Cơ sở pháp lý
Luật Hôn nhân Gia đình năm 2014
Bộ Luật Tố tụng dân sự năm 2015
Nghị quyết 01/2017/NQ-HĐTP
Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14
Có được giành lại quyền nuôi con khi vợ tái hôn không?
Khi ly hôn, theo bản án/quyết định của Tòa án có thẩm quyền thì vợ đang là người được quyền trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng con. Vậy khi vợ tái hôn, người chồng có quyền yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con không?
Theo Khoản 2 Điều 84 Luật Hôn nhân gia đình năm 2014 quy định việc thay đổi người trực tiếp nuôi con được giải quyết khi có một trong các căn cứ sau đây:
Có sự thỏa thuận vợ chồng về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con. Nếu vợ chồng có thể thỏa thuận được với nhau đi tới quyết định cuối cùng thì có thể yêu cầu Tòa án thay đổi người trực tiếp nuôi con phù hợp với lợi ích của con. Việc thỏa thuận thay đổi người trực tiếp nuôi con của vợ chồng phải xuất phát từ sự tự nguyện của hai bên, xuất phải từ lợi ích của con và được thể hiện bằng văn bản.
Người trực tiếp nuôi con không còn khả năng, không có đủ điều kiện trực tiếp nuôi con. Trong trường hợp vợ chồng không thể thỏa thuận được với nhau về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con, người có yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con phải chứng minh được người đang trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp để nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con cái làm ảnh hưởng tới quyền và lợi ích của con.
Ngoài ra, trong trường hợp con từ đủ 07 tuổi trở lên, việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phải xem xét tới nguyện vọng của con.
Một số căn cứ để giành lại quyền nuôi con như:
Nếu vợ của bạn kết hôn với người nước ngoài và có ý định định cư nước ngoài thì vợ có điều kiện để đưa con đi cùng không? Trường hợp vợ bạn đi định cư ở nước ngoài và để con sống với ông bà ngoại thì chứng tỏ cô ấy không có điều kiện trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng con. Nếu bạn có đủ điều kiện nuôi dưỡng con thì đó là căn cứ để bạn giành quyền nuôi con.
Vợ bạn còn đủ điều kiện về kinh tế để trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng con hay không? Khi vợ bạn tái hôn với người khác, khả năng sẽ tập trung điều kiện kinh tế cho bên chồng mới để vụ đắp gia đình mới. Khả năng kinh tế, thu nhập của vợ bạn có còn đảm bảo để trang trải gánh nặng kinh tế gia đình mới và chăm sóc tốt cho con nữa không? Nếu cuộc sống của con bị ảnh hưởng cả về vật chất và tinh thần vì vấn đề kinh tế thì bạn có thể chứng minh để giành lại quyền nuôi con sau khi ly hôn.
Trường hợp con sống chung với gia đình chồng mới của vợ bạn, bạn thấy mọi người đối xử với con thế nào? Có phân biệt đối xử, có đánh đập, hành hạ, xâm phạm gì đến sức khỏe, tinh thần của con không? Đó là căn cứ để bạn chứng minh sự ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của con và yêu cầu giành lại quyền nuôi con khi vợ tái hôn.
Trên đây là một số căn cứ mà bạn có thể chứng minh rằng khi vợ tái hôn những trường hợp này hoàn toàn có thể xảy ra sẽ ảnh hưởng tới đời sống của con cũng như các quyền lợi của con không được đảm bảo tốt nhất. Đồng thời, khi đưa ra các căn cứ này, bạn cần chứng minh được điều kiện hiện tại của mình về thu nhập, điều kiện sống, môi trường xung quanh,… đảm bảo được tương lai tốt nhất cho con thì bạn mới có thể giành lại quyền nuôi con khi vợ tái hôn.
Thủ tục khởi kiện giành lại quyền nuôi con khi vợ tái hôn
- Nộp hồ sơ khởi kiện và Thẩm phán thụ lý vụ án
- Bạn cần chuẩn bị 1 bộ hồ sơ khởi kiện thay đổi người trực tiếp nuôi con bao gồm những giấy tờ sau:
- Đơn khởi kiện (theo Mẫu số 23-DS ban hành kèm theo Nghị quyết 01/2017/NQ-HĐTP)
- Quyết định, bản án ly hôn
- Bản sao chứng minh nhân dân hoặc các giấy tờ tùy thân có giá trị thay thế
- Bản sao sổ hộ khẩu
- Giấy khai sinh của con
- Các chứng cứ chứng minh về việc muốn thay đổi quyền trực tiếp nuôi con.
Sau khi chuẩn bị hồ sơ được nêu trên, nộp hồ sơ kèm cái tài liệu liên quan tới Tòa án nhân dân cấp huyện nơi cư trú hoặc làm việc của bị đơn – người đang trực tiếp nuôi con là cơ quan có thẩm quyền giải quyết (căn cứ theo quy định tại Điều 39 của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015). Sau khi tiếp nhận hồ sơ, Chánh án Tòa án sẽ phân công một Thẩm phán xem xét đơn khởi kiện giành lại quyền nuôi con khi vợ tái hôn.
Trong trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, thì Tòa án yêu cầu người nộp đơn khởi kiện bổ sung hồ sơ trong thời hạn do Thẩm phán ấn định nhưng không quá 01 tháng trừ trường hợp đặc biệt có thể gia hạn nhưng không quá 15 ngày. Trong trường hợp xét thấy hồ sơ đầy đủ hợp lệ, Tòa án sẽ ra thông báo người có yêu cầu giành lại quyền nuôi con khi vợ tái hôn nộp tiền tạm ứng án phí rồi vào sổ thụ lý vụ án.
Giai đoạn chuẩn bị xét xử
Trong thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm vụ án, Tòa án tiến hành hòa giải để bạn và vợ thỏa thuận với nhau về việc giành lại quyền nuôi con khi vợ tái hôn. Tại phiên hòa giải, bạn được quyền trình bày các căn cứ chứng minh khi vợ tái hôn sẽ ảnh hưởng tới đời sống cũng như các quyền lợi ích hợp pháp của con để bảo vệ yêu cầu giành lại quyền nuôi con khi vợ tái hôn, hai bên đề xuất ý kiến và hướng giải quyết ổn thỏa nhất trên cơ sở đặt lợi ích của con lên hàng đầu.
Thời hạn chuẩn bị xét xử trong trường hợp giành lại quyền nuôi con khi vợ tái hôn tại cấp sơ thẩm là không quá 4 tháng. Trong trường hợp có tình tiết phức tạp hay trở ngại khách quan thì được gia hạn tối đa không quá 02 tháng.
Lệ phí giành lại quyền nuôi con khi vợ tái hôn
Theo Danh mục án phí, lệ phí Tòa án được ban kèm Nghị quyết 326/2016/UBTVQH, án phí sơ thẩm đối với tranh chấp giành lại quyền nuôi con khi vợ tái hôn là 300.000 đồng (trừ trường hợp bạn được miễn,giảm nộp tiền án phí theo Điều 12 Nghị quyết 326/2016).