Điểm mới về căn cứ ly hôn theo Luật Hôn nhân và Gia đình 2014

MỞ ĐẦU

Theo số liệu thống kê của Tòa án các cấp, hàng năm, số vụ án hôn nhân và gia đình liên tục tăng, trong đó có án ly hôn. Để giải quyết các vụ án ly hôn một cách thấu tình đạt lý, thì một trong những vấn đề đầu tiên và được xem như “mắt xích” không thể thiếu khi giải quyết đó là xác định căn cứ cho ly hôn. Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 7 và chính thức có hiệu lực từ ngày 01/01/2015, trên cơ sở kế thừa, tiếp thu một số quy định phù hợp của Luật hôn nhân và gia đình năm 2000, Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 đã sửa đổi, bổ sung một số quy định về chế định ly hôn, trong đó có quy định về căn cứ ly hôn. Sự thay đổi này góp phần hạn chế những bất cập, vướng mắc tồn tại thời gian qua trong quá trình áp dụng. Chính vì vậy, để tìm hiểu thêm về vấn đề này, em đã chọn đề bài “Điểm mới về căn cứ ly hôn theo Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014” cho bài tiểu luận hết môn của mình. Trong quá trình nghiên cứu và tìm hiểu, do vốn kiến thức còn hạn chế, em rất mong thầy/cô góp ý để em có thể hoàn thiện bài làm hơn. Em xin chân thành cảm ơn!

NỘI DUNG

  1. NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VÀ QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT HIỆN HÀNH VỀ CĂN CỨ LY HÔN:
  2. Khái niệm ly hôn và căn cứ ly hôn:

1.1. Khái niệm ly hôn:

Ly hôn là một hình thức để chấm dứt hôn nhân do Tòa án (cơ quan nhà nước có thẩm quyền) công nhận sự thuận tình ly hôn theo yêu cầu của hai vợ chồng hoặc theo yêu cầu của một bên vợ hoặc chồng. Tòa án là cơ quan duy nhất có thẩm quyền xét xử, giải quyết ly hôn; có vai trò quan trọng trong việc góp phần tuân thủ, chấp hành các quy định của pháp luật.

Khoản 14 Điều 3 Luật HN&GĐ 2014 có quy định về ly hôn như sau: “Ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án”. Như vậy thực chất ly hôn chính là chấm dứt quan hệ vợ chồng trước pháp luật theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án.

1.2. Khái niệm căn cứ ly hôn:

Để chứng minh cho sự tan vỡ trong hôn nhân, Tòa án cần dựa trên những cơ sở nhất định. Căn cứ vào những cơ sở đó, khi xem xét, đánh giá thực trạng của một mối quan hệ hôn nhân, Tòa án có thể nhận định mối quan hệ hôn nhân đó đã tan vỡ hay chưa. Bản chất quan hệ hôn nhân đã tan vỡ bộc lộ ra bên ngoài bằng nhiều hiện tượng khác nhau, mỗi hiện tượng chỉ biểu hiện một khía cạnh của bản chất. Nhà nước công nhận quyền tự do ly hôn, tuy nhiên, việc ly hôn phải dựa trên bản chất của mối quan hệ hôn nhân đồng thời đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của vợ, chồng và các bên liên quan. Do đó, để đảm bảo những yếu tố đó, nhà lập pháp cần dự liệu những cơ sở, căn cứ giải quyết ly hôn và yêu cầu kiểm soát việc ly hôn thông qua Tòa án. Tòa án khi giải quyết ly hôn phải áp dụng chính xác nội dung căn cứ ly hôn và chỉ được quyết định cho vợ chồng ly hôn khi thực chất quan hệ hôn nhân đã tan vỡ.

Nói tóm lại, có thể hiểu căn cứ ly hôn chính là những cơ sở, lập luận dựa trên những biểu hiện mang tính khách quan của mối quan hệ hôn nhân mà dựa vào đó, trên cơ sở yêu cầu của một bên hoặc cả hai vợ chồng, Tòa án đưa ra quyết định công nhận thuận tình ly hôn hoặc bản án xét xử cho ly hôn.

  1. Căn cứ ly hôn theo Luật HN&GĐ năm 2014:

2.1. Nội dung căn cứ ly hôn theo quy định của Luật HN&GĐ năm 2014:

Dựa theo quy định tại Luật HN&GĐ 2014, có thể thấy nhà làm luật đã dự liệu 04 căn cứ ly hôn. Đối với trường hợp thuận tình ly hôn được quy định tại Điều 55 như sau: “Trong trường hợp vợ chồng cùng yêu cầu ly hôn, nếu xét thấy hai bên thật sự tự nguyện ly hôn và đã thỏa thuận về việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con trên cơ sở bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án công nhận thuận tình ly hôn; nếu không thỏa thuận được hoặc có thỏa thuận nhưng không bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án giải quyết việc ly hôn.”. Có thể thấy, quy định này có vẻ đã bỏ qua mất thủ tục hòa giải trong thuận tình ly hôn. Ngoài ra, xét về nội dung căn cứ giải quyết thuận tình ly hôn vẫn chưa được rõ ràng. Nếu hiểu theo đúng cách diễn đạt của điều luật thì khi giải quyết thuận tình ly hôn, Tòa án xét thấy hai vợ chồng cùng thực sự tự nguyện ly hôn, không bị cưỡng ép, không bị lừa dối, hai vợ chồng đã thỏa thuận được về chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con chung, quyền lợi chính đáng của vợ và con được đảm bảo thì Tòa án sẽ công nhận thuận tình ly hôn và ghi nhận sự thỏa thuận của vợ chồng về tài sản và con cái.

