Đăng ký kết hôn ở nước ngoài có được công nhận ở Việt Nam không?

I. Thủ tục đăng ký kết hôn ở nước ngoài

1. Các trường hợp công dân Việt Nam cư trú ở nước ngoài kết hôn tại nước ngoài

Căn cứ Điều 3; Khoản 1, Điều 7 của Thông tư liên tịch số 02/2016/TTLT-BNG-BTP ngày 30/6/2016 hướng dẫn việc đăng ký và quản lý hộ tịch tại cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan đại diện lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài, các trường hợp công dân Việt Nam cư trú ở nước ngoài kết hôn tại nước ngoài bao gồm:

– Công dân Việt Nam cư trú ở nước ngoài là người đang có quốc tịch của Việt Nma thường trú hoặc tạm trú ở nước ngoài.

– Công dân Việt Nam thường trú ở nước ngoài là người đang có quốc tịch Việt Nam, được nước sở tại cho hưởng quy chế thường trú đăng ký kết hôn với người nước ngoài hoặc với công dân Việt Nam khác cư trú ở nước ngoài tại nước sở tại.

– Công dân Việt Nam tạm trú ở nước ngoài là người đang có quốc tịch Việt Nam công tác, học tập, lao động ở nước ngoài và được nước sở tại cấp giấy tờ cho phép cư trú có thời hạn đăng ký kết hôn với người nước ngoài hoặc công dân Việt Nam khác cư trú tại nước sở tại.

2. Thẩm quyền đăng ký kết hôn ở nước ngoài

Căn cứ vào khoản 1 Điều 7 Thông tư liên tịch số 02/2016/TTLT-BNG-BTP, cơ quan có thẩm quyền thực hiện thủ tục đăng ký kết hôn ở nước ngoài là

– Cơ quan đại diện ở khu vực lãnh sự nơi cư trú của bên nam hoặc bên nữ là công dân Việt Nam thực hiện đăng ký kết hôn giữa công dân Việt Nam cư trú ở nước ngoài với nhau hoặc với người nước ngoài.

– Trường hợp đăng ký kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài thì việc đăng ký kết hôn đó không được trái với pháp luật của nước sở tại.

3. Một số lưu ý về đăng ký kết hôn ở nước ngoài

Căn cứ vào Điều 7 Thông tư liên tịch số 02/2016/TTLT-BNG-BTP thì hồ sơ, thủ tục đăng ký kết hôn ở nước ngoài cụ thể như sau:

Một số giấy tờ cần chuẩn bị khi thực hiện đăng ký kết hôn ở nước ngoài gồm:

– Tờ khai đăng ký kết hôn (theo mẫu quy định): Hai bên nam, nữ có thể cùng khai chung vào một tờ khai đăng ký kết hôn.

– Các giấy tờ xác nhận trong thủ tục đăng ký kết hôn:

Trường hợp 1, Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân đối với bên kết hôn là công dân Việt Nam bao gồm:

+ Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân do Ủy ban nhân dân xã/phường/thị trấn nơi người đó thường trú trước khi xuất cảnh: đối với trường hợp công dân Việt Nam có thời gian thường trú tại Việt Nam, trước khi xuất cảnh đã đủ tuổi kết hôn theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình Việt Nam.

+ Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân do Cơ quan đại diện ở khu vực lãnh sự nơi đã cư trú cấp: đối với trường hợp công dân Việt Nam đã có thời gian cư trú ở nhiều nước khác nhau thì phải nộp thêm giấy này. Nếu không thể xin được xác nhận tình trạng hôn nhân tại các nơi đã cư trú trước đây thì người đó phải nộp văn bản cam đoan về tình trạng hôn nhân của mình trong thời gian cư trú ở các nơi đó và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung cam đoan.

+ Giấy tờ chứng minh tình trạng hôn nhân dó cơ quan có thẩm quyền của nước mà công dân Việt Nam đồng thời mang quốc tịch nước đó cấp.

+ Công dân Việt Nam thường trú ở nước ngoài không đồng thời có quốc tịch nước ngoài hoặc công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài nhưng thường trú ở nước thứ ba thì phải nộp giấy tờ chứng minh tình trạng hôn nhân do cơ quan có thẩm quyền của nước mà Công dân Việt Nam này thường trú cấp.

