sơ khởi kiện bao gồm:
– Đơn khởi kiện cấp dưỡng (theo mẫu)
– Bản án/quyết định ly hôn của Tòa án
– Bản sao công chứng Giấy khai sinh của con
– Bản sao chứng minh thư nhân dân/Căn cước công dân
– Bản sao công chứng Sổ hộ khẩu
– Giấy tờ chứng minh thu nhập của vợ hoặc chồng mình.