Do đó đã có một số quan điểm cho rằng khi giải quyết thuận tình ly hôn, Tòa án chỉ cần xem xét giữa hai vợ chồng có thực sự tự nguyện ly hôn hay không, hai bên đã thỏa thuận được với nhau về chia tài sản và việc nuôi dưỡng, giáo dục con chung hay chưa, quyền lợi chính đáng của vợ và con đã được đảm bảo hay chưa. Đó chính là các điều kiện cần và đủ để giải quyết công nhận thuận tình ly hôn.

Đối với trường hợp ly hôn do một bên vợ chồng yêu cầu, Điều 56 Luật HN&GĐ 2014 có quy định như sau: “1. Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.

  1. Trong trường hợp vợ hoặc chồng của người bị Tòa án tuyên bố mất tích yêu cầu ly hôn thì Tòa án giải quyết cho ly hôn.
  2. Trong trường hợp có yêu cầu ly hôn theo quy định tại khoản 2 Điều 51 của Luật này thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc chồng, vợ có hành vi bạo lực gia đình làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của người kia.”. Theo quy định trên, có thể hiểu đã có ba căn cứ ly hôn được áp dụng cho các trường hợp ly hôn khi một bên vợ hoặc chồng yêu cầu. Các căn cứ ly hôn cụ thể này đã phản ánh tình trạng và bản chất của mối quan hệ hôn nhân tan vỡ hay chưa, cần phải có hướng dẫn cụ thể từ các cơ quan có thẩm quyền.

2.2. Các trường hợp áp dụng căn cứ ly hôn theo Luật HN&GĐ năm 2014:

2.2.1. Áp dụng căn cứ ly hôn khi hai vợ chồng thuận tình ly hôn

Điều 55 Luật HN&GĐ 2014 quy định về căn cứ ly hôn khi hai vợ chồng thuận tình ly hôn như sau: “Trong trường hợp vợ chồng cùng yêu cầu ly hôn, nếu xét thấy hai bên thật sự tự nguyện ly hôn và đã thỏa thuận về việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con trên cơ sở bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án công nhận thuận tình ly hôn; nếu không thỏa thuận được hoặc có thỏa thuận nhưng không bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án giải quyết việc ly hôn.”. Theo đó, vợ chồng được coi là thuận tình ly hôn nếu thỏa mãn căn cứ “hai bên vợ chồng đã thực sự tự nguyện ly hôn và đã thỏa thuận được về chia tài sản và con chung”.

Khoản 1 Điều 6 BLTTDS năm 2015 quy định khi tòa án xem xét một vụ việc dân sự, đương sự có nghĩa vụ phải cung cấp chứng cứ chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp. Trong trường hợp này, căn cứ chính là việc cùng yêu cầu ly hôn và sự tự nguyện ly hôn của hai vợ chồng. Căn cứ ly hôn trong trường hợp này được xác định bao gốm 2 yếu tố: sự thể hiện ý chí về việc tự nguyện ly hôn (hai vợ chồng cùng yêu cầu) và sự thống nhất giữa việc thể hiện ý chí và ý chí thực sự của vợ chồng (thực sự tự nguyện).

Thứ nhất, vợ chồng phải cùng thể hiện ý chí là mong muốn được ly hôn. Đối với trường hợp thuận tình ly hôn thì ý chí của vợ chồng là yếu tố quan trọng nhất. Thuận tình ly hôn phải là sự tự nguyện ý chí của cả hai vợ chồng về mong muốn chấm dứt quan hệ hôn nhân. Hai vợ chồng cùng thể hiện ý chí muốn ly hôn vào cùng một thời điểm và được thể hiện bằng đơn yêu cầu Tòa án giải quyết việc ly hôn. Với thuận tình ly hôn hai bên vợ chồng đều cùng chung quan điểm cho rằng quan hệ hôn nhân giữa họ đã tan vỡ, họ không muốn tiếp tục chung sống như vợ chồng được nữa Tòa án xem xét ý chí của vợ chồng trong suốt quá trình giải quyết yêu cầu ly hôn nên nếu sự đồng thuận về ý chí muốn ly hôn không tồn tại trong suốt quá trình Tòa án giải quyết việc ly hôn thì yêu cầu ly hôn của vợ chồng không được công nhận là thuận tình ly hôn. Ly hôn không thể nhằm thỏa mãn ý muốn nhất thời của vợ chồng mà phải dựa vào ý chí thật sự của vợ chồng. Ngoài ra, sự thể hiện ý chí tự nguyện ly hôn phải do chính vợ và chồng tự mình thực hiện vì đây là quyền gắn liền với nhân thân của vợ chồng, không thể chuyển giao.

