Con cái và tài sản là hai vấn đề có nhiều tranh chấp khi ly hôn. Khi ly hôn ai được quyền nuôi con? Khi ly hôn con dưới 3 tuổi ở với ai? Nghĩa vụ cấp dưỡng của người còn lại khi không trực tiếp nuôi dưỡng con sẽ được giải quyết như thế nào? Với những thắc mắc của bạn nêu trên, Luật Multi Law chúng tôi tư vấn cho bạn như sau:
Cơ sở pháp lý
Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014
Khi ly hôn ai được quyền nuôi con dưới 3 tuổi?
Điều 81 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn. Và tại khoản 3 Điều này có quy định về quyền nuôi con dưới 36 tháng tuổi:
Con dưới 36 tháng tuổi: được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.
Theo quy định này, về nguyên tắc, mẹ sẽ được ưu tiên nuôi con dưới 36 tháng tuổi nếu mẹ có đủ điều kiện để trực tiếp trong nom, chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục con.
Pháp luật dường như đã “ưu ái” hơn cho người mẹ trong việc nuôi con dưới 3 tuổi. Ở độ tuổi này, người con đang rất nhỏ, cần được sự chăm sóc, quan tâm nhiều để phát triển tốt nhất, mẹ sẽ là người dễ gần gũi, có nhiều kinh nghiệm chăm sóc con nhỏ hơn so với bố. Như vậy, quy định này cũng nhằm mục đích tạo điều kiện thuận lợi nhất để trẻ em được bảo đảm các quyền lợi của mình và phát triển toàn diện.
Trong trường hợp người mẹ không muốn nuôi con, không đủ điều kiện để nuôi con hoặc không đủ sức khỏe để chăm sóc, giáo dục con hoặc có thỏa thuận khác về quyền nuôi con dưới 36 tháng tuổi mà phù hợp với lợi ích của con thì Tòa án sẽ xem xét để giao con cho người cha nuôi nếu người cha có đủ điều kiện.
Nếu bạn chưa có công việc, chưa có thu nhập thì bạn nên tìm kiếm công việc phù hợp để đảm bảo điều kiện về kinh tế, chăm sóc cho con tốt nhất. Bên cạnh đó, các điều kiện khác bạn cũng cần đảm bảo để chắc chắn giành quyền nuôi con.