Đánh giá điểm mới luật tố tụng dân sự, thực tiễn, kiến nghị hoàn thiện pháp luật các quy định về chứng cứ, chứng minh.

Khi giải quyết một vụ án hoặc một việc dân sự điều quan trọng nhất để chứng minh sự thật khách quan của vụ án là chứng cứ, chứng minh. Đương sự luôn là chủ thể phải đưa ra chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu của mình là hợp pháp. Nên có thể nói rằng, Chứng minh và chứng cứ là một trong các chế định quan trọng nhất của BLTTDS. Phân tích, đánh giá những điểm mới luật tố tụng dân sự và đưa ra kiến nghị hoàn thiện hơn các quy định của về chứng cứ, chứng minh trong TTDS.

I. Nội dung

1. Những điểm mới luật tố tụng dân sự về chứng cứ, chứng minh

Về nghĩa vụ chứng minh.

Trước đây BLTTDS 2004 quy định nghĩa vụ chứng minh thuộc về người yêu cầu. Điều 91 BLTTDS 2015 kế thừa quy định trên, nghĩa là nghĩa vụ chứng minh thuộc về người yêu cầu. Nguyên đơn khởi kiện thì phải chứng minh yêu cầu đó có căn cứ và hợp pháp; bị đơn phản đối yêu cầu thì phải chứng minh phản đối của mình có căn cứ; người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập thì phải chứng minh yêu cầu của mình. Nếu không chứng minh được thì họ phải chịu trách nhiệm.

Nhưng trên thực tế có những người yếu thế, họ không thể chứng minh được yêu cầu của mình. Cho nên, để bảo vệ người yếu thế, BLTTDS 2015 quy định một số trường hợp đặc thù thì nghĩa vụ chứng minh thuộc về người bị yêu cầu, cụ thể:

Nguyên đơn khởi kiện trong trường hợp bảo vệ lợi ích cho người tiêu dùng, thì nguyên đơn không phải chứng minh phần lỗi đối với người tiêu dùng mà trường hợp này được quy định ở Điều 42 Luật bảo vệ người tiêu dùng, Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có nghĩa vụ chứng minh mình không có lỗi gây ra thiệt hại. Trên thực tế, người tiêu dùng chỉ biết trả lợi ích vật chất để sử dụng sản phẩm, dịch vụ nhưng tình trạng sản phẩm dịch vụ không như chào hàng hoặc khác so với quảng cáo, chất lượng sản phẩm không phù hợp. Trong trường hợp này lỗi để sản phẩm, dịch vụ không phù hợp ảnh hưởng đến người tiêu dùng thì họ có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp nhưng yếu tố lỗi xuất phát từ Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ hay từ bên thứ ba hoặc trở ngại khách quan thì người tiêu dùng không có nghĩa vụ phải chứng minh.

Đối với người lao động khi tranh chấp những vụ án lao động, mà những tài liệu để giải quyết tranh chấp lao động lại nằm ở tổ chức kinh tế, các doanh nghiệp, không phải do người lao động nắm giữ. Trường hợp này người lao động có quyền yêu cầu tòa án, yêu cầu người sử dụng lao động phải chứng minh việc đó. Đặc biệt đối với trường hợp mà việc sa thải, đơn phương đình chỉ hợp đồng thì BLTTDS 2015 quy định nghĩa vụ chứng minh thuộc về trách nhiệm của người sử dụng lao động, không phải trách nhiệm của người lao động. Đây có thể là một điểm mới luật tố tụng dân sự không những phù hợp với quy định của Bộ luật Lao động mà còn phù hợp với thực tế khách quan. Chúng ta biết rằng, người lao động luôn là bên yếu thế trong quan hệ lao động so với người sử dụng lao động. Khi tranh chấp trong quan hệ lao động phát sinh, được giải quyết bởi thủ tục TTDS, người sử dụng lao động có nghĩa vụ chứng minh hành vi của họ đã tác động tiêu cực đến người lao động là hợp pháp. Đặc thù ở Việt Nam số lượng người lao động tham gia vào thị trường lao động cao nhưng chất lượng lao động, trình độ dân trí của người lao động còn hạn chế thì điểm mới luật tố tụng dân sự này của BLTTDS hiện hành là phù hợp.

