I. Khái niệm quyền miễn trừ tư pháp của quốc gia

Quyền miễn trừ tư pháp của quốc gia là quyền của quốc gia không phải chịu sự  tài phán của các cơ quan tư pháp của quốc gia khác trong quá trình giải quyết vụ việc phát sinh từ quan hệ dân sự theo nghĩa rộng có yếu tố nước ngoài.

II. Quyền miễn trừ tư pháp của quốc gia

Về mặt nội dung, quyền miễn trừ tư pháp của quốc gia bao gồm các quyền sau 1: Thứ nhất, là quyền miễn trừ tài phán tại bất cứ quốc gia nào. Nội dung quyền này thể hiện trong lĩnh vực dân sự nếu không có sự đồng ý của quốc gia thì không có một tòa án quốc gia nước ngoài nào có thẩm quyền thụ lý và giải quyết vụ kiện mà quốc gia là bị đơn. Những tranh chấp đó phải được giải quyết thông qua các phương thức thương lượng trực tiếp hoặc con đường ngoại giao, trừ khi quốc gia tuyên bố từ bỏ quyền của mình.

Thứ hai, là quyền miễn trừ đối với tài sản thuộc quyền sở hữu của quốc gia. Nội dung này thể hiện tài sản của quốc gia là bất khả xâm phạm, nếu không có sự đồng ý của quốc gia là chủ sở hữu của tài sản thì các quốc gia, tổ chức và cá nhân nước ngoài không được thi hành bất kỳ biện pháp cưỡng chế nào như bắt giữ, tịch thu, bán đấu giá,… đối với tài sản của quốc gia đó.

Thứ ba, là quyền miễn trừ đối với các biện pháp cưỡng chế nhằm đảm bảo thi hành quyết định của tòa án trong trường hợp quốc gia đồng ý cho các tổ chức, cá nhân nước ngoài kiện, đồng ý cho tòa án xét xử. Trong trường hợp quốc gia đồng ý cho một tòa án nước ngoài giải quyết một tranh chấp mà quốc gia là một bên tham gia và nếu quốc gia là bên thua kiện thì bản án của tòa án nước ngoài đó cũng phải được quốc gia tự nguyện thi hành. Nếu không có sự đồng ý của quốc gia thì không thể áp dụng các biện pháp cưỡng chế như bắt giữ, tịch thu tài sản của quốc gia nhằm cưỡng chế thi hành bản án đó. Ngay cả khi quốc gia từ bỏ quyền miễn trừ xét xử thì quyền miễn trừ đối với các biện pháp cưỡng chế bảo đảm thi hành phán quyết của tòa án vẫn phải được tôn trọng, việc thi hành phải tuân theo các thể thức và trình tự tố tụng nhất định phù hợp với thông lệ quốc tế về việc này.

Do những thay đổi và yêu cầu của sự phát triển kinh tế, xã hội, quyền miễn trừ của quốc gia đã có những thay đổi nhất định trong quá trình áp dụng. Vì vậy, hiện nay đang tồn tại hai học thuyết về quyền này: Thuyết về quyền miễn trừ tuyệt đối và thuyết về quyền miễn trừ tương đối.

Quyền miễn trừ tư pháp tuyệt đối cho phép quốc gia được hưởng quyền miễn trừ trong tất cả lĩnh vực của quan hệ dân sự mà quốc gia tham gia và trong bất kỳ trường hợp nào. Trong khi đó quyền miễn trừ tư pháp tương đối ghi nhận quốc gia sẽ được hưởng quyền miễn trừ trong các quan hệ dân sự nhưng không phải luôn luôn được hưởng, trong một số trường hợp quốc gia sẽ không được hưởng quyền miễn trừ mà sẽ tham gia vào quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài với tư cách bình đẳng với các chủ thể khác.