Trường hợp 2, Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân đối với bên kết hôn là người nước ngoài (căn cứ điểm d khoản 2 Điều 7 Thông tư liên tịch số 02/2016/TTLT-BNG-BTP):

+ Bên nam hoặc bên nữ là người nước ngoài thì phải nộp giấy tờ chứng minh tình trạng hôn nhân xác nhận tại thời điểm hiện tại người đó không vó vợ hoặc không có chồng.

+ Nếu pháp luật nước ngoài không quy định việc cấp giấy tờ chứng minh tình trạng hôn nhân thì thay bằng giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền nước ngoài xác nhận người đó có đủ điều kiện kết hôn theo pháp luật nước đó.

Trường hợp 3, Giấy xác nhận khác: Giấy xác nhận không mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác mà không có khả năng nhận thức, làm chủ hàn vi do Tổ chức y tế có thẩm quyền ở Việt Nam hoặc của nước ngoài cấp không quá 06 tháng.

– Bản sao trích lục hộ tịch: Bản sao trích lục hộ tịch (Trích lục ghi chủ ly hôn) về việc ghi nhận vào sổ hộ tịch việc ly hôn hoặc hủy kết hôn (nếu có trong trường hợp công dân Việt Nam đã ly hôn hoặc đã hủy việc kết hôn tại cơ quan có thẩm quyền).

Thời hạn giải quyết hồ sơ đăng ký kết hôn ở nước ngoài của công dân Việt Nam

–  Thời hạn nghiên cứu, thẩm tra hồ sơ kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ hợp lệ là 10 ngày.

– Thời hạn tổ chức trao Giấy chứng nhận kết hôn là 03 này làm việc kể từ ngày Thủ tướng cơ quan đại diện ký Giấy chứng nhận kết hôn do Cơ quan đại diện tổ chức thực hiện.

– Thời hạn gia hạn tổ chức trao Giấy chứng nhận kết hôn là không quá 60 ngày, tính từ ngày Thủ tướng Cơ quan đại diện ký Giấy chứng nhận kết hôn.

– Trường hợp sau khi bị hủy Giấy chứng nhận kết hôn mà hai bên nam, nữ vẫn muốn xác lập quan hệ hôn nhân thì tiến hành thủ tục đăng ký kết hôn lại từ đầu.

– Lệ phí đăng ký kết hôn ở nước ngoài được quy định tại khoản 4 Điều 1 Thông tư số 113/2021/TT-BTC của Bộ tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí trong lĩnh vực ngoại giao áp dụng tại các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài. Theo đó, khi đăng ký kết hôn ở nước ngoài, lệ phí cho thủ tục này là 70 USD/vụ việc.

II. Điều kiện để kết hôn ở nước ngoài được công nhận tại Việt Nam

Khi một người Việt Nam đã thực hiện thủ tục đăng ký kết hôn ở nước ngoài mà muốn được công nhận việc kết hôn đó ở Việt Nam thì phải thực hiện thủ tục ghi chú việc kết hôn và Sổ hộ tịch.

Điều kiện để kết hôn ở nước ngoài được công nhận tại Việt Nam được quy định tại Điều 34 Nghị định 123/2015/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật hộ tịch. Theo đó, việc đăng ký kết hôn tại nước ngoài của công dân Việt Nam phải đáp ứng một số điều kiện theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình Việt  năm 2014 thì mới được ghi vào Sổ hộ tịch của Việt Nam, cụ thể như sau:

– Đủ điều kiện kết hôn

– Không vi phạm điều cấm

Ngoài ra, nếu khi đăng ký kết hôn ở nước ngoài không đáp ứng điều kiện kết hôn ở Việt Nam thì vẫn được ghi vào Sổ hộ tịch nếu:

– Thời điểm yêu cầu ghi vào Sổ hộ tịch, hậu quả đã được khắc phục

– Việc ghi chú là nhằm bảo vệ quyền lợi của công dân Việt Nam và trẻ em

– Không vi phạm điều cấm của pháp luật.

Do vậy, để việc đăng ký kết hôn ở nước ngoài được công nhận tại Việt Nam thì thủ tục ghi chú việc đăng ký kết hôn vào Sổ hộ tịch là vô cùng quan trọng và không thể bỏ qua.

III. Thủ tục để việc đăng ký kết hôn ở nước ngoài được công nhận tại Việt Nam

Để việc đăng ký kết hôn ở nước ngoài được công nhận tại Việt Nam thì người yêu cầu phải thực hiện theo thủ tục ghi chú việc kết hôn. Theo đó, thủ tục ghi chú việc kết hôn này được thực hiện như sau:

1. Cơ quan có thẩm quyền

Điều 48 Luật Hộ tịch năm 2014 quy định Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi cư trú của công dân Việt Nam có thẩm quyền ghi vào Sổ hộ tịch việc kết hôn đã được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài.