Thứ hai, sự thể hiện ý chí cùng yêu cầu ly hôn phải thống nhất ý chí tự nguyện của hai bên vợ chồng. Để được xác định là thuận tình ly hôn còn phải thể hiện ý chí mong muốn ly hôn phải thống nhất với ý chí thực sự của vợ chồng. Thật sự tự nguyện cần được thể hiện qua việc sự tự do ý chí, không bên nào bị cưỡng ép, lừa dối và không phải là ly hôn giả tạo theo quy định tại Khoản 9, Khoản 15 Điều 3 Luật HN&GĐ năm 2014. Vợ chồng chỉ được coi là tự nguyện ly hôn nếu mỗi bên vợ, chồng đều không bị tác động bởi bên kia hay bởi bất kì người nào khác khiến họ phải ly hôn trái với nguyện vọng của mình. Mặt khác, nguyện vọng ly hôn phải đến từ những nhận thức đúng đắn của vợ chồng đối với tình trạng quan hệ vợ chồng của mình. Trường hợp một bên vợ, chồng hay cả hai bên bị bên kia hay bên thứ ba lừa dối, dẫn đến nhận thức sai lầm về tình trạng quan hệ vợ chồng nên đưa ra yêu cầu ly hôn thì đó cũng là biểu hiện của việc không thực sự tự nguyện thuận tình ly hôn.

Ngoài ra, mong muốn chấm dứt quan hệ hôn nhân của vợ chồng phải là ý chí thật sự của cả hai bên vợ chồng chứ không phải là ly hôn giả tạo. Khoản 15 Điều 3 Luật HN&GĐ năm 2014 quy định: “Ly hôn giả tạo là việc lợi dụng ly hôn để trốn tránh nghĩa vụ tài sản, vi phạm chính sách, pháp luật về dân số hoặc để đạt được mục đích khác mà không nhằm mục đích chấm dứt hôn nhân.”.  Như vậy, thuận tình ly hôn phải là việc hai vợ chồng yêu cầu ly hôn cùng nhằm mục đích chấm dứt quan hệ vợ chồng. Nếu vợ chồng thuận tình ly hôn mà xét thấy thiếu sự tự nguyện thực sự của một bên hoặc cả hai bên thì đó là dấu hiệu của ly hôn giả tạo Do đó, căn cứ ly hôn trong thuận tình ly hôn là hai bên vợ chồng thật sự tự nguyện ly hôn.

Bên cạnh đó, sau khi ly hôn, ngoài việc chấm dứt quan hệ hôn nhân, quan hệ sở hữu đối với tài sản chung của vợ chồng, quyền và nghĩa vụ đối với con cái sẽ phải tách biệt và rõ ràng, có thể phát sinh nghĩa vụ cấp dưỡng giữa vợ và chồng. Do đó, xuất phát từ yêu cầu bảo vệ quyền lợi của vợ chồng và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, Tòa án không thế chỉ dựa vào những căn cứ thuận tình ly hôn mà còn cần phải xem xét cả quyền, lợi ích của những chủ thể có liên quan để giải quyết yêu cầu thuận tình ly hôn. Sau khi nam nữ ly hôn thì chế độ tài sản chung hợp nhất của vợ chồng cũng chấm dứt. Những tài sản do vợ chồng tạo ra, thu nhập thuộc sở hữu riêng của mỗi bên, tài sản chung không còn thuộc sở hữu chung hợp nhất của vợ chồng nữa mà chuyển sang hình thức sở hữu khác. Điều này dẫn tới yêu cầu phải chia tài sản chung vợ chồng để xác định lại quyền sở hữu của hai bên vợ chồng đối với khối tài sản chung. Vợ và chồng đều có quyền và nghĩa vụ đối với con chung như nhau. Việc ly hôn không làm chấm dứt những quyền và nghĩa vụ của vợ chồng đối với con chung nhưng làm thay đổi cách thức thực hiện những quyền và nghĩa vụ này của vợ chồng đối với con. Do đó, để giải quyết thuận tình ly hôn, Tòa án cần xem xét giải quyết cả vấn đề thỏa thuận việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con khi giải quyết yêu cầu thuận tình ly hôn. BLTTDS năm 2015 đã quy định trực tiếp trong luật đối với trường hợp thuận tình ly hôn (Điều 397).

Như vậy, để Tòa án áp dụng giải quyết thuận tình ly hôn thì vợ chồng phải thật sự tự nguyện ly hôn và vợ chổng đã thỏa thuận được về việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con trên cơ sở đảm bảo quyền lợi chính đáng của vợ và con.

2.2.2. Áp dụng căn cứ ly hôn khi một bên vợ, chồng yêu cầu ly hôn:

2.2.2.1. Áp dụng căn cứ ly hôn khi một bên vợ, chồng mất tích

Tương tự như trường hợp thuận tình ly hôn, Tòa án không cần xem xét hiện trạng mối quan hệ của vợ chồng. Tòa án chỉ căn cứ vào yêu cầu ly hôn và việc mất tích của một bên vợ, chồng. Cụ thể, khoản 2 Điều 56 Luật HN&GĐ năm 2014 quy định: “Trong trường hợp vợ hoặc chồng của người bị Tòa án tuyên bố mất tích yêu cầu ly hôn thì Tòa án giải quyết cho ly hôn”. Như vậy, quyết định tuyên bố mất tích của Tòa án (đã có thể) được coi là căn cứ ly hôn theo yêu cầu của một bên vợ, chồng. Quy định này được xây dựng dựa trên cơ sở yêu cầu thực tiễn. Trên cơ sở bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người vợ, người chồng của người bị tuyên bố mất tích, pháp luật cho phép họ được chấm dứt quan hệ hôn nhân bằng ly hôn.