III. Quyền miễn trừ tư pháp của quốc gia theo quy định của pháp luật Việt Nam

Khác với một số quốc gia trên thế giới, Việt Nam chưa có văn bản quy phạm riêng quy định về quyền miễn trừ tư pháp của quốc gia nước ngoài, tuy nhiên nguyên tắc chung được ghi nhận trong pháp luật Việt Nam là: “Cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài thuộc đối tượng được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao hoặc quyền ưu đãi, miễn trừ lãnh sự theo pháp luật Việt Nam, theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên thì vụ việc dân sự có liên quan đến cơ quan, tổ chức, cá nhân đó được giải quyết bằng con đường ngoại giao” (khoản 4 Điều 2 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015). Quy định này ghi nhận quyền miễn trừ ngoại giao, lãnh sự đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài, mà không quy định trực tiếp về miễn trừ quốc gia, tuy nhiên quy định này đã  cho thấy tại Việt Nam quyền miễn trừ tư pháp của quốc gia nước ngoài luôn được pháp luật Việt Nam ghi nhận. Đối với nhân viên ngoại giao và nhân viên lãnh sự, quyền miễn trừ của họ được thực hiện theo các quy định của Công ước Vienna 1961, Công ước Vienna 1963 mà Việt Nam là thành viên.

Điều 97 Bộ luật dân sự 2015 khi quy định địa vị pháp lý của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong các quan hệ tư pháp quốc tế mà Nhà nước Việt Nam, các cơ quan nhà nước ở trung ương, ở địa phương trong quan hệ dân sự đã khẳng định: Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, cơ quan nhà nước ở Trung ương, ở địa phương khi tham gia quan hệ dân sự thì bình đẳng với các chủ thể khác và chịu trách nhiệm dân sự theo quy định tại Điều 99 và Điều 100 của Bộ luật này. Quy định này tạo ra một nguyên tắc mang tính bình đẳng cho các chủ thể khi tham gia vào quan hệ dân sự.

Về trách nhiệm của nhà nước khi tham gia các quan hệ dân sự được quy định rõ tại Điều 99 Bộ luật dân sự năm 2015 như sau: Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, cơ quan nhà nước ở Trung ương, ở địa phương chịu trách nhiệm về nghĩa vụ dân sự của mình bằng tài sản mà mình là đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý, trừ trường hợp tài sản đã được chuyển giao cho pháp nhân. Đối với loại tài sản mà Nhà nước đã chuyển giao cho pháp nhân, pháp nhân sẽ phải tự chịu trách nhiệm. Pháp nhân do Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, cơ quan nhà nước ở Trung ương, ở địa phương thành lập không chịu trách nhiệm về nghĩa vụ phát sinh từ quan hệ dân sự của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, cơ quan nhà nước ở Trung ương, ở địa phương. Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, cơ quan nhà nước ở Trung ương, ở địa phương không chịu trách nhiệm về nghĩa vụ dân sự của pháp nhân do mình thành lập, bao gồm cả doanh nghiệp nhà nước, trừ trường hợp Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, cơ quan nhà nước ở Trung ương, ở địa phương bảo lãnh cho nghĩa vụ dân sự của pháp nhân này theo quy định của pháp luật. Quy định này cho thấy sự phân biệt rõ ràng trách nhiệm của nhà nước và các chủ thể khác khi tham gia quan hệ dân sự, tạo ra sự yên tâm, chủ động cho các chủ thể khi xác lập các giao dịch dân sự đối với nhà nước.

Về nguyên tắc, quyền miễn trừ tài sản của nhà nước chỉ đặt ra đối với tài sản do nhà nước là chủ sở hữu và quản lí trực tiếp. Tài sản do nhà nước là chủ sở hữu và quản lí trực tiếp bao gồm: Đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời, tài nguyên thiên nhiên khác và các tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý (Điều 197 Bộ luật dân sự năm 2015). Quyền miễn trừ tài sản của nhà nước không đặt ra đối với tài sản của các doanh nghiệp (kể cả doanh nghiệp nhà nước). Thực tế cho thấy, hiện nay khi các doanh nghiệp Việt Nam (kể cả doanh nghiệp nhà nước) khi tham gia vào các giao dịch dân sự theo nghĩa rộng với các chủ thể nước ngoài, nếu vi phạm các nghĩa vụ đã cam kết thì các chủ thể nước ngoài đều có thể khởi kiện các doanh nghiệp đó ra tòa án nước ngoài và áp dụng các biện pháp tịch thu, bắt giữ tài sản của doanh nghiệp Việt Nam tại nước ngoài để bảo đảm cho vụ kiện.

