Trong các vụ án ly hôn, vấn đề được các bên tham gia quan tâm nhất là phải trực tiếp ra tòa mấy lần. Việc các bên có mặt tại tòa sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến quyền lợi của các bên do đó đây là vấn đề các đương sự rất quan tâm. Về vấn đề này pháp luật đã có những quy định cụ thể để hướng dẫn.
Trường hợp ly hôn thuận tình:
Khi giải quyết ly hôn thuận tình, ngoài hòa giải ở cơ sở thì việc hòa giải ở tại Tòa án chính là thủ tục mà các bên phải tham gia. Cụ thể theo quy định tại Điều 54 Luật Hôn nhân gia đình 2014 thì “Sau khi đã thụ lý đơn yêu cầu ly hôn, Tòa án tiến hành hòa giải theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự”.
Nếu việc hòa giải thành thì tòa án sẽ lập biên bản về việc thuận tình ly hôn và hòa giải thành. Và trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày lập biên bản nếu vợ hoặc chồng hoặc cả hai vợ chồng không thay đổi ý kiến và Viện kiểm sát không phản đối thì Tòa án ra quyết định công nhận ly hôn mà không phải mở phiên tòa khi hai bên đã thỏa thuận được với nhau về các vấn đề sau:
- Hai bên đã tự thỏa thuận được với nhau về việc nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục con;
- Hai bên đã tự thỏa thuận được với nhau về việc phân chia hoặc không chia tài sản;
- Sự thỏa thuận của hai bên về tài sản và con trong từng trường hợp cụ thể này là đảm bảo quyền lợi chính đáng của vợ và con.
Khi Tòa án quyết định công nhận ly hôn thì quyết định này sẽ có hiệu lực pháp luật ngay mà các bên không có quyền kháng cáo và Viện kiểm sát không có quyền kháng nghị theo trình phúc thẩm.
Trong trường hợp trên các bên đương sự chỉ phải đến Tòa để tham gia phiên hòa giải. Trường hợp hòa giải không thành thì Tòa án sẽ lập biên bản về việc hòa giải đoàn tụ không thành và tiến hành mở phiên tòa xét xử vụ án ly hôn theo quy định pháp luật. Đối với trường hợp này các bên sẽ phải tham gia phiên tòa xét xử sơ thẩm hoặc cả phúc thẩm nếu như không đồng ý với quyết định của Tòa án tại phiên tòa sơ thẩm.
Trường hợp ly hôn đơn phương:
Cũng giống như thuận tình ly hôn, ly hôn đơn phương cũng phải tiến hành hòa giải tại Tòa án tuy nhiên trình tự hòa giải tại Tòa án đối với ly hôn đơn phương lại không phải là trình tự bắt buộc các bên tham gia.
Thông thường sẽ có nhiều nhất là 3 lần hòa giải trước khi Tòa án đưa vụ án ra xét xử, trừ một số trường hợp không tiến hành hòa giải được theo quy định tại Điều 207 Bộ luật tố tụng dân sự 2015, cụ thể:
- Bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đã được Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn cố tình vắng mặt;
- Đương sự không thể tham gia hòa giải được vì có lý do chính đáng;
- Đương sự là vợ hoặc chồng trong vụ án ly hôn là người mất năng lực hành vi dân sự;
- Một trong các bên đương sự đề nghị không tiến hành hòa giải.
- Khi có một bên đề nghị không tiến hành hòa giải, thủ tục có thể được bỏ qua. Khi đó Tòa án sẽ lập biên bản không hòa giải được.
Tuy nhiên tại phiên hòa giải tại Tòa án, nếu các bên hòa giải được với nhau và đồng ý rút đơn ly hôn thì Tòa án sẽ ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án.
Nếu các bên không thỏa thuận được với nhau về một hoặc tất cả các vấn đề, Tòa án sẽ lập biên bản hòa giải không thành và quyết định đưa vụ án ra xét xử . Trong thời hạn 01 tháng kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử Tòa án phải mở phiên tòa.
Sau khi xét xử vụ án, tòa án sẽ ban hành bản án để giải quyết vụ án. Sau 15 ngày kể từ ngày tuyên án, nếu bản án không bị kháng cáo, kháng nghị thì bản án sẽ có hiệu lực thi hành.
Các bên cũng cần lưu ý, ngoài việc phải tham gia các buổi hòa giải, trước đó các bên còn bị triệu tập đến tòa lấy lời khai và tham gia phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án 1 lần. Tuy nhiên nếu một bên vắng mặt, sự kiện bất khả kháng, có yêu cầu thay đổi thành phần Hội đồng xét xử…. thì phiên tòa có thể bị hoãn theo quy định tại Điều 233 Bộ luật tố tụng dân sự.