Khoản 1 Điều 68 BLDS năm 2015 quy định một người bị tuyên bố là mất tích: “Khi một người biệt tích hai năm liền trở lên, mặc dù đã áp dụng đầy đủ các biện pháp thông báo, tìm kiếm theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự nhưng vẫn không có tin tức xác thực về việc người đó còn sổng hay đã chết thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan, Toà án có thể tuyên bổ người đó mất tích”. Như vậy, khi một người bị Tòa án tuyên bố là mất tích thì cũng đồng nghĩa với việc thực tế cuộc sống chung của vợ chồng đã gián đoạn. Do đó bên bị tuyên bố mất tích không thể thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình đối với vợ hoặc chồng của mình, không cùng gánh vác xây dựng, chăm lo cho đời sống chung trong liên tục hai năm trở lên. Chính vì vậy giải quyết ly hôn trong trường hợp này được đặt ra nhằm bảo vệ cho người vợ hoặc chồng của người bị tuyên bố mất tích, bảo đảm những lợi ích về nhân thân và tài sản cho họ, đồng thời cũng củng cố mối quan hệ gia đình. Sau khi bản án của Toà án tuyên bố người vợ hoặc người chồng mất tích đã có hiệu lực pháp luật thì người chồng hoặc người vợ của người đó có quyền yêu cầu xin ly hôn với người đó. Trong trường hợp này Toà án giải quyết cho ly hôn. Quyết định tuyên bố mất tích của Tòa án không đương nhiên làm chấm dứt hôn nhân. Quyết định này là căn cứ để giải quyết ly hôn khi có yêu cầu. Căn cứ để Tòa án giải quyết ly hôn đó là có yêu cầu của vợ hoặc chồng của người bị Tòa án tuyên bố mất tích. Nếu không có yêu cầu ly hôn của đương sự thì quan hệ hôn nhân vẫn tiếp tục tồn tại.

Đây là trường hợp ly hôn theo yêu cầu của một bên vợ, chồng trong Luật HN&GĐ năm 2014 mà không xét đến yếu tố lỗi của vợ, chồng. Ly hôn trong trường họp một bên vợ hoặc chồng mất tích được quy định trên cơ sở quan điểm thừa nhận sự tan vỡ của quan hệ vợ chồng khi vợ hoặc chồng vắng mặt trong thời gian dài, không cùng chăm lo cho đời sống chung của gia đình.

2.2.2.2. Áp dụng căn cứ ly hôn khi vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền và nghĩa vụ của vợ, chồng

Khi cả hai vợ chồng đều đang sống chung, việc ly hôn theo yêu cầu của một bên vợ hoặc chồng thể hiện việc chỉ một bên muốn chấm dứt quan hệ hôn nhân. Vậy, Tòa án cần xem xét khách quan tình trạng hôn nhân của vợ chồng trong quá trình giải quyết. Theo Luật HN&GĐ năm 2014, yếu tố lỗi lần đầu tiên đã được đưa vào nội dung của căn cứ ly hôn. Tuy nhiên, lỗi ở đây cũng chỉ được xem xét như một nguyên nhân ảnh hưởng đến tình trạng và bản chất quan hệ hôn nhân của vợ chồng.

Khi giải quyết yêu cầu ly hôn, để đánh giá chính xác thực trạng của mối quan hệ vợ chồng, Tòa án không chỉ xem xét tình trạng khách quan của quan hệ hôn nhân mà còn xem xét nguyên nhân dẫn đến tình trạng đó. Do vậy, việc vận dụng căn cứ để giải quyết ly hôn trên thực tế không đơn giản. Trên thực tế, khi giải quyết ly hôn, Tòa án phải cân nhắc rất thận trọng để giải quyết cho các bên ly hôn, bảo đảm quyền tự do ly hôn của một bên nhưng phù hợp với quy định của pháp luật về căn cứ ly hôn. Khoản 1 Điều 56 Luật HN&GĐ năm 2014 quy định về căn cứ ly hôn theo yêu cầu của một bên vợ, chồng đã xác định hai hành vi của vợ, chồng là nguyên nhân dẫn đến hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng.

  • Vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình:

Khoản 2 Điều 1 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2006 quy định về hành vi bạo lực gia đình như sau: “Bạo lực gia đình là hành vi cố ý của thành viên gia đình gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần kinh tế đối với thành viên khác trong gia đình.”