Để khẳng định trách nhiệm dân sự của nhà nước khi tham gia quan hệ dân sự
có yếu tố nước ngoài, Điiều 100 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định như sau:

1. Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, cơ quan nhà nước ở Trung ương, ở địa phương chịu trách nhiệm về nghĩa vụ dân sự do mình xác lập với nhà nước, pháp nhân, cá nhân nước ngoài trong trường hợp sau đây:

a) Điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định về việc từ bỏ quyền miễn trừ;

b) Các bên trong quan hệ dân sự có thỏa thuận từ bỏ quyền miễn trừ;

c) Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, cơ quan nhà nước ở Trung ương, ở địa phương từ bỏ quyền miễn trừ.

2. Trách nhiệm về nghĩa vụ dân sự của nhà nước, cơ quan nhà nước của nước ngoài khi tham gia quan hệ dân sự với Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, cơ quan nhà nước ở Trung ương, ở địa phương, pháp nhân, cá nhân Việt Nam được áp dụng tương tự khoản 1 Điều này.

Có thể thấy, Điều 100 Bộ luật dân sự năm 2015 là quy định có liên quan mật thiết nhất về vấn đề miễn trừ quốc gia. Quy định tại Khoản 1 Điều 100 cho thấy nhà nước Việt Nam sẽ đương nhiên được hưởng quyền miễn trừ, trừ trường hợp có tuyên bố hoặc thỏa thuận về việc từ bỏ quyền miễn trừ thì mới phải chịu trách nhiệm dân sự. Tương tự, Khoản 2 Điều 100 cũng quy định các quốc gia nước ngoài cũng sẽ tự động được hưởng quyền miễn trừ, chỉ trừ khi họ có tuyên bố hoặc thỏa thuận với Việt Nam về việc từ bỏ quyền miễn trừ đó.

Thực tiễn hiện nay cho thấy, hầu hết các điều ước quốc tế trong lĩnh vực dân sự, kinh tế – thương mại mà Việt Nam tham gia kí kết như: các hiệp định khuyến khích đầu tư, hiệp định thương mại,…Chính Phủ Việt Nam đã tự nguyện khước từ quyền miễn trừ tư pháp bằng việc cam kết sẽ giải quyết các tranh chấp phát sinh giữa chính phủ, các cơ quan của chính phủ với các đối tác nước ngoài thông qua các cơ quan tài phán, hoặc các thiết chế tương đương theo quy định của điều ước quốc tế. Tương tự như vậy, đối với các tranh chấp phát sinh giữa các chủ thể nước ngoài với các cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước Việt Nam, các bên có thể khởi kiện ra tòa án hoặc trọng tài.

