Làm thế nào khi chưa ly hôn có con riêng với người khác

I. Chưa ly hôn mà có con riêng với người khác có vi phạm pháp luật không?

Trong Luật Hôn nhân – gia đình năm 2014 có quy định: Cấm hành vi người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ, chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ.

Để giải thích cho cụm từ “chung sống như vợ chồng”, Thông tư liên tịch số 01/2001/TTLT-BCA-TANDTC-VKSNDTC về việc hướng dẫn áp dụng các quy định tại Chương XV “các tội xâm phạm chế độ hôn nhân và gia đình” có nêu “Chung sống như vợ chồng” được hiểu là việc người đang có vợ, có chồng chung sống với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng lại chung sống với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ và có các minh chứng sau:

– Chung sống một cách công khai hoặc không công khai nhưng cùng sinh hoạt chung như một gia đình;

– Có con chung;

– Được hàng xóm và xã hội xung quanh coi như vợ chồng;

– Có tài sản chung đã được gia đình cơ quan, đoàn thể giáo dục mà vẫn tiếp tục duy trì quan hệ đó.

Vì thế, hành vi chưa ly hôn mà có con riêng đã vi phạm pháp luật Hôn nhân – gia đình. Cụ thể là thực hiện hành vi bị pháp luật cấm là đang có vợ, có chồng mà chung sống như vợ, như chồng với người khác. Ngoài ra, nếu như có thêm các minh chứng khác theo như khái niệm “chung sống như vợ chồng” nêu trên thì có thể bị xử lý về hành vi vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng.

Trường hợp vi phạm chế độ hôn nhân một vợ – một chồng, người vi phạm có thể bị xử lý như sau:

– Xử phạt vi phạm hành chính: Khoản 1 Điều 59 Nghị định 82/2020/NĐ-CP có quy định đối với hành vi chung sống như vợ chồng với người khác khi đang có vợ hoặc đang có chồng sẽ bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.

– Chịu trách nhiệm hình sự: Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 có quy định về tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng tại Điều 182, cụ thể người có hành vi vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng sẽ bị:

+ Phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm nếu thuộc một trong các trường hợp sau: Làm cho quan hệ hôn nhân của một hoặc hai bên dẫn đến ly hôn; Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.

+ Phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm nếu: Làm cho vợ, chồng hoặc con của một trong hai bên tự sát; Đã có quyết định của Tòa án hủy việc kết hôn hoặc buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ, chồng trái với chế độ một vợ, một chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó.

Như vậy, việc chưa ly hôn mà có con với người khác nhưng chưa được coi hoàn toàn là chung sống như vợ chồng với người khác thì cũng rất khó để có thể xác định được mức xử phạt đối với hành vi đó. Chỉ khi có đầy đủ các minh chứng theo quy định của pháp luật về việc người vi phạm đang chung sống như vợ chồng với người khác thì căn cứ vào mức độ của hành vi mà đưa ra hình thức xử phạt tương đương.

II. Chưa ly hôn mà có con riêng với người khác thì xác định quan hệ cha, mẹ, con như nào?

Việc xác định cha, mẹ, con đã được Luật Hôn nhân – Gia đình năm 2014 quy định tại Điều 88 như sau:

– Con được sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân là con chung của vợ chồng.

– Con được sinh ra trong thời hạn 300 ngày kể từ thời điểm chấm dứt hôn nhân (vợ chồng đã ly hôn và Tòa án đã công nhận bằng bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực) được coi là con do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân.

– Con sinh ra trước ngày đăng ký kết hôn và được cha mẹ thừa nhận là con chung của vợ chồng.

Trong trường hợp cha, mẹ không thừa nhận con chung thì phải có chứng cứ cụ thể và phải được Tòa án xác định.

Như vậy, khi chưa ly hôn mà có con với người khác sẽ có hai trường hợp để xác định cha, mẹ, con như sau:

1. Người vợ chưa ly hôn mà có con riêng với người khác

Đối với trường hợp này, mặc dù người chồng không phải là cha ruột của đứa trẻ nhưng đứa trẻ vẫn được xem là con chung của hai vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân do hai người chưa ly hôn.

– Nếu người chồng không muốn thừa nhận đứa trẻ này là con chung thì người chồng phải có bằng chứng nộp lên Tòa án và được Tòa án xác định.