Đối tượng tác động của hành vi bạo lực gia đình được Luật Phòng, chống bạo lực gia đình là những thành viên khác trong gia đình bao gồm vợ, chồng; cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi, cha dượng, mẹ kế, cha mẹ vợ, cha mẹ chồng; con đẻ, con nuôi, con riêng của vợ hoặc chồng, con dâu, con rể; anh, chị, em cùng cha mẹ, anh, chị, em cùng cha khác mẹ, anh, chị, em cùng mẹ khác cha, anh rể, em rể, chị dâu, em dâu của người cùng cha mẹ hoặc cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha; ông bà nội, ông bà ngoại; cháu nội, cháu ngoại; cô, dì, chú, cậu, bác ruột và cháu ruột (Khoản 16 Điều 3 Luật HN&GĐ 2014). Do phạm vi của hành vi bạo lực gia đình được quy định trong luật rất rộng, vì vậy cần phải làm rõ tránh sự nhầm lẫn. Không phải theo cách hiểu thông thường vợ có hành vi bạo lực gia đình với chồng hay ngược lại mà phạm vi của hành vi bạo lực gia đình được xem xét như một căn cứ ly hôn là hành vi đối với các thành niên trong gia đình được quy định trong luật. Căn cứ ly hôn để xem xét áp dụng đối với mối quan hệ vợ chồng của người thực hiện hành vi bạo lực gia đình chứ không phải của người bị bạo lực gia đình.

  • Vợ, chồng vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng.

Để xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, vợ chồng cần tôn trọng và thực hiện những quyền và nghĩa vụ giữa vợ và chồng với nhau. Việc vi phạm quyền hoặc không thực hiện nghĩa vụ của một bên sẽ dẫn đến mối quan hệ của vợ và chồng bị ảnh hưởng. Một khi sự vi phạm quyền, việc không thực hiện nghĩa vụ đến một mức độ nghiêm trọng nhất định thì một bên có quyền yêu cầu ly hôn. Tuy nhiên như thế nào là nghiêm trọng thì chưa được pháp luật quy định rõ. Việc đánh giá mức độ nghiêm trọng của hành vi vi phạm tùy thuộc vào thái độ của bên vợ hoặc chồng bị vi phạm quyền, nghĩa vụ và đánh giá chủ quan của từng thẩm phán khi giải quyết yêu cầu ly hôn. Chủ thể thực hiện hành vi vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng phải là vợ, chồng hoặc cả hai bên vợ chồng. Nghĩa là, hành vi vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ chồng có thế là hành vi từ một phía của người vợ hoặc chồng. Đó cũng có thể là hành vi từ cả hai phía vợ chồng, tức là cả hai vợ chồng đều có hành vi vi phạm quyền, nghĩa vụ vợ chồng với nhau.

Hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được. Như đã phân tích ở trên, đây chính là thực trạng (bản chất) của quan hệ hôn nhân mà Tòa án xem xét, quyết định cho hoặc không cho vợ chồng ly hôn.

2.2.2.3. Áp dụng căn cứ ly hôn khi cha, mẹ hoặc người thân thích của một bên vợ, chồngyêu cầu ly hôn.

Khoản 3 Điều 56 Luật HN&GĐ năm 2014 quy định về giải quyết ly hôn theo yêu cầu của cha, mẹ hoặc người thân thích như sau:

3. Trong trường hợp có yêu cầu ly hôn theo quy định tại khoản 2 Điều 51 của Luật này thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc chồng, vợ có hành vi bạo lực gia đình làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của người kia.

Khoản 2 Điều 51 Luật HN&GĐ năm 2014 quy định về quyền yêu cầu giải quyết ly hôn, cụ thể như sau: “2. Cha, mẹ, người thân thích khác có yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ.

Theo quy định tại khoản 3 Điều 56 và khoản 2 Điều 51 Luật HN&GĐ năm 2014 nêu trên, căn cứ ly hôn trong trường hợp này gồm:

  • Chồng hoặc vợ bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức hoặc làm chủ được hành vi của mình (mất năng lực hành vi dân sự).
  • Vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của người kia.

Như đã phân tích ở trên, hành vi bạo lực gia đình là căn cứ ly hôn theo yêu cầu một bên phải là hành vi cố ý của vợ, chồng gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, kinh tế đối với thành viên khác trong gia đình. Nạn nhân của hành vi bạo lực gia đình nói chung có thể là một bên vợ chồng hoặc thành viên khác trong gia đình nhưng trong trường họp này, nạn nhân của bạo lực gia đình được xác định phải là là vợ, chồng của người có hành vi bạo lực gia đình. Do tính chất đặc biệt của chủ thể yêu cầu ly hôn trong trường họp này nên khoản 2 Điều 51 Luật HN&GĐ năm 2014 quy định bên vợ, chồng là nạn nhân của bạo lực gia đình đồng thời phải bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thế nhận thức hoặc làm chủ được hành vi của mình.