Điều 91 BLTTDS cũng quy định trong trường hợp để đảm bảo cho việc tố tụng là tranh tụng thì trách nhiệm chứng minh là của đương sự, nếu đương sự không chứng minh được, không cung cấp đủ tài liệu chứng cứ chứng minh, thì Tòa án thu thập tài liệu chứng cứ chứng minh đến đâu, sẽ giải quyết đến đó. Nếu đương sự không chứng minh được sẽ không bảo vệ được quyền của mình. Trên thực tế thấy rằng, Tòa án là cơ quan thực hiện chức năng xét xử tuy nhiên như đã phân tích ở trên, đương sự khi tham gia vào quan hệ TTDS không phải ai cũng biết chứng cứ để chứng minh là gì, đa phần đương sự chỉ biết khởi kiện mà khó có thể tìm ra được chứng cứ, chứng minh. Bởi lẽ nhiều nguồn chứng cứ đương sự không thể tự mình cung cấp hoặc nếu đương sự tự mình cung cấp thì không đảm bảo về trình tư;, thủ tục cung cấp chứng cứ trong TTDS. Vậy nên, ngoài việc tự mình cung cấp/ giao nộp chứng cứ, chứng minh thì đương sự có thể yêu cầu Tòa án tiến hành thu thập chứng cứ, chứng minh. Tuy nhiên, như trình bày ở trên Tòa án thực hiện chức năng xét xử nên khi đương sự có yêu cầu thì Tòa án thu thập tài liệu chứng cứ chứng minh đến đâu, sẽ giải quyết đến đó.

Về nguồn chứng cứ -xác định chứng cứ:

Trên cơ sở kế thừa BLTTDS 2004, Điều 94 BLTTDS 2015 quy định 10 nguồn của chứng cứ, trong đó bổ sung thêm các nguồn: Dữ liệu điện tử; văn bản ghi nhận sự kiện pháp lý do người có chức năng lập; văn bản công chứng, chứng thực. Tương ứng Điều 95 BLTTDS 2015 quy định cách xác định tài liệu trên là chứng cứ.

Thứ nhất: Thông điệp dữ liệu điện tử được thể hiện dưới hình thức trao đổi dữ liệu điện tử, chứng từ điện tử, thư điện tử, điện tín, điện báo, fax và các hình thức tương tự khác theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử. Trong bối cảnh khoa học kỹ thuật phát triển như hiện nay, các nguồn chứng cứ không chỉ được quy định như BLTTDS 2004, các “dữ liệu điện tử” cũng được coi là nguồn chứng cứ. Quy định này không những phù hợp với quy định của các luật nội dung mà còn phù hợp với thực tế khách quan người dân sử dụng thư điện tử… để giao kết dân sự.

Thứ 2: Văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi pháp lý do người có chức năng lập tại chỗ được tiến hành theo đúng thủ tục do pháp luật quy định. Ví dụ như vi bằng của Thừa phát lại, được xem là chứng cứ.

Thứ ba: Đối với văn bản có công chứng, chứng thực là chứng cứ của vụ án. Nếu việc công chứng, chứng thực được thực hiện theo đúng thủ tục do pháp luật quy định.

