Án phí tòa phúc thẩm khi ly hôn

1: Cơ sở pháp lý

Cơ sở pháp lý để trả lời câu hỏi là các văn bản pháp luật sau đây:

Luật Hôn nhân và gia đình 52/2014/QH13

Bộ luật Tố tụng dân sự 2015

Nghị định 126/2014/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật hôn nhân và gia đình

2: Nghĩa vụ nộp tạm ứng án phí ly hôn phúc thẩm

Theo điều 146 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định về nghĩa vụ nộp tiền tạm ứng án phí, tiền tạm ứng lệ phí thì:

“1. Nguyên đơn, bị đơn có yêu cầu phản tố đối với nguyên đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập trong vụ án dân sự phải nộp tiền tạm ứng án phí sơ thẩm, người kháng cáo theo thủ tục phúc thẩm phải nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm, trừ trường hợp được miễn hoặc không phải nộp tiền tạm ứng án phí.”

Theo đó, trong trường hợp bạn kháng cáo bản án ly hôn sơ thẩm thì bạn sẽ có tư cách là người kháng cáo. Nếu đơn kháng cáo của bạn được Tòa án chấp nhận, Tòa sẽ giải quyết việc kháng cáo theo thủ tục phúc thẩm. Lúc này, bạn sẽ là người phải nộp tiền tạm ứng án phí theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp bạn được miễn hoặc không phải nộp tiền tạm ứng án phí.

3: Nghĩa vụ chịu án phí phúc thẩm khi kháng cáo bản án ly hôn

Điều 148 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định về nghĩa vụ chịu án phí phúc thẩm thì:

“1. Đương sự kháng cáo phải chịu án phí phúc thẩm, nếu Tòa án cấp phúc thẩm giữ nguyên bản án, quyết định sơ thẩm bị kháng cáo, trừ trường hợp được miễn hoặc không phải chịu án phí phúc thẩm.

Trường hợp Tòa án cấp phúc thẩm sửa bản án, quyết định sơ thẩm bị kháng cáo thì đương sự kháng cáo không phải chịu án phí phúc thẩm; Tòa án cấp phúc thẩm phải xác định lại nghĩa vụ chịu án phí sơ thẩm theo quy định tại Điều 147 của Bộ luật này.

Trường hợp Tòa án cấp phúc thẩm hủy bản án, quyết định sơ thẩm bị kháng cáo để xét xử lại theo thủ tục sơ thẩm thì đương sự kháng cáo không phải chịu án phí phúc thẩm; nghĩa vụ chịu án phí được xác định lại khi giải quyết lại vụ án theo thủ tục sơ thẩm.”

Theo quy định trên thì có 3 trường hợp xảy ra như sau:

Trường hợp sau khi diễn ra phiên tòa phúc thẩm, Tòa án vẫn giữ nguyên bản án sở thẩm bị bạn kháng cáo thì bạn vẫn có nghĩa vụ chịu án phí phúc thẩm.

Trường hợp Tòa cấp phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm thì bạn sẽ không phải chịu án phí phúc thẩm, Tòa án sẽ xác định lại nghĩa vụ chịu án phí của các đương sự, tức là xác định xem bạn hay vợ bạn phải nộp án phí.

Trường hợp Tòa án cấp phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm để xét xử lại từ đầu thì bạn không phải chịu án phí phúc thẩm.

Ngoài ra, điều 29 nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí tòa án còn quy định thêm một số trường hợp như sau:

Nếu bạn rút kháng cáo trước khi mở phiên tòa phúc thẩm phải chịu 50% mức án phí dân sự phúc thẩm, nếu rút kháng cáo tại phiên tòa phúc thẩm phải chịu toàn bộ án phí dân sự phúc thẩm.

Trường hợp tại phiên tòa phúc thẩm, bạn và các đương sự khác thỏa thuận được với nhau mà không cần sự xét xử của tòa thì bạn vẫn phải chịu toàn bộ án phí dân sự phúc thẩm.

4: Mức nộp án phí phúc thẩm khi kháng cáo bản án ly hôn

Theo khoản 2.1 phụ lục A nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 thì án phí dân sự phúc thẩm đối với tranh chấp về hôn nhân và gia đình là 300.000 đồng (ba trăm nghìn đồng)