Hiện nay, tồn tại nhiều quan điểm liên quan đến việc để xác định một người như thế nào để coi là bị bệnh tâm thần hoặc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình nhằm phát sinh yêu cầu ly hôn từ cha, mẹ, người thân thích của người đó. Tuy nhiên, theo em, do nhà làm luật đã quy định ngay từ đầu là người bị bệnh tâm thần hoặc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình chứ không phải là trường hợp một người bị mất năng lực hành vi dân sự. Tức là tình trạng không thế nhận thức, làm chủ hành vi là tình trạng thực tế của vợ, chồng được xác định thông qua kết luận của cơ quan chuyên môn không đồng nhất với tình trạng mất năng lực hành vi dân sự của cá nhân. Khoản 1 Điều 22 BLDS 2015 quy định về cá nhân mất năng lực hành vi dân sự như sau: “Khi một người do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan, Toà án ra quyết định tuyên bổ người đó bị mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận của tổ chức giám định”. Như vậy, một người không thể nhận thức và làm chủ hành vi chỉ được xác định là mất năng lực hành vi dân sự khi có quyết định của Tòa án tuyên bố người đó mất năng lực hành vi dân sự. Nói cách khác, về mặt pháp lí, người vợ, chồng là nạn nhân của bạo lực gia đình có thể là người mất năng lực hành vi dân sự hoặc cũng có thể chưa bị tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự nhưng thực tế đang bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình.

Luật HN&GĐ năm 2014 quy định cha mẹ, người thân thích của vợ, chồng có quyền yêu cầu ly hôn chỉ trong trường hợp bên vợ, chồng bị bệnh tâm thần hoặc bệnh khác dẫn đến việc không có khả năng nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đây là quy định mới của Luật HN&GĐ năm 2014, xuất phát tự thực tiễn xã hội và nhằm mục đích bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của vợ, chồng (người bị mất năng lực hành vi dân sự và là nạn nhân của bạo lực gia đình).

  1. NHỮNG ĐIỂM MỚI VỀ CĂN CỨ LY HÔN THEO QUY ĐỊNH CỦA LUẬT HN&GĐ 2014:

Thứ nhất, Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 coi việc không thỏa thuận hoặc có thỏa thuận nhưng không đảm bảo quyền lợi chính đáng của vợ và con về chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con trong trường hợp cả hai bên cùng có yêu cầu ly hôn là căn cứ ly hôn

Đây là một điểm mới của Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 so với Luật hôn nhân và gia đình năm 2000. Thuận tình ly hôn được hiểu là khi hai bên vợ chồng cùng yêu cầu ly hôn, thật sự tự nguyện ly hôn, đã thỏa thuận được với nhau về việc chia hoặc không chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con và sự thỏa thuận này trong từng trường hợp cụ thể bảo đảm quyền lợi chính đáng cho vợ và con, khi đó Tòa án ra quyết định công nhận thuận tình ly hôn. Tuy nhiên, nếu hai bên vợ chồng cùng yêu cầu ly hôn, thật sự tự nguyện ly hôn nhưng trong quá trình giải quyết lại không thỏa thuận được hoặc có thỏa thuận nhưng không trên cơ sở đảm bảo quyền lợi chính đáng của vợ và con về phân chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc hoặc giáo dục con thì khi đó, đây là một căn cứ để Tòa án giải quyết việc ly hôn. Trong khi đó, theo Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 thì 02 căn cứ cho ly hôn quy định tại Điều 89 không có trường hợp này.

Thứ hai, Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 đưa ra nguyên nhân của hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được để cụ thể hóa căn cứ cho ly hôn “vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng

Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định rất rõ “bạo lực gia đình” hoặc “vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng” là căn cứ để giải quyết cho ly hôn nếu đó là nguyên nhân làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được. Đây là một điểm mới quan trọng của Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 so với Luật hôn nhân và gia đình năm 2000. Bởi qua tổng kết thực tiễn giải quyết các án kiện ly hôn của Toà án cho thấy, số vụ ly hôn có hành vi ngược đãi, đánh đập chiếm tỉ lệ cao nhất trong các nguyên nhân dẫn đến ly hôn ở nước ta, trong đó đa phần phụ nữ là nạn nhân của tình trạng này. Tình trạng bạo lực gia đình ngày càng gia tăng và thể hiện tính chất nghiêm trọng của nó, xuất phát từ nhiều lý do khác nhau. Bên cạnh đó, đối với những vi phạm khác, những mâu thuẫn, xung đột, bất đồng trong đời sống vợ chồng… là lý do để ly hôn thì luật cũng quy định rõ ràng phải có cơ sở nhận định chung rằng tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích hôn nhân không đạt được thì mới giải quyết cho ly hôn. Có thể nói, Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 đã đưa yếu tố lỗi để xem xét cho ly hôn; việc đưa ra những nguyên nhân của hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được để cụ thể hóa căn cứ cho ly hôn “vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng” trong Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 đã tạo cơ sở pháp lý rõ ràng cho Tòa án khi giải quyết việc ly hôn theo yêu cầu của một bên. Đây là một quy định quan trọng nhằm cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền công dân và tạo cơ sở pháp lý thống nhất trong việc giải quyết việc ly hôn trong cả nước.

