Đơn khởi kiện là gì ? Khái niệm về đơn khởi kiện là gì?

Đơn khởi kiện là gì ? Khái niệm về đơn khởi kiện: 

Đơn khởi kiện là văn bản, trong đó, đương sự yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền hoặc lợi ích hợp pháp của mình bị xâm hại. Bài viết phân tích các quy định pháp lý hiện hành của nước ta liên quan đến đơn khởi kiện, cụ thể:

1. Khái niệm đơn khởi kiện

Đơn khởi kiện là văn bản, trong đó, đương sự yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền hoặc lợi ích hợp pháp của mình bị xâm hại.

Trong tố tụng hình sự, đơn khởi kiện được dùng với nghĩa là yêu cầu của người bị hại về việc khởi tố vụ án hình sự để bảo vệ lợi ích của mình bị tội phạm xâm hại,

Trong tố tụng dân sự, đơn khởi kiện là một cách thức để đương sự yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền lợi cho mình. Pháp luật yêu cầu đơn khởi kiện phải chứa đựng những thông tin cần thiết như. ngày, tháng, năm làm đơn khởi kiện; tên Tòa án nhận đơn khởi kiện; tên, địa chỉ của người khởi kiện; tên, địa chỉ của người có quyền và lợi ích được bảo vệ, nếu có; tên, địa chỉ của người bị kiện; tên, địa chỉ của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, nếu có; những vấn đề cụ thể yêu cầu Tòa án giải quyết đối với bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan; họ, tên, địa chỉ của người làm chứng, nếu có; tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu khởi kiện là có căn cứ và hợp pháp; các thông tin khác mà người khởi kiện xét thấy cần thiết cho việc giải quyết vụ án; người khởi kiện là cá nhân phải kí tên hoặc điểm chỉ; nếu cơ quan, tổ chức khởi kiện thì đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức đó phải kí tên và đóng dấu vào phần cuối đơn.

2. Chủ thể có quyền khởi kiện vụ án dân sự ?

– Căn cứ pháp lý về khởi kiện vụ án dân sự: Bộ luật tố tụng dân sự số 92/2015/QH13 ngày 25 tháng 11 năm 2015

Điều 186. Quyền khởi kiện vụ án
Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp khởi kiện vụ án (sau đây gọi chung là người khởi kiện) tại Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Theo đó, chủ thể ở đây được hiểu là các chủ thể được phép tham gia vào quan hệ pháp luật tố tụng dân sự (Gọi là người khởi kiện), bao gồm hai loại là cá nhân và cơ quan tổ chức. Người khởi kiện phải đáp ứng được đầy đủ hai yêu cầu:
+ Có quyền khởi kiện
+ Và có năng lực hành vi tố tụng dân sự, cụ thể:
* Người khởi kiện vụ án dân sự là cá nhân cần có:
– Có Năng lực hành vi tố tụng dân sự
+ Trong trường hợp cá nhân tự mình khởi kiện để bảo vệ lợi ích của chính mình, nói cách khác cá nhân khởi kiện là nguyên đơn thì phải đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự. Trong trường hợp cá nhân có đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự nhưng không muốn tự mình khởi kiện có thể làm giấy ủy quyền cho một người khác có năng lực hành vi thay mình khởi kiện (trừ việc ly hôn).
+ Trong trường hợp cá nhân không thể tự mình khởi kiện vì không có đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự thì việc khởi kiện phải thông qua người đại diện theo pháp luật.
– Có Quyền khởi kiện:
Cá nhân khởi kiện được xem là có quyền khởi kiện khi họ là người có quyền, lợi ích hợp pháp bị xâm phạm, tranh chấp. Trên thực tế, để tránh trường hợp các cá nhân khởi kiện một cách bừa bãi trong khi bản than vốn không hề bị xâm hại về quyền, lợi ích hợp pháp mà chỉ muốn khởi kiện để hạ thấp uy tín, danh dự của những chủ thể khác hoặc cá nhân cho rằng quyền lợi của mình bị xâm hại nhưng trên thực tế không phải như vậy, nói cách khác, để chứng minh được quyền khởi kiện của mình, người khởi kiện phải nộp kèm theo đơn khởi kiện, tài liệu, chứng cứ ban đầu (Điều 165).
* Người khởi kiện vụ án dân sự là cơ quan, tổ chức:
– Cần có Năng lực hành vi tố tụng dân sự:
+ Đối với cơ quan, tổ chức có tư cách pháp nhân, việc khởi kiện được thực hiện thông qua người đại diện theo pháp luật của pháp nhân (thường là người đứng đầu pháp nhân: Đối với pháp nhân công, người đứng đầu pháp nhân được quy định trong quyết định thành lập, đối với pháp nhân là doanh nghiệp, người đại diện được quy định theo điều lệ) hoặc người được người đại diện theo pháp luật của pháp nhân ủy quyền (thông qua giấy ủy quyền).
+ Đối với cơ quan, tổ chức không có tư cách pháp nhân, chỉ được xem là đáp ứng yêu cầu chủ thể trong những trường hợp nhất định, tùy từng văn bản
Một tổ chức được công nhận là có tư cách pháp nhân khi có đầy đủ các điều kiện sau đây:
  • – Được thành lập hợp pháp;
  • – Có cơ cấu tổ chức chặt chẽ;
  • – Có tài sản độc lập với cá nhân, tổ chức khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản đó
  • – Nhân danh chính mình tham gia các quan hệ pháp luật một cách độc lập.
  • – Có Quyền khởi kiện:
+ Trường hợp cơ quan, tổ chức khởi kiện để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình thì phải chứng minh quyền, lợi ích của mình bị xâm phạm, tranh chấp.
+ Trường hợp khởi kiện để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người khác; khởi kiện để yêu cầu Tòa án bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích nhà nước thuộc lĩnh vực mình phụ trách. Được xem là có quyền khỏi kiện khi cơ quan, tổ chức chứng minh được việc khởi kiện thuộc phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình. Mặt khác, chứng minh được quyền, lợi ích hợp pháp của những chủ thể nêu trên bị xâm phạm. Tương tự như với ban đầu chứng minh năng lực chủ thể khởi kiện, lợi ích nhà nước, lợi ích công cộng… đã bị xâm phạm.