Về giao nộp chứng cứ:

Do là mô hình tố tụng xét hỏi kết hợp với tranh tụng, trong đó có yêu cầu đảm bảo giải quyết vụ án đúng sự thật khách quan, đúng bản chất. Do vậy, đặt ra việc giao nộp chứng cứ phải đầy đủ, chặt chẽ. Điều 96 BLTTDS 2015 quy định đương sự có nghĩa vụ giao nộp chứng cứ cho Tòa án, quy trình giao nộp chứng cứ phải lập biên bản. Thời hạn giao nộp chứng cứ cũng được BLTTDS 2015 quy định chặt chẽ hơn: phải giao nộp chứng cứ ở trong giai đoạn chuẩn bị xét xử. Trách nhiệm của thẩm phán không phải chứng cứ đương sự cung cấp đến đâu giải quyết đến đấy, như quy định của BLTTDS 2004. Điều 96 BLTTDS 2015 quy định đương sự có nghĩa vụ giao nộp tài liệu chứng cứ, còn thẩm phán có trách nhiệm xem xét, nếu thấy tài liệu chứng cứ mà đương sự giao nộp chưa đủ thì thẩm phán phải có trách nhiệm yêu cầu đương sự cung cấp tài liệu, chứng cứ. Nếu đã yêu cầu mà đương sự không cung cấp tài liệu chứng cứ thì thuộc trách nhiệm của đương sự. BLTTDS 2015 quy định rõ đối với trường hợp mà tòa án đã yêu cầu đương sự cung cấp tài liệu chứng cứ, nhưng đương sự chưa cung cấp. Sau khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử, đương sự muốn cung cấp tài liệu chứng cứ này thì phải nói rõ lý do vì sao trước đây không cung cấp được. Tòa chỉ chấp nhận khi nào có lý do chính đáng, để tránh trường hợp nhằm kéo dài vụ án, gây khó khăn cho việc giải quyết. Còn đối với những chứng cứ nào mà tòa án chưa yêu cầu đương sự cung cấp thì BLTTDS 2015 quy định đương sự có quyền giao nộp tại phiên tòa cũng như trong các giai đoạn tố tụng khác. Một điểm mới nữa đảm bảo các chứng cứ được công khai để thực hiện việc tranh tụng, thì trong trong trường hợp đương sự giao nộp tài liệu chứng cứ, thì đương sự phải giao bản sao cho các đương sự khác.

Về thu thập chứng cứ.

Thu thập chứng cứ trước đây BLTTDS 2004 chưa quy định rõ cơ quan, tổ chức, cá nhân thu thập tài liệu chứng cứ bằng các biện pháp nào. Điều 97 BLTTDS 2015 quy định cá nhân, cơ quan, tố chức có quyền thu thập các tài liệu, chứng cứ. Hoạt động thu thập tài liệu, chứng cứ có thể được tiến hành trước khi khởi kiện để đảm bảo chuẩn bị cho việc khởi kiện. Đồng thời xuất phát từ mô hình tố tụng xét hỏi kết hợp với tranh tụng, cho nên vai trò của người tiến hành tố tụng không chỉ giới hạn ở việc chỉ giải quyết trong phạm vi chứng cứ do đương sự cung cấp. Mà trách nhiệm của người tiến hành tố tụng đặc biệt là của thẩm phán, trong quá trình giải quyết vụ án phải thu thập đầy đủ các tài liệu chứng cứ cần thiết cho việc giải quyết vụ án được khách quan toàn diện, thông qua các biện pháp như: lấy lời khai đương sự, lấy lời khai người làm chứng, đối chất, thẩm định tại chỗ, giám định, định giá tài sản… Quy định nghĩa vụ của thẩm phán trong 3 ngày làm việc kể từ khi thu thập tài liệu, chứng cứ, phải thông báo về tài liệu, chứng cứ đó cho đương sự. Điều 97 thể hiện được 2 yêu cầu: yêu cầu thứ nhất trong tranh tụng là đương sự có quyền thu thập chứng cứ để cung cấp cho Tòa án; yêu cầu thứ hai là xác định trách nhiệm vai trò của Tòa án, của thẩm phán trong việc thu thập tài liệu chứng cứ theo luật định.

Về đánh giá chứng cứ.

Điều 108 BLTTDS 2015 tiếp tục kế thừa quy định của BLTTDS 2004, khẳng định Tòa án là chủ thể có nghĩa vụ đánh giá chứng cứ. Nhưng thay từ “Khẳng định giá trị pháp lý của chứng cứ” bằng từ “Khẳng định tính hợp pháp, tính liên quan, giá trị chứng minh của từng chứng cứ” cho rõ ràng hơn.