 

Thứ ba, Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 bổ sung căn cứ ly hôn trong trường hợp có yêu cầu ly hôn theo khoản 2 Điều 51 nếu Tòa án thấy có căn cứ về việc chồng, vợ có hành vi bạo lực gia đình làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của người kia

Đây cũng là một điểm mới của Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 so với Luật hôn nhân và gia đình năm 2000. Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định cha, mẹ, người thân thích khác cũng có quyền yêu cầu giải quyết ly hôn và xác định cụ thể về lý do xin ly hôn, trong đó bạo lực gia đình là một lý do. Quy định này đã tháo gỡ vướng mắc trong trường hợp muốn xin ly hôn thay cho người thân bị mất năng lực hành vi mà không thực hiện được do trước đây chỉ quy định việc ly hôn phải do chính đương sự (vợ, chồng) yêu cầu, trong khi họ lại bị mất năng lực hành vi dân sự dẫn đến không có năng lực hành vi tố tụng dân sự để xin ly hôn.

Thứ tư, quy định về căn cứ ly hôn theo Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 tạo cơ sở pháp lý rõ ràng cho Tòa án khi giải quyết yêu cầu ly hôn, thể hiện kỹ thuật lập pháp cao so hơn với Luật hôn nhân và gia đình năm 2000.

Với việc chuyển căn cứ ly hôn từ một điều luật riêng trong Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 vào trong quy định của Điều 55 về thuận tình ly hôn và Điều 56 ly hôn theo yêu cầu của một bên trong Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 và việc đưa ra những nguyên nhân của hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được để cụ thể hóa căn cứ cho ly hôn “vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng” đã tạo cơ sở pháp lý rõ ràng cho Tòa án khi giải quyết việc ly hôn theo yêu cầu của một bên. Điều này tạo sự thống nhất trong việc áp dụng pháp luật khi giải quyết việc ly hôn trên cả nước. Bên cạnh đó, so với Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 thì Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 sử dụng kỹ thuật lập pháp chặt chẽ hơn, cụ thể Luật năm 2000 quy định “Tòa án xem xét yêu cầu ly hôn, nếu xét thấy….thì Tòa án quyết định cho ly hôn”, điều này cho thấy có ý chí chủ quan của Tòa án khi giải quyết việc ly hôn; trong khi đó Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định rất cụ thể:  “Khi vợ hoặc chồng…Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ….”.

III. MỘT SỐ VƯỚNG MẮC TRONG QUÁ TRÌNH ÁP DỤNG CĂN CỨ LY HÔN VÀ KIẾN NGHỊ HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT:

  1. Một số vướng mắc trong quá trình áp dụng căn cứ ly hôn:

Căn cứ ly hôn là cơ sở pháp lý và chỉ khi có các điều kiện đó thì Tòa án mới có thể giải quyết ly hôn: Tuy nhiên, thực tế giải quyết vụ việc HN&GĐ còn nhiều bất cập:

Thứ nhất, bất cập trong việc công nhận thuận tình ly hôn. Vì phải được đảm bảo quyền tự do, tự nguyện trong ly hôn, trong việc thuận tình ly hôn không cần phải căn cứ vào yếu tố lỗi, không cần phải căn cứ vào yếu tố “hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích hôn nhân không đạt được” mới được ly hôn. Các đương sự không cần chứng cứ chứng minh ai là người gây ra lỗi dẫn đến tình trạng hôn nhân trầm trọng…và Tòa án cũng không phải thu thập chứng cứ chứng minh vấn đề đó; mà Tòa án chỉ căn cứ vào ý chí thật sự tự nguyện mong muốn chấm dứt quan hệ hôn nhân của cả vợ và chồng, đồng thời họ thống nhất được toàn bộ các vấn đề liên quan khác thì sẽ đủ điều kiện công nhận thuận tình ly hôn hôn cho họ. Do đó, thực tế có không ít những cặp vợ chồng trên thực tế vẫn chung sống với nhau, quan hệ hôn nhân của họ vẫn tồn tại nhưng vì muốn trốn tránh nghĩa vụ về tài sản đối với người thứ ba; ly hôn giả vì mục đích xuất ngoại; vì chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình … nên đã nộp đơn yêu cầu Tòa án giải quyết công nhận thuận tình ly hôn Tòa án đã ra Quyết định công nhận thuận tình ly hôn cho vợ chồng theo đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, sau đó thì mới phát hiện họ ly hôn nhằm trốn tránh nghĩa vụ trả nợ cho người khác, vì mục đích xuất ngoại, vì chính sách dân số… Trong những trường hợp ly hôn này mặc dù là tự nguyện, thống nhất nhưng không đúng với bản chất của nó, gây thiệt thòi cho những người thứ 3; đồng thời gây khó khăn trong việc giải quyết các vụ kiện dân sự có liên quan đến nghĩa vụ tài sản của vợ chồng.