– Người vợ cũng có thể yêu cầu Tòa án tuyên bố người chồng không phải là cha của đứa trẻ trước khi làm thủ tục khai sinh cho con. Khi đó, sau khi có bản án của Tòa án xác định người chồng không phải là cha của đứa trẻ thì phần khai thông tin cha trong Giấy khai sinh của đứa trẻ sẽ không phải là người chồng.

2. Người chồng chưa ly hôn mà có con riêng với người khác

Đối với trường hợp người chồng chưa ly hôn mà có con riêng với người khác không phải người vợ hợp pháp trên giấy tờ thì để nhận con, người cha phải làm thủ tục xác định cha, mẹ, con và đăng ký với cơ quan chức năng. Việc làm thủ tục xác định cha, mẹ, con không cần có sự đồng ý của người vợ bởi đây là quyền nhận con đã được pháp luật bảo vệ.

Thủ tục đăng ký nhận cha, con: Trong trường hợp này có được Luật Hộ tịch năm 2014 quy định và hướng dẫn cụ thể:

– Cơ quan có thẩm quyền đăng ký nhận cha, mẹ, con là Uỷ ban nhân dân cấp xã/phường/thị trấn nơi cư trú của người nhận hoặc người được nhận là cha, mẹ, con thực hiện đăng ký nhận cha, mẹ, con. Tức là, đối với trường hợp trên, người chồng có thể đến Uỷ ban nhân dân cấp xã/phường/thị trấn nơi mình đang cư trú hoặc nơi đứa  trẻ kia đang cư trú để thực hiện đăng ký nhận cha, con.

– Thủ tục đăng ký nhận cha, con:

+ Người chồng trong trường hợp trên phải nộp tờ khai theo mẫu quy định và chứng cứ chứng minh quan hệ cha con (bao gồm: văn bản của cơ quan y tế, cơ quan giám định hoặc cơ quan, tổ chức khác có thẩm quyền trong nước hoặc nước ngoài xác nhận quan hệ cha con; hoặc không có những văn bản xác nhận kia thì phải lập bản cam đoan về mối quan hệ cha, con theo quy định Điều 5 Thông tư 04/2020/TT-BTP) đến cơ quan đăng ký hộ tịch.

+ Khi đăng ký nhận cha, con thì các bên phải có mặt. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ giấy tờ theo quy định và nhận thấy việc nhận cha, con là đúng và không có tranh chấp, công chức tư pháp – hộ tịch ghi vào Sổ hộ tịch, cùng người đăng ký nhận cha, con ký vào Sổ hộ tịch và báo cáo Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã/phường/thị trấn cấp trích lục cho người chồng.

+ Nếu cần phải xác minh thì thời hạn để đăng ký nhận cha, con có thể được kéo dài thêm không quá 05 ngày làm việc.

III. Thủ tục khai sinh cho con với người khác khi chưa ly hôn mà có con riêng

1. Đăng ký khai sinh cho con với người khác khi người vợ là mẹ của đứa trẻ chưa ly hôn

Được khai sinh là quyền cơ bản và chính đáng của mỗi đứa trẻ. Tuy nhiên, đối với trường hợp này, thông tin người cha trên giấy khai sinh sẽ là thông tin của người chồng trên giấy đăng ký kết hôn. Do vậy sẽ có 02 trường hợp xảy ra: người chồng không phải là cha ruột nhưng vẫn coi đứa trẻ là con chung; người chồng không phải là cha ruột và không xác nhận đứa trẻ là con chung.

– Người vợ chưa ly hôn, có con trong thời kỳ hôn nhân và người chồng không phải là cha ruột của đứa trẻ nhưng vẫn coi đứa trẻ ấy là con chung của hai vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân thì người chồng hiện tại vẫn có quyền đứng tên thông tin cha đứa bé trong giấy khai sinh.