Do đó, khi muốn ghi chú việc kết hôn đã được thực hiện tại nước ngoài thì công dân Việt Nam đến Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi mình cư trú để làm thủ tục ghi chú.

2. Các loại giấy tờ cần chuẩn bị

Khi đến Ủy ban nhân dân cấp huyện, người yêu cầu cần phải chuẩn bị các loại giấy tờ được quy định tại Điều 35 Nghị định 123/2015/NĐ-CP, cụ thể như sau:

– Tờ khai theo mẫu quy định

– Bản sao có chứng thực giấy tờ chứng nhận việc kết hôn do cơ quan có thẩm quyền nước ngoài cấp;

– Bản sao trích lục ghi chú ly hôn (nếu trước đó có thực hiện việc ghi chú ly hôn hoặc hủy việc kết hôn – nếu có);

– Bản sao giấy tờ tùy thân của cả hai bên nam, nữ (nếu gửi hồ sơ qua hệ thống bưu chính);

– Văn bản ủy quyền (nếu có).

3. Trình tự, thủ tục thực hiện việc ghi chú kết hôn

Bước 1: Chuẩn bị đầy đủ các loại giấy tờ nêu trên

Bước 2: Nộp hồ sơ trên tại Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi công dân Việt Nam cư trú

Khi đến nộp hồ sơ, người yêu cầu phải mang giấy tờ tùy thân để đối chiếu. Nếu các giấy tờ này do cơ quan có thẩm quyền nước ngoài cấp, công chứng hoặc xác nhận thì phải được hợp pháp hóa lãnh sự trừ trường hợp được miễn theo quy định của pháp luật.

Bước 3: Tiếp nhận xử lý hồ sơ

Thời hạn giải quyết ghi vào Sổ hộ tịch việc kết hôn là 05 ngày làm việc, kể từ ngày Phòng tư pháp tiếp nhận hồ sơ. Trường hợp cần xác minh thì thời hạn giải quyết không quá 10 ngày làm việc.

– Nếu thấy yêu cầu ghi vào Sổ hộ tịch việc kết hôn là đủ điều kiện theo quy định tại Điều 34 của Nghị định 123/2015/NĐ-CP, Trưởng phòng Tư pháp ghi vào sổ và báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện ký cấp bản chính trích lục hộ tịch cho người yêu cầu.

– Nếu thấy yêu cầu ghi vào Sổ hộ tịch việc kết hôn thuộc một trong các trường hợp từ chối ghi vào sổ việc kết hôn thì Trưởng Phòng Tư pháp báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện để từ chối. Việc từ chối này phải thông báo bằng văn bản nêu rõ lý do từ chối cho người yêu cầu. Trường hợp bị từ chối ghi vào sổ việc kết hôn được quy định tại Điều 36 Nghị định 123/2015/NĐ-CP, cụ thể:

+ Việc kết hôn vi phạm điều cấm theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình

+ Công dân Việt Nam kết hôn với người nước ngoài tại cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan đại diện lãnh sự nước ngoài tại Việt Nam.

Mọi thông tin hồ sơ giấy tờ vui lòng gửi về văn phòng công ty luật MULTI LAW tại Hà Nội.
Bạn hãy nhấc máy và gọi điện đến 0946220880 hoặc 0989082888 . chúng tôi sẽ giúp bạn giải quyết các vấn đề và thủ tục mà bạn đang gặp phải. Với đội ngũ luật sư giỏi, uy tín và chuyên nghiệp bởi đoàn Luật Sư Tp. Hà Nội.
----------------------------------------
CÔNG TY LUẬT MULTI LAW
Trụ sở 1: Tầng 5, Số 1, Phố Đỗ Hành, phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.
Hotline: 0946220880
Email: [email protected]
Xem thêm: thủ tục ly hôn, ly hôn trọn gói, Ly hôn đơn phương trọn gói, Ly hôn thuận tình trọn gói, Ly hôn có yếu tố nước ngoài, Tranh chấp tài sản khi ly hôn, Tranh chấp tài sản khi ly hôn, công ty luật uy tín tại Hà Nội.

thiết kế website bởi Công Ty TNHH Công Nghệ VNBack.