Ly hôn thuận tình vắng mặt

Ly hôn thuận tình nhưng vắng mặt có được giải quyết không?

Nếu như ly hôn thuận tình thì theo quy định của bộ luật tố tụng dân sự vợ chồng có thể nộp đơn tại TAND cấp huyện nơi người vợ hoặc chồng đang cư trú, làm việc để được giải quyết. Trong trường hợp nếu như vợ hoặc chồng không thể đến được thì có thể làm đơn xin Tòa án xét xử vắng mặt. Cụ thể theo Điều 228 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 thì quy định Tòa án vẫn xử vắng mặt mếu như có đơn xin Tòa án xét xử vắng mặt. Cụ thể, trong trường hợp đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích của đương sự vắng mặt tại phiên tòa:

Tòa án vẫn tiến hành xét xử vụ án trong các trường hợp sau đây:

Nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và người đại diện của họ vắng mặt tại phiên tòa có đơn đề nghị Tòa án xét xử vắng mặt.

Nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vắng mặt tại phiên tòa nhưng có người đại diện tham gia phiên tòa.

Các trường hợp quy định tại các điểm b, c, d và đ khoản 2 Điều 227 của Bộ luật này.

Thuận tình ly hôn có cần hòa giải không?

Theo quy định của Luật hôn nhân gia đình 2014 về hòa giải cơ sở thì việc hòa giải cơ sở được khuyến khích thực hiện:

Điều 52 quy định về việc khuyến khích hòa giải ở cơ sở như sau: Nhà nước và xã hội khuyến khích việc hòa giải ở cơ sở khi vợ, chồng có yêu cầu ly hôn. Việc hòa giải được thực hiện theo quy định của pháp luật về hòa giải ở cơ sở.

Như vậy, với quy định trên, thì việc hòa giải ở cơ sở là không bắt buộc nhưng được nhà nước khuyến khích. Cơ sở ở đây được hiểu là thôn, làng, ấp, bản, phum, sóc, tổ dân phố, cụm dân cư khác như xã, phường, thị trấn.

Theo quy định này, thì hòa giải ở cơ sở là giai đoạn không bắt buộc, có áp dụng thủ tục này không là theo sự thỏa thuận của hai bên vợ chồng

Khi giải quyết thủ tục ly hôn, hòa giải là thủ tục bắt buộc tại tòa án. Điều này được quy định tại Điều 54 Luật hôn nhân gia đình: Sau khi đã thụ lý đơn yêu cầu ly hôn, Tòa án tiến hành hòa giải theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.

Như vậy, dù là ly hôn đơn phương hay ly hôn thuận tình thì tòa án vẫn tiến hành thủ tục hòa giải, nhằm mục đích hàn gắn lại quan hệ vợ chồng. Tuy nhiên, trong trường hợp thuận tình ly hôn vắng mặt thì không thể hòa giải được, bởi để hòa giải thì phải có hai bên, nếu một hoặc cả hai bên vắng mặt thì không thể hòa giải được.

Ly hôn thuận tình mất bao lâu?

Điều 55 Luật Hôn nhân gia đình 2014 quy định về thuận tình ly hôn như sau: Trong trường hợp vợ chồng cùng yêu cầu ly hôn, nếu xét thấy hai bên thật sự tự nguyện ly hôn và đã thỏa thuận về việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con trên cơ sở bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án công nhận thuận tình ly hôn; nếu không thỏa thuận được hoặc có thỏa thuận nhưng không bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án giải quyết việc ly hôn.

Trong thời hạn 5 ngày kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, Tòa án phải thụ lý vụ án, thông báo để đương sự nộp tiền tạm ứng án phí. Sau khi nộp án phí, người khởi kiện nộp cho tòa biên lai nộp tiền tạm ứng án phí để Tòa thụ lý vụ án.

Trong thời hạn 15 (mười lăm) ngày, nếu Tòa án hòa giải không thành, xét thấy hai bên thật sự tự nguyện ly hôn và đã thoả thuận về việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con thì Toà án công nhận thuận tình ly hôn và sự thoả thuận về tài sản và con trên cơ sở bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con; nếu không thoả thuận được hoặc tuy có thoả thuận nhưng không bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Toà án quyết định.

Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày hòa giải không thành, nếu hai bên đương sự không thay đổi nội dung yêu cầu Công nhận thuận tình ly hôn thì Tòa án ra Quyết định công nhận thuận tình ly hôn.