Độ tuổi có thể đăng ký kết hôn theo luật HN&GĐ 2014
I. Quy định của pháp luật về độ tuổi đăng ký kết hôn
Căn cứ theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về độ tuổi đăng ký kết hôn:
“Điều 8. Điều kiện kết hôn
1. Nam, nữ kết hôn với nhau phải tuân theo các điều kiện sau đây:
a) Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên;
b) Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định;
c) Không bị mất năng lực hành vi dân sự;
d) Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn theo quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2 Điều 5 của Luật này.
2. Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính.”
Theo Điểm a Khoản 1 Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 thì nam từ đủ 20 tuổi và nữ đủ 18 tuổi, tức là Luật 2014 tính theo tuổi tròn của nam nữ, theo đó bắt buộc nam phải đủ 20 tuổi trở lên và nữ đủ 18 tuổi, tức là nam bước sang sinh nhật lần thứ 20 và nữ bước sang sinh nhật lần thứ 18 thì được kết hôn.
II. Phân tích về độ tuổi đăng ký kết hôn
1. Căn cứ lí luận
Độ tuổi là thước đo cho sự phát triển của con người, đảm bảo khả năng họ có thể thực hiện sứ mạng của mình là xây dựng gia đình và phát triển xã hội. Tuổi kết hôn được hiểu là tuổi mà một người được phép lấy chồng/vợ cũng như quyền làm hoặc buộc phải làm cha mẹ hoặc các hình thức khác đồng thuận khác. Độ tuổi và các yêu cầu khác nhau ở mỗi nước, nhìn chung thì độ tuổi kết hôn là 18 tuổi ở nhiều quốc gia, tuy nhiên nhiều nước cho phép độ tuổi kết hôn sớm hơn nếu có sự đồng ý của cha/mẹ hoặcluật pháp, hoặc trong trường hợp mang thai (nữ).
Độ tuổi kết hôn không chỉ căn cứ vào khả năng sinh sản của nam, nữ mà còn đảm bảo cho việc xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, bền vững. Đồng thời đảm bảo cho con cái sinh ra được khỏe mạnh cả về thể lực lẫn trí tuệ, có thể phát triển tốt để trở thành công dân có ích cho xã hội. Con người chỉ khi đạt đến độ tuổi nhất định mới có suy nghĩ đúng đắn và nghiêm túc trong việc kết hôn của mình. Hơn nữa, khả năng tham gia vào quá trình lao động tạo ra thu nhập khi mà con người đạt đến độ tuổi nhất định. Điều đó đảm bảo cho họ có cuộc sống độc lập về kinh tế, chín muồi về tâm lý, đầy đủ ý thức xã hội để thực hiện các chức năng của gia đình và duy trì tế bào của xã hội.
2. Căn cứ pháp lí
Tuổi kết hôn được quy định trong các Luật hôn nhân và gia đình là căn cứ để cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký kết hôn và là điều kiện để xác định hôn nhân hợp pháp. Nếu một trong hai bên hoặc cả hai bên nam nữ chưa đạt đến độ tuổi theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình thì được xác định là vi phạm về độ tuổi kết hôn hay còn được gọi là tảo hôn.
Khác với quy định về độ tuổi kết hôn trong các luật hôn nhân và gia đình trước, Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về điều kiện kết hôn tại điểm a khoản 1 Điều 8 là : “nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên”. Như vậy, chỉ bằng quy định cụ thể là: “đủ” đã nâng độ tuổi kết hôn của nam và nữ lên cao hơn so với các quy định về độ tuổi kết hôn trước đó. Vì theo các quy định trước đây thì chỉ cần bước sang tuổi 18 đối với nữ và bước sang tuổi 20 đối với nam là đã có thể đăng ký kết hôn, ví dụ quy định tại khoản 1 Điều 9 Luật hôn nhân và gia đình cũ năm 2000: “Nam từ hai mươi tuổi trở lên, nữ từ mười tám tuổi trở lên”.
Việc nâng độ tuổi kết hôn của Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 nhằm đồng bộ, thống nhất với các quy định với Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 và Bộ luật dân sự năm 2015. Vì theo Bộ luật dân sự năm 2015 người chưa đủ 18 tuổi là người chưa thành niên, khi xác lập, thực hiện giao dịch dân sự phải có người giám hộ và phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý…
Theo Khoản 3 Điều 69 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, thì đương sự là người từ đủ 18 tuổi trở lên mới có đầy đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự. Do đó, nếu cho phép người chưa đủ 18 tuổi kết hôn là không hợp lý, thiếu đồng bộ và làm hạn chế một số quyền của người nữ khi xác lập các giao dịch dân sự, thậm chí ngày cả yêu cầu ly hôn khi chưa đủ 18 tuổi thì cũng phải có người đại diện.