– Người vợ chưa ly hôn, có con trong thời kỳ hôn nhân nhưng người chồng không xác nhận là con chung. Tuy nhiên, mối quan hệ giữa người vợ chưa ly hôn và người cha ruột của đứa trẻ chỉ có mối quan hệ tình cảm bên ngoài, chưa được pháp luật công nhận. Do đó, việc khai sinh cho đứa trẻ sẽ do mẹ đứa trẻ đi đăng ký khai sinh. Thủ tục đăng ký khai sinh sẽ được thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 15 Nghị định 123/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật hộ tịch: Trường hợp chưa xác định được cha thì đăng ký khai sinh họ, dân tộc, quê quán, quốc tịch của con được xác định theo họ, dân tộc, quê quán, quốc tịch của mẹ; phần ghi về cha trong Sổ hộ tịch và giấy khai sinh của trẻ để trống. Lúc này, đứa trẻ sẽ được khai sinh theo họ mẹ và để trống phần thông tin cha ruột. Thủ tục để người cha ruột của đứa trẻ đứng tên phần khai thông tin cha trên giấy khai sinh như sau:

+ Người cha về mặt pháp lý là người chồng có đăng ký kết hôn sẽ đến Tòa án nhân dân là thủ tục từ chối nhận con.

+ Người cha có huyết thống của đứa trẻ ra Uỷ ban nhân dân cấp xã/phường/thị trấn làm thủ tục nhận cha, con

+ Đăng ký khai sinh cho trẻ như những trường hợp bình thường.

2. Đăng ký khai sinh cho con với người khác khi người chồng là cha ruột của đứa trẻ chưa ly hôn

Trong trường hợp này, người chồng là người cha có huyết thống với đứa trẻ có thể lên Uỷ ban nhân dân xã/phường/thị trấn nơi cư trú để làm thủ tục nhận cha, con. Sau khi làm thủ tục xác nhận cha, con thì có thể tiến hành thủ tục khai sinh thông thường cho đứa trẻ.

3. Thủ tục đăng ký khai sinh cho con

Thực hiện thủ tục đăng ký khai sinh cho con sẽ được Luật hộ tịch năm 2014 quy định tại Điều 16 như sau:

– Người đi đăng ký khai sinh nộp tờ khai theo mẫu quy định và giấy chứng sinh cho cơ quan đăng ký hộ tịch. Trường hợp không có giấy chứng sinh thì nộp văn bản của người làm chứng xác nhận về việc sinh; nếu không có người làm chứng thì phải có giấy cam đoan về việc sinh; trường hợp khai sinh cho trẻ bị bỏ rơi phải có biên bản xác nhận việc trẻ bị bỏ rơi do cơ quan có thẩm quyền lập; trường hợp khai sinh cho trẻ em sinh ra do mang thai hộ phải có văn bản chứng minh việc mang thai hộ theo quy định pháp luật.

– Ngay sau khi nhận đủ giấy tờ theo quy định và nhận thấy thông tin khai sinh đầy đủ và phù hợp, công chức tư pháp – hộ tịch ghi nội dung khai sinh được quy định tại khoản 1 Điều 14 Luật Hộ tịch 2014 vào Sổ hộ tịch; cập nhật vào Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để lấy Số định danh cá nhân.

– Công chức tư pháp – hộ tịch và người đi đăng ký khai sinh cùng ký tên vào Sổ hộ tịch. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã cấp Giấy khai sinh cho người được đăng ký khai sinh.

Mọi thông tin hồ sơ giấy tờ vui lòng gửi về văn phòng công ty luật MULTI LAW tại Hà Nội.
Bạn hãy nhấc máy và gọi điện đến 0946220880 hoặc 0989082888 . chúng tôi sẽ giúp bạn giải quyết các vấn đề và thủ tục mà bạn đang gặp phải. Với đội ngũ luật sư giỏi, uy tín và chuyên nghiệp bởi đoàn Luật Sư Tp. Hà Nội.
----------------------------------------
CÔNG TY LUẬT MULTI LAW
Trụ sở 1: Tầng 5, Số 1, Phố Đỗ Hành, phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.
Hotline: 0946220880
Email: [email protected]
Xem thêm: thủ tục ly hôn, ly hôn trọn gói, Ly hôn đơn phương trọn gói, Ly hôn thuận tình trọn gói, Ly hôn có yếu tố nước ngoài, Tranh chấp tài sản khi ly hôn, Tranh chấp tài sản khi ly hôn, công ty luật uy tín tại Hà Nội.

thiết kế website bởi Công Ty TNHH Công Nghệ VNBack.