Tranh chấp đất đai là tranh chấp về quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất giữa hai hoặc nhiều bên trong quan hệ đất đai. Do đó, các tranh chấp về quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất sẽ được giải quyết theo quy định tại Luật Đất đai về giải quyết tranh chấp đất đai như: Thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai; Trình tự, thủ tục thực hiện giải quyết, …
Hòa giải bắt buộc
Theo quy định của Luật Đất đai 2013, tranh chấp đất đai mà các bên tranh chấp không hòa giải được thì gửi đơn đến UBND cấp xã nơi có đất tranh chấp để hòa giải. Đây là thủ tục bắt buộc, là điều kiện để tranh chấp có thể được giải quyết ở các cơ quan khác (nếu hòa giải không thành).
Hòa giải tại UBND xã được tiến hành khi có yêu cầu của một bên tranh chấp. Thời hạn giải quyết tranh chấp đất đai tại Ủy ban nhân cấp xã được thực hiện trong thời hạn không quá 45 ngày, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai.
Kết quả của Hòa giải tại UBND xã là biên bản hòa giải, kể cả hòa giải thành hay không thành với đầy đủ thông tin sau:
+ Thời gian và địa điểm tiến hành hòa giải
+ Thành phần tham dự hòa giải
+ Tóm tắt nội dung tranh chấp thể hiện rõ về nguồn gốc, thời điểm sử dụng đất đang tranh chấp, nguyên nhân phát sinh tranh chấp (theo kết quả xác minh, tìm hiểu)
+ Ý kiến của Hội đồng hòa giải tranh chấp đất đai
+ Những nội dung đã được các bên tranh chấp thỏa thuận, không thỏa thuận.
Giải quyết tranh chấp đất đai tại Tòa án
Theo quy định tại Điều 203 Luật Đất đai, Tranh chấp đất đai đã được hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã mà không thành thì được giải quyết như sau:
Trường hợp 1:
Trường hợp tranh chấp đất đai mà đương sự có Giấy chứng nhận hoặc có một trong các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất thì do Tòa án nhân dân giải quyết;
Lưu ý:
Một số loại giấy tờ về quyền sử dụng đất được quy định tại Điều 100 Luật Đất đai cũng như Điều 18 Nghị định 43/2014/NĐ-CP bao gồm:
– Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tạm thời được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp hoặc có tên trong Sổ đăng ký ruộng đất, Sổ địa chính trước ngày 15 tháng 10 năm 1993;
– Giấy tờ hợp pháp về thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất hoặc tài sản gắn liền với đất; giấy tờ giao nhà tình nghĩa, nhà tình thương gắn liền với đất;
– Sổ mục kê đất, sổ kiến điền lập trước ngày 18 tháng 12 năm 1980.
– Một trong các giấy tờ được lập trong quá trình thực hiện đăng ký ruộng đất theo Chỉ thị số 299-TTg về công tác đo đạc, phân hạng và đăng ký thống kê ruộng đất trong cả nước do cơ quan nhà nước đang quản lý:
– Biên bản xét duyệt của Hội đồng đăng ký ruộng đất cấp xã xác định người đang sử dụng đất là hợp pháp; Đơn xin đăng ký quyền sử dụng ruộng đất; …
Trường hợp 2:
Trường hợp Tranh chấp đất đai mà đương sự không có Giấy chứng nhận hoặc không có một trong các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất thì đương sự chỉ được lựa chọn một trong hai hình thức giải quyết tranh chấp đất đai theo quy định sau đây:
– Nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp tại Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền theo quy định tại khoản 3 Điều này;
– Khởi kiện tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự;
Như vậy, pháp luật quy định khi Đương sự không có Giấy chứng nhận hoặc không có một trong các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất thì vẫn có thể lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp đất đai tại Tòa án.