Không đăng ký kết hôn có cần ly hôn không?

Việc đăng ký kết hôn là thủ tục bắt buộc để cơ quan nhà nước công nhận tình trạng hôn nhân của hai bên nam nữ. Tuy nhiên, vì nhiều lý do mà nhiều đôi nam nữ không tiến hành đăng ký kết hôn, không thực hiện các thủ tục cần thiết mà chỉ tổ chức lễ cưới thông thường. Đến khi phát sinh mâu thuẫn khiến hai bên không thể chung sống với nhau được nữa, họ không biết làm thế nào để giải quyết mối quan hệ vợ chồng không được pháp luật công nhận này. Trong bài viết này, Luật Multi Law  sẽ cung cấp tới bạn thông tin về vấn đề không đăng ký kết hôn có cần ly hôn hay không.

Cơ sở pháp lý

Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014

Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015

Kết hôn là gì?

Khoản 5 Điều 3 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 định nghĩa về khái niệm kết hôn như sau:

Kết hôn là việc nam và nữ xác lập quan hệ vợ chồng với nhau theo quy định của Luật này về điều kiện kết hôn và đăng ký kết hôn.

Việc xác lập quan hệ vợ chồng để tiến tới quan hệ hôn nhân được pháp luật thừa nhận phải đáp ứng đúng quy định của pháp luật hôn nhân và gia đình về điều kiện kết hôn và đăng ký kết hôn. Như vậy, chỉ được coi là vợ chồng khi đã đáp ứng đủ điều kiện kết hôn và thực hiện thủ tục đăng ký kết hôn theo quy định của luật hôn nhân và gia đình hiện hành.

Không có giấy kết hôn có ly hôn được không?

Ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án. Như vậy, để được ly hôn thì phải có mối quan hệ vợ chồng tồn tại từ trước thì lúc đó hai bên mới có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết cho ly hôn.

Vậy trong trường hợp không đăng ký kết hôn thì giải quyết như thế nào?

Giải quyết trường hợp ly hôn khi không đăng ký kết hôn

Điều 53 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 về Thụ lý đơn yêu cầu ly hôn quy định như sau:

  1. Trong trường hợp không đăng ký kết hôn mà có yêu cầu ly hôn thì Tòa án thụ lý và tuyên bố không công nhận quan hệ vợ chồng theo quy định tại khoản 1 Điều 14 của Luật này; nếu có yêu cầu về con và tài sản thì giải quyết theo quy định tại Điều 15 và Điều 16 của Luật này.

 Chuẩn bị hồ sơ

Để yêu cầu Tòa án tuyên bố không công nhận quan hệ vợ chồng, bạn cần chuẩn bị những giấy tờ sau đây:

  • Đơn yêu cầu giải quyết ly hôn hoặc đơn yêu cầu không công nhận quan hệ hôn nhân (theo mẫu);
  • Bản sao chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân của hai bên nam nữ;
  • Bản sao sổ hộ khẩu;
  • Giấy tờ khác chứng minh quan hệ của hai bên nam nữ (nếu có);
  • Bản sao Giấy khai sinh của con, giấy tờ về tài sản chung (nếu có).

 Nộp hồ sơ

Theo Khoản 1 Điều 28 kết hợp với điểm a Khoản 1 Điều 35 và điểm a Khoản 1 Điều 39 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 thì thẩm quyền giải quyết vụ việc này thuộc về Tòa án nhân dân cấp huyện nơi bị đơn cư trú hoặc làm việc.

Trong trường hợp của bạn, sau khi chuẩn bị hồ sơ, bạn sẽ phải nộp đơn lên Tòa án nhân dân cấp huyện nơi chồng bạn đang cư trú.

Tòa án xem xét hồ sơ và thông báo nộp tiền tạm ứng án phí

Nếu hồ sơ của bạn còn thiếu, sai sót thì Thẩm phán sẽ yêu cầu bổ sung, sửa đổi.

Nếu hồ sơ của bạn hợp lệ, Tòa án sẽ thông báo cho bạn nộp tiền tạm ứng án phí. Bạn nộp tiền tạm ứng án phí cho Chi cục thi hành án dân sự và nộp lại biên lai nộp tiền tạm ứng án phí cho Tòa án.

Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày thụ lý vụ án, Chánh án Tòa án quyết định phân công Thẩm phán giải quyết vụ án.

Tòa án chuẩn bị xem xét đơn yêu cầu

Thời hạn chuẩn bị xét xử 04 tháng. Tòa án xem xét hồ sơ yêu cầu ly hôn đã thụ lý và xác minh về việc hai bên nam nữ có đăng ký kết hôn hay không đăng ký kết hôn.

Trường hợp có tranh chấp trong yêu cầu của đương sự, tranh chấp về quyền nuôi con chung và chia tài sản chung thì Tòa án triệu tập hai bên đương sự để tiến hành hòa giải để đương sự thỏa thuận và thống nhất phương thức giải quyết của các đương sự. Trong trường hợp hòa giải không thành, Tòa án sẽ phải ra quyết định đưa vụ án ra xét xử.

Tòa án ra quyết định không công nhận quan hệ vợ chồng

Tại phiên tòa xét xử, sau khi xem xét tài liệu chứng cứ và ý kiến của hai bên đương sự thì Tòa án sẽ ra quyết định không công nhận quan hệ vợ chồng và giải quyết con chung, tài sản chung nếu có yêu cầu.

Sau khi quyết định của Tòa án có hiệu lực, hai bạn sẽ chấm dứt hoàn toàn quan hệ sống chung trên thực tế. Nếu bên kia không đồng ý với quyết định và có hành vi chống đối thì bạn có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án cưỡng chế thi hành bản án đối với bên vi phạm kia.