Giành lại quyền nuôi con sau khi ly hôn có được hay không?

Vấn đề nuôi con luôn là vấn đề gây nhiều tranh cãi trong quá trình ly hôn, vậy sau khi ly hôn thì sao? Sau khi có quyết định của Tòa án về quyền nuôi con, cha hoặc mẹ có quyền giành lại quyền nuôi con của mình? Hãy tham khảo qua bài viết dưới đây.

Giành lại quyền nuôi con sau khi ly hôn

Điều 84 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn như sau:

Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con được giải quyết khi có một trong các căn cứ sau đây:

– Cha, mẹ có thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phù hợp với lợi ích của con;

– Người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.

Như vậy có 2 trường hợp để “giành” lại quyền nuôi con sau khi ly hôn đó chính là cha mẹ thỏa thuận với nhau hoặc người đang nuôi con không còn đủ điều kiện.

Trong trường hợp thứ 2 thì trên cơ sở lợi ích của con, cá nhân, cơ quan, tổ chức sau có quyền yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con: Người thân thích; Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình; Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em; Hội liên hiệp phụ nữ.

Khi cha, mẹ hoặc các tổ chức cá nhân nêu trên có yêu cầu, Tòa án có thể quyết định việc thay đổi người trực tiếp nuôi con. Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phải xem xét nguyện vọng của con từ đủ 07 tuổi trở lên.

Thủ tục khởi kiện giành lại quyền nuôi con

Theo quy định tại Điều 28 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 thì tranh chấp về nuôi con thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án. Để tiến hành thủ tục khởi kiện đòi quyền nuôi con, đương sự phải gửi đơn khởi kiện và các chứng cứ kèm theo đến Tòa án nhân dân cấp huyện (Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh) nơi người nuôi dưỡng trực tiếp đang cư trú. Đương sự có thể nộp đơn khởi kiện trực tiếp tại Tòa hoặc gửi đến Tòa án qua đường bưu điện.

Để có thể được giành quyền nuôi con, đương sự cần có chứng cứ chứng minh người đang nuôi dưỡng trực tiếp không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con (về sức khỏe, học tập, tinh thần…) và đương sự có đủ điều kiện để đảm bảo được quyền lợi về mọi mặt cho con hơn người đó thì Tòa sẽ căn cứ vào đó xem xét để ra phán quyết.