Xử lý nợ chung khi ly hôn

Kết hôn là việc hai người cùng nhau xây dựng, vun đắp tổ ấm riêng của mình, nhưng khi cuộc sống hôn nhân rơi vào tình trạng trầm trọng thì lựa chọn ly hôn để chấm dứt cuộc sống hôn nhân là điều không tránh khỏi. Trong quá trình ly hôn, nhiều người vẫn hay gặp khó khăn trong vấn đề xử lý vấn đề nợ chung. Vậy làm thế nào để giải quyết vấn đề này triệt để?

Khi ly hôn, ngoài việc yêu cầu chấm dứt quan hệ hôn nhân, vấn đề con cái, vấn đề tài sản chung thì vấn đề nợ chung cũng cần phải yêu cầu Tòa án giải quyết nếu như hai vợ chồng không thể thỏa thuận được.

Điều 37 Luật hôn nhân và gia đình  năm 2014 quy định về nghĩa vụ chung về tài sản của vợ chồng như sau:

+) Nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch do vợ chồng cùng thỏa thuận xác lập, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại mà theo quy định của pháp luật vợ chồng cùng phải chịu trách nhiệm;

+) Nghĩa vụ do vợ  hoặc chồng thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình;

+) Nghĩa vụ phát sinh từ việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung;

+) Nghĩa vụ phát sinh từ việc sử dụng tài sản riêng để duy trì, phát triển khối tài sản chung hoặc để tạo ra nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình;

+) Nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do con gây ra mà theo quy định của Bộ luật dân sự thì cha mẹ phải bồi thường;

+) Nghĩa vụ khác theo quy định có liên quan.

Như vậy, căn cứ vào quy định nêu trên, nếu như khoản nợ chung do vợ chồng cùng thỏa thuận vay hoặc trường hợp một mình vợ hoặc chồng vay, nhưng nhằm mục đích đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình, thì khi hai vợ chồng ly hôn hai vợ chồng phải cùng nhau có nghĩa vụ trả khoản nợ đó.

Nếu khoản vay chỉ đứng riêng tên vợ hoặc chồng mà khoản vay đó không nhằm mục đích đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình hoặc khoản vay đó cũng không phải khoản vay được ủy quyền hoặc đại diện cho người còn lại thì đó không được coi là nợ chung của hai vợ chồng, do đó nếu ly hôn người không đứng tên vay không có nghĩa vụ liên đới trong việc trả số nợ đó.