3. Về cơ sở khoa học
Xét trên phương diện phát triển về sinh lý: Như chúng ta cũng đã biết một trong các chức năng quan trọng của gia đình là duy trì nòi giống, theo các nghiể cứu khoa học cho thấy thì nam từ 16 tuổi nữ từ 13 tuổi trở lên đã có khả năng sinh sản, dân gian ta cũng có câu “ nữ thập tam, nam thập lục” để chỉ đến vấn đề độ tuổi của nam và nữ có khả năng sinh đẻ. Tuy nhiên đây chỉ là tuổi chứng minh được nam nữ đã có khả năng sinh đẻ, còn để đảm bảo cho sức khỏe của đứa trẻ khi sinh ra cũng như sức khỏe của cả người mẹ và người bố thì độ tuổi sinh đẻ của nam là từ đủ 20 tuổi trở lên, và nữ là từđủ 18 tuổi trở lên. Những cặp nam, nữ sinh con trước tuổi kết hôn thì những đứa trẻ sinh ra trong những trường hợp này mắc các bệnh về nhiễm sắc thể, súc đề kháng yếu, ngay bản thân người mẹ sinh con trong giai đoạn dưới tuổi kết hôn thì sức khỏe cũng không được đảm bảo dễ mắc các bệnh viêm nhiễm phụ khoa… Như vậy việc sinh con dưới tuổi kết hôn theo luật định gặp nhiều rủi ro cho cả đứa trẻ sinh ra và người mẹ. Theo nghiên cứu về sức khỏe sinh sản, phụ nữ sinh con trước 18 tuổi và sau 34 tuổi thường gặp nguy cơ cao trong quá trình mang thai, sinh nở như dễ sẫy thai, sinh non, bang huyết, dị tật thai nhi… Phụ nữ nên sinh con ở độ tuổi từ 24 đến 29 tuổi, độ tuổi này phụ nữ có sức khỏe sinh sản tốt nhất và cơ thể đã phát triển toàn diện.
Xét trên phương diện tâm lý: Khi nam nữ đã đạt độ tuổi trưởng thành, về cơ bản suy nghĩ đã chin chắn, hạn chế được sự bồng bột nhất thời, nghiêm túc trong hành động và có những quyết định đúng đắn trong kết hôn. Như đã nêu ở trên nam ở độ tuổi đủ 20 tuổi và nữ đủ 18 tuổi được coi về cơ bản đã phát triển tương đối đầy đủ về trí tuệ và sức khỏe, khi đó hai bên nam nữ có thể lựa chọn và quyết định việc kết hôn. Hơn nữa ở độ tuổi này hai bên nam, nữ về cơ bản đã tự tạo lập cuộc sống cho bản thân, không bị phụ thuộc vào gia đình, tự tạo lập cho mình cuộc sống gia đình mới.
4. Về cơ sở thực tiễn
Mặt bằng chung của nước ta là một đất nước có nhiều vùng nông thôn và dân tộc thiểu số, ở các vùng miền này tỉ lệ nam nữ kết hôn lập gia đình sớm hơn so với các khu đô thị, thành phố. Theo số liệu thống kê, khảo sát cho thấy ở các vùng nông thôn, vùng dân tộc thiểu số tỉ lệ kết hôn dưới tuổi luật định đang còn chiếm tỉ lệ cao. Hiện nay độ tuổi kết hôn trung bình của nữ là từ 16 đến 18, nam từ 18 đến 21 tuổi, ở độ tuổi này nam nữ kết hôn chiếm 50%. Do đó vấn đề độ tuổi kết hôn tối thiểu của nam nữ cần xem xét trên nhiều khía cạnh, đặc biệt là về các phong tục tập quán ở các vùng miền. Về vấn đề này có nhiều quan điểm cho rằng nên hạ thấp tuổi kết hôn tối thiểu của nam và nữ cho phù hợp với tập quán ở các vùng miền và tránh nạn tảo hôn ở các vùng dân tộc thiểu số.
Việc nâng độ tuổi kết hôn lên với nam là từ đủ 20 tuổi trở lên và nữ là từ đủ 18 tuổi trở lên mới được phép kết hôn đã không phù hợp với một số vùng địa phương, vùng dân tộc thiểu số, quy định nâng độ tuổi kết hôn lên như vậy sẽ gây ra vấn đề gia tăng nạn tảo hôn ở các vùng này. Ở các tỉnh phía Tây bắc, Tây Nguyên, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La…có tỷ lệ kết hôn sớm giao động từ 15 đến 19 tuổi, ở các vùng này có phong tục kết hôn sớm do đó mà việc Luật quy định nâng cao độ tuổi kết hôn lên như vậy không phù hợp dẫn đến nạn tảo hôn gia tăng. Không những ở các vùng dân tộc thiểu số mà ngay ở các tỉnh phát triển thì việc nâng độ tuổi kết hôn cũng làm hạn chế nhu cầu kết hôn lập gia đình của nam nữ mà phải chờ đủ tuổi mới được kết hôn theo như quy định của pháp luật. Để tránh tình trạng nạn tảo hôn ngày càng da tăng đặc biệt là ở các vùng miền núi dân tộc thì chúng ta cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật nâng cao sự hiểu biết về pháp luật cho người dân