Xem thêm dịch vụ tại MULTI LAW

Luật sư chuyên giải quyết hôn nhân và gia đình, tranh chấp đất đai, tài sản, thừa kế.
Gọi ngay: 0984.083.790

3. Về phạm vi khởi kiện ban đầu của đương sự

Theo quy định tại khoản 1 Điều 5 của BLTTDS năm 2015 thì:

“Đương sự có quyền quyết định việc khởi kiện, yêu cầu Tòa án 
có thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự. Tòa án chỉ thụ lý giải 
quyết vụ việc dân sự khi có đơn khởi kiện, đơn yêu cầu của đương sự 
và chỉ giải quyết trong phạm vi đơn khởi kiện, đơn yêu cầu đó”.

Theo quy định này thì trong vụ án dân sự nói chung, đương sự (bao gồm nguyên đơn, bị đơn có yêu cầu phản tố, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập) có quyền quyết định phạm vi yêu cầu để Tòa án xem xét, giải quyết. Đồng thời Tòa án chỉ xem xét giải quyết trong phạm vi đơn của đương sự. Như vậy, phạm vi khởi kiện của đương sự được thể hiện trong đơn khởi kiện, đơn yêu cầu phản tố, đơn yêu cầu độc lập. Thẩm phán khi được phân công giải quyết vụ án phải xác định đúng và đầy đủ yêu cầu của đương sự trong vụ án.

Tuy nhiên, thực tế vẫn có một số vụ án khi xét xử sơ thẩm bị Tòa án cấp trên hủy bản án với lý do:

(1) Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết vượt quá phạm vi khởi kiện của đương sự. Ví dụ (1): trong vụ án tranh chấp quyền sử dụng đất, nguyên đơn chỉ yêu cầu Tòa án giải quyết buộc bị đơn trả lại phần đất diện tích 300m2. Trong quá trình giải quyết vụ án, sau khi xem xét thẩm định tại chỗ thì phần đất tranh chấp là 400m2. Tòa án cấp sơ thẩm không hướng dẫn nguyên đơn bổ sung yêu cầu khởi kiện nhưng Tòa án lại giải quyết buộc bị đơn trả lại cho nguyên đơn phần đất diện tích 400m2 là vượt quá phạm vi khởi kiện của nguyên đơn;

(2) Hoặc Tòa án cấp sơ thẩm không xem xét giải quyết hết yêu cầu khởi kiện của đương sự. Ví dụ (2): trong vụ án tranh chấp hợp đồng vay tài sản, nguyên đơn yêu cầu Tòa án giải quyết buộc bị đơn trả lại số tiền vay còn là 50 triệu đồng và tiền lãi của số tiền vay còn nợ. Khi xét xử Tòa án chỉ giải quyết buộc bị đơn trả cho nguyên đơn số tiền vay còn nợ mà không xem xét đến yêu cầu tính lãi của nguyên đơn là giải quyết không hết yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

4. Thủ tục nhận và xử lý đơn kiện

Căn cứ pháp lý: Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015; Nghị quyết 04/2016/NQ- HĐTP Hướng dẫn chi tiết một số điều của Bộ luật tố tụng dân sự 2015.