Ngoài ra, về chứng cứ và chứng minh BLTTDS 2015 còn sửa đổi, bổ sung nhiều quy định khác như: trình tự, thủ tục, quyền và nghĩa vụ của người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng trong việc thực hiện những biện pháp thu thập chứng cứ nhằm bảo đảm việc thu thập chứng cứ được nhanh chóng, thuận lợi hơn, khắc phục những vướng mắc trong thực tiễn; sửa đổi, bổ sung quy định về trưng cầu giám định, định giá tài sản, thẩm định giá tài sản để phù hợp với Luật giám định tư pháp, Luật giá đồng thời khắc phục khó khăn, vướng mắc hiện hành về thẩm định giá, định giá tài sản.

Xử lý hành vi cản trở hoạt động xác minh thu thập chứng cứ

Định giá tài sản, xem xét thẩm định tại chỗ là một biện pháp thu thập chứng cứ của Tòa án. Trong quá trình giải quyết vụ án nhiều người dân có hành vi cản trợ việc tòa án tổ chức định giá tài sản, xem xét thẩm định tại chỗ. Nên BLTTDS có quy định nghiêm cấm mọi hành vi cản trở việc xem xét, thẩm định tại chỗ. Hành vi cản trở người tiến hành tố tụng tiến hành xem xét thẩm định tại chỗ, định giá, giám định hoặc xác minh, thu thập chứng cứ khác do Bộ luật tố tụng dân sự thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

II. Thực tiễn trong việc áp dụng các điểm mới luật tố tụng dân sự về chứng cứ, chứng minh hiện nay.

Thứ nhất, quy định pháp luật được đặt ra nhưng thiếu cơ chế bảo đảm thi hành nên ít được thực hiện trên thực tế. 

Quy định tại khoản 5 Điều 96 BLTTDS 2015 về nghĩa vụ chuyển giao tài liệu, chứng cứ giữa các đương sự luôn là hình thức khi mà BLTTDS 2015 không quy định về thời hạn các đương sự có nghĩa vụ chuyển giao tài liệu, chứng cứ cho nhau và hậu quả pháp lý khi các bên đương sự không thực hiện nghĩa vụ chuyển giao. Thực tế hiện nay ở tại các Tòa án, do không có quy định về hậu quả pháp lý nên gần như các đương sự không thực hiện nghĩa vụ chuyển giao tài liệu, chứng cứ cho nhau.

Thứ hai, BLTTDS 2015 định nghĩa một cách cụ thể về người làm chứng, quyền và nghĩa vụ của người làm chứng, cũng đã quy định về thủ tục lấy lời khai của người làm chứng, cụ thể tại khoản 7 Điều 78 BLTTDS 2015 người làm chứng có nghĩa vụ: “Bồi thường thiệt hại và chịu trách nhiệm trước pháp luật do khai báo sai sự thật gây thiệt hại cho đương sự hoặc cho người khác.” Tuy nhiên, khi quy định về điều luật này lại không tránh khỏi bất cập trong trường hợp đặc biệt, ví dụ như người làm chứng bị người khác ép buộc, đe dọa bằng cách sử dụng bạo lực từ đó mà đưa ra những lời khai sai sự thật.

Thứ ba, phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ. Trong quá trình giải quyết các vụ án, vụ việc dân sự, phiên họp tiếp cận công khai chứng cứ là rất quan trọng. Mục đích của phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải nhằm xác định yêu cầu và phạm vi khởi kiện, việc sửa đổi, bổ sung, thay đổi, rút yêu cầu khởi kiện, yêu cầu phản tố của bị đơn, yêu cầu độc lập của người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan.