Trong trường hợp khước từ quyền miễn trừ tư pháp, Nhà nước Việt Nam, cơ quan nhà nước ở trung ương, ở địa phương sẽ bình đẳng như các chủ thể khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình về nghĩa vụ dân sự do mình xác lập với nhà nước, pháp nhân, cá nhân nước ngoài. Điều này góp phần thúc đẩy các giao dịch dân sự phát triển, đảm bảo sự công bằng, an âm cho nhà đầu tư, tạo điều kiện phát triển kinh tế cho đất nước cũng như thu hút các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư kinh tế tại Việt Nam và phù hợp với xu thế phát triển chung của tư pháp quốc tế. Điều 100 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định trách nhiệm của Nhà nước khi tham gia quan hệ dân sự mà không trực tiếp quy định về miễn trừ quốc gia, tuy nhiên nội dung quy định này đã phần nào thể hiện Việt Nam đang theo mô hình miễn trừ tuyệt đối. Bởi vì quyền miễn trừ tư pháp của quốc gia là quyền chứ không phải nghĩa vụ của quốc gia, và quốc gia có bị tòa án nước khác xét xử hay không thì phải dựa trên pháp luật của quốc gia nơi có tòa án đó. Tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể mà quốc gia có thể từ bỏ quyền miễn trừ tư pháp của mình để bình đẳng với các chủ thể khác trong các quan hệ dân sự, việc từ bỏ quyền miễn trừ này là tự nguyện của quốc gia. Điều 100 đã quy định rõ việc nhà nước Việt Nam, cơ quan nhà nước ở trung ương, địa phương chịu trách nhiệm dân sự với các chủ thể nước ngoài khi việc từ bỏ quyền miễn trừ được thể hiện bằng một trong các cách thức sau: Điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định về việc từ bỏ quyền miễn trừ; Các bên trong quan hệ dân sự có thỏa thuận từ bỏ quyền miễn trừ; Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, cơ quan nhà nước ở Trung ương, ở địa phương từ bỏ quyền miễn trừ. Và trách nhiệm dân sự của nhà nước, cơ quan nhà nước nước ngoài cũng tương tự với nhà nước, cơ quan nhà nước Việt Nam.

Khoản 1 Điều 472 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 cũng quy định trường hợp Tòa án Việt Nam phải trả lại đơn khởi kiện, đơn yêu cầu hoặc đình chỉ giải quyết vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài nếu vụ việc dân sự thuộc thẩm quyền chung của Tòa án Việt Nam nhưng bị đơn được hưởng quyền miễn trừ tư pháp. Quy định này khá chung chung, chưa có điều khoản nào giải thích thế nào là quyền miễn trừ tư pháp, chủ thể nào được hưởng quyền miễn trừ và miễn trừ trong trường hợp nào.

Có thể thấy, bản chất của quyền miễn trừ tư pháp quốc gia là việc quốc gia bị không bị xét xử bởi tòa án của quốc gia khác. Do đó, việc tòa án của quốc gia này có thẩm quyền xét xử quốc gia khác hay không phải được quy định tại pháp luật tố tụng dân sự. Tuy nhiên, hiện nay pháp luật Việt Nam chưa có quy định nào cụ thể về quyền miễn trừ tư pháp quốc gia được ghi nhận tại Bộ luật Tố tụng dân sự, vì vậy việc hoàn thiện pháp luật tố tụng dân sự về quyền miễn trừ tư pháp là rất cần thiết bởi một số lý do sau:

Thứ nhất, cần thiết phải làm rõ nội dung quyền miễn trừ tư pháp trong quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 472 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 làm cơ sở cho thẩm phán quyết định trong trường hợp nào sẽ được coi là bị đơn được hưởng quyền miễn trừ quốc gia để trả lại đơn kiện.

Thứ hai, đảm bảo cho thủ tục giải quyết tranh chấp liên quan đến các quốc gia được công bằng, bình đẳng hơn.

Mọi thông tin hồ sơ giấy tờ vui lòng gửi về văn phòng công ty luật MULTI LAW tại Hà Nội.
Bạn hãy nhấc máy và gọi điện đến 0946220880 hoặc 0989082888 . chúng tôi sẽ giúp bạn giải quyết các vấn đề và thủ tục mà bạn đang gặp phải. Với đội ngũ luật sư giỏi, uy tín và chuyên nghiệp bởi đoàn Luật Sư Tp. Hà Nội.
----------------------------------------
CÔNG TY LUẬT MULTI LAW
Trụ sở 1: Tầng 5, Số 1, Phố Đỗ Hành, phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.
Hotline: 0946220880
Email: [email protected]
Xem thêm: thủ tục ly hôn, ly hôn trọn gói, Ly hôn đơn phương trọn gói, Ly hôn thuận tình trọn gói, Ly hôn có yếu tố nước ngoài, Tranh chấp tài sản khi ly hôn, Tranh chấp tài sản khi ly hôn, công ty luật uy tín tại Hà Nội.

thiết kế website bởi Công Ty TNHH Công Nghệ VNBack.