4.1 Gửi đơn khởi kiện đến Tòa án

– Người khởi kiện gửi đơn khởi kiện kèm theo tài liệu, chứng cứ mà mình hiện có đến Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án bằng các phương thức sau đây:

  1. Nộp trực tiếp tại Tòa án;
  2. Gửi đến Tòa án theo đường dịch vụ bưu chính;
  3. Gửi trực tuyến bằng hình thức điện tử qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có).

– Ngày khởi kiện là ngày đương sự nộp đơn khởi kiện tại Tòa án hoặc ngày được ghi trên dấu của tổ chức dịch vụ bưu chính nơi gửi.

Trường hợp không xác định được ngày, tháng, năm theo dấu bưu chính nơi gửi thì ngày khởi kiện là ngày đương sự gửi đơn tại tổ chức dịch vụ bưu chính. Đương sự phải chứng minh ngày mình gửi đơn tại tổ chức dịch vụ bưu chính; trường hợp đương sự không chứng minh được thì ngày khởi kiện là ngày Tòa án nhận được đơn khởi kiện do tổ chức dịch vụ bưu chính chuyển đến.

1. Trường hợp người khởi kiện gửi đơn khởi kiện bằng phương thức gửi trực tuyến thì ngày khởi kiện là ngày gửi đơn.

2. Trường hợp chuyển vụ án cho Tòa án khác theo quy định tại Điều 41 của Bộ luật này thì ngày khởi kiện là ngày gửi đơn khởi kiện đến Tòa án đã thụ lý nhưng không đúng thẩm quyền và được xác định theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này​.​

4.2 Thủ tục nhận và xử lý đơn kiện

– Tòa án qua bộ phận tiếp nhận đơn phải nhận đơn khởi kiện do người khởi kiện nộp trực tiếp tại Tòa án hoặc gửi qua dịch vụ bưu chính và phải ghi vào sổ nhận đơn; trường hợp Tòa án nhận đơn khởi kiện được gửi bằng phương thức gửi trực tuyến thì Tòa án in ra bản giấy và phải ghi vào sổ nhận đơn.Khi nhận đơn khởi kiện nộp trực tiếp, Tòa án có trách nhiệm cấp ngay giấy xác nhận đã nhận đơn cho người khởi kiện. Đối với trường hợp nhận đơn qua dịch vụ bưu chính thì trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đơn, Tòa án phải gửi thông báo nhận đơn cho người khởi kiện. Trường hợp nhận đơn khởi kiện bằng phương thức gửi trực tuyến thì Tòa án phải thông báo ngay việc nhận đơn cho người khởi kiện qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có).

– Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện, Chánh án Tòa án phân công một Thẩm phán xem xét. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày được phân công, Thẩm phán phải xem xét đơn  và có một trong các quyết định sau đây:

  1. Yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện;
  2. Tiến hành thủ tục thụ lý vụ án theo thủ tục thông thường hoặc theo thủ tục rút gọn nếu vụ án có đủ điều kiện để giải quyết theo thủ tục rút gọn quy định tại khoản 1 Điều 317 của Bộ luật này;
  3. Chuyển đơn cho Tòa án có thẩm quyền và thông báo cho người khởi kiện nếu vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án khác;
  4. Trả lại đơn cho người khởi kiện nếu vụ việc đó không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.

– Kết quả xử lý đơn của Thẩm phán quy định tại khoản 3 Điều này phải được ghi chú vào sổ nhận đơn và thông báo cho người khởi kiện qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có).

– Tiếp nhận và xử lý đơn bằng phương thức điện tử

Việc tiếp nhận và xử lý đơn bằng phương thức điện tử được thực hiện theo quy định tại điều 17 nghị quyết số 04/2016/NQ- HĐTP, cụ thể như sau:

Sau khi nhận đơn, tài liệu, chứng cứ kèm theo bằng phương tiện điện tử, Tòa án phải in ra bản giấy, ghi vào sổ nhận đơn và xử lý đơn khởi kiện theo quy định của pháp luật tố tụng. Tòa án gửi thông báo đã nhận đơn, tài liệu, chứng cứ cho người khởi kiện từ Cổng thông tin điện tử của Tòa án đến địa chỉ thư điện tử đã đăng ký của người khởi kiện. Nội dung thông báo theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự, Luật tố tụng hành chính và hướng dẫn của Tòa án nhân dân tối cao. Kết quả xử lý đơn khởi kiện được Tòa án gửi từ Cổng thông tin điện tử của Tòa án đến địa chỉ thư điện tử đã đăng ký của người khởi kiện.