Tuy nhiên việc áp dụng quy định về phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ của Tòa án trong thực tiễn chưa thực sự phát huy được mục đích, ý nghĩa mà quy định pháp luật hướng tới. Trong quá trình giải quyết vụ án dân sự nhiều thẩm phán mới chỉ chú trọng đến việc hòa giải chứ chưa chú trọng việc tổ chức cho các đương sự tiếp cận, công khai chứng cứ để phục vụ cho việc bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình. Trong khi đó với trình độ hiểu biết pháp luật của người dân như hiện nay, đặc biệt là ở các vùng nông thôn thì đương sự không thể biết để yêu cầu Thẩm phán công khai, cho mình tiếp cận các tài liệu chứng cứ mà Tòa án thu thập hoặc đương sự khác cung cấp. Đồng thời đương sự cũng không biết việc mình phải có nghĩa vụ phải gửi chứng cứ cho đương sự khác.

Thứ tư, nghĩa vụ phải cung cấp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án nhưng không hướng dẫn thi hành chế tài. BLTTDS quy định Cơ quan, tổ chức, cá nhân không thực hiện yêu cầu của Tòa án mà không có lý do chính đáng thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật nhưng hiện nay chưa có văn bản hướng dẫn việc xử lý đối với cơ quan, tổ chức không cung cấp hoặc cung cấp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án không đúng thời hạn theo quy định của BLTTDS, dẫn đến Tòa án giải quyết vụ án chậm, kéo dài, gây bức xúc cho đương sự

III. Kiến nghị hoàn thiện

Thứ nhất, để phát huy vai trò của đương sự trong hoạt động tố tụng nói chung, đảm bảo quyền được biết thông tin, tài liệu, chứng cứ, chứng minh của đương sự để có thể tổ chức việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình cũng như phù hợp pháp luật tố tụng dân sự của các nước trên thế giới, cần thiết bổ sung vào BLTTDS 2015 quy định về thời hạn thực hiện nghĩa vụ trao đổi chứng cứ, tài liệu của các bên đương sự cho nhau trước khi mở phiên toà và các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ đó.

Thứ hai, BLTTDS cần quy định người nào ép buộc, xúi giục hoặc có cách hành vi khác tác động đến người làm chứng để họ đưa ra thông tin sai sự thật thì cần phải chịu chế tài. Ban hành quy định cụ thể để bảo vệ người làm chứng trong TTDS.

Thứ ba, Đẩy mạnh hơn nữa vai trò của phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ. Nâng cao tập huấn cho những người tiến hành tố tụng về vai trò của phiên họp này để từ đó tổ chức phiên họp khách quan, thực chất, đúng trọng tâm, đúng tinh thần pháp luật, tránh thủ tục, hình thức.

Thứ tư, quy định chế tài hành chính hoặc hình sự đối với các chủ thể khi được yêu cầu cung cấp tài liệu, chứng cứ cho tòa án nhưng kéo dài hoặc không cung cấp làm ảnh hưởng đến quá trình tố tụng, kéo dài thời gian giải quyết vụ án.

Mọi thông tin hồ sơ giấy tờ vui lòng gửi về văn phòng công ty luật MULTI LAW tại Hà Nội.
Bạn hãy nhấc máy và gọi điện đến 0946220880 hoặc 0989082888 . chúng tôi sẽ giúp bạn giải quyết các vấn đề và thủ tục mà bạn đang gặp phải. Với đội ngũ luật sư giỏi, uy tín và chuyên nghiệp bởi đoàn Luật Sư Tp. Hà Nội.
----------------------------------------
CÔNG TY LUẬT MULTI LAW
Trụ sở 1: Tầng 5, Số 1, Phố Đỗ Hành, phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.
Hotline: 0946220880
Email: [email protected]
Xem thêm: thủ tục ly hôn, ly hôn trọn gói, Ly hôn đơn phương trọn gói, Ly hôn thuận tình trọn gói, Ly hôn có yếu tố nước ngoài, Tranh chấp tài sản khi ly hôn, Tranh chấp tài sản khi ly hôn, công ty luật uy tín tại Hà Nội.

thiết kế website bởi Công Ty TNHH Công Nghệ VNBack.