Thứ hai, bất cập trong việc đánh giá tình trạng trầm trọng của hôn nhân trong trường hợp ly hôn theo yêu cầu của vợ hoặc chồng. Khoản 1 Điều 56 Luật HN&GĐ năm 2014 quy định: “Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích hôn nhân không đạt được”. Đây là một quy định mới, mang tính khái quát cao. Tuy nhiên, việc quy định về căn cứ ly hôn thể hiện yếu tố tình cảm vẫn còn chung chung. Khi giải quyết các trường hợp cụ thể, với sự đa dạng của cuộc sống, thì mỗi cặp vợ chồng, mỗi vụ án ly hôn thường có mâu thuẫn cũng như hoàn cảnh không giống nhau. Trong khi đó, không có căn cứ rõ ràng để xác định thế nào là “làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích hôn nhân không đạt được”, thế nào là hành vi “vi phạm nghiêm trọng” nên việc xem xét, đánh giá căn cứ trên là rất khó khăn, vướng mắc. Chính vì vậy, thực tiễn có những trường hợp cùng một vụ việc nhưng có nhiều cách lý giải khác nhau ở các cấp xét xử khi áp dụng pháp luật. Vì pháp luật quy định không rõ ràng, cụ thể các căn cứ ly hôn, nên thực tiễn xét xử phụ thuộc hoàn toàn vào Thẩm phán, có thể cùng một nguyên nhân nhưng có nhiều cách lý giải khác nhau, từ đó hướng giải quyết vụ việc cũng khác nhau. Do vậy, cần thiết phải lượng hóa bằng các tiêu chí cụ thể căn cứ ly hôn để áp dụng vào thực tiễn.

Thứ ba, đối với trường hợp vợ, chồng đã ly thân trên thực tế, Luật HN&GĐ năm 2014 không quy định ly thân là căn cứ cho ly hôn. Tuy nhiên, trong thực tiễn xét xử, các Tòa án thường đánh giá ly thân là căn cứ để giải quyết cho ly hôn. Vấn đề này không được luật quy định nên  đã gây khó khăn trong cả việc xác định vợ, chồng nào đó có trong tình trạng ly thân hay không. Mặt khác, không xác định được thời gian ly thân, nên việc giải quyết án ly hôn thường phải kéo dài khiến cho nhiều đương sự gặp khó khăn trong việc xây dựng cuộc sống mới.

Thứ tư, trường hợp vợ hoặc chồng ly hôn với chồng hoặc vợ đang chấp hành án phạt tù, trốn truy nã: Luật HN&GĐ năm 2014 chưa quy định căn cứ ly hôn trong trường hợp vợ hoặc chồng đang chấp hành án phạt tù, trốn truy nã. Vì vậy, trường hợp vợ hoặc chồng xin ly hôn với chồng hoặc vợ đang chấp hành án phạt tù, trốn truy nã thì không đủ cơ sở giải quyết cho ly hôn. Điều này đã ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người đề nghị giải quyết cho ly hôn.

Thứ năm, bất cập trong trường hợp Cha, mẹ, người thân thích khác cũng có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ. Khi một bên vợ hoặc chồng bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi thì mục đích của hôn nhân đã không đạt được cho nên có hay không là nạn nhân của bạo lực gia đình cũng cần chấp nhận giải quyết cho ly hôn. Đây là bất cập về áp dụng căn cứ ly hôn cần có hướng dẫn thống nhất.

  1. Kiến nghị hoàn thiện pháp luật liên quan đến vấn đề áp dụng căn cứ ly hôn:

Pháp luật HN&GĐ đang ngày càng được hoàn thiện, đáp ứng ngày một tốt hơn yêu cầu khách quan của sự phát triển xã hội. Tuy nhiên, qua thực tiễn xây dựng luật cũng như áp dụng luật nói chung, căn cứ ly hôn nói riêng trong pháp luật HN&GĐ hiện hành còn chưa thực sự đi vào đời sống xã hội, chưa thành những chuẩn mực pháp lý trong xử sự của các thành viên trong gia đình.

Thứ nhất, cần lượng hóa nội dung tiêu chí về căn cứ ly hôn theo quy định tại khoản 1 Điều 56 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014. Ngoại tình là một trong những hành vi vi phạm nghĩa vụ chung thủy giữa vợ chồng, là hành vi trái với đạo đức xã hội. Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định: Cấm người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ. Trước đây, theo Sắc lệnh số 159/SL ngày 17/11/1950 của Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa quy định trường hợp ngoại tình và một bên bỏ nhà đi quá hai năm không có duyên cớ chính đáng là một trong những căn cứ để Tòa án cho ly hôn. Do đó, cần bổ sung hướng dẫn áp dụng căn cứ ly hôn khi vợ hoặc chồng có hành vi ngoại tình như sau: “Trường hợp một bên vợ hoặc chồng có hành vi ngoại tình lặp đi lặp lại nhiều lần hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà vẫn tiếp tục vi phạm hoặc có văn bản của cơ quan điều tra là có dấu hiệu tội phạm (tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng) nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

Hành vi ngoại tình của vợ hoặc chồng gây ra hậu quả nghiêm trọng. Hậu quả nghiêm trọng có thể là gây tổn hại đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của bên còn lại, làm cho gia đình tan vỡ.

Trường hợp vợ hoặc chồng có hành vi ngoại tình và bỏ nhà đi quá hai năm mà không có tin tức, không có trách nhiệm với gia đình, không cùng nhau xây dựng mục đích hôn nhân làm cho quan hệ vợ chồng rạn nứt”.

Thứ hai, cần cụ thể hóa quy định về hành vi bạo lực gia đình làm căn cứ cho ly hôn. Cần bổ sung hướng dẫn áp dụng căn cứ ly hôn khi vợ hoặc chồng có hành vi bạo lực gia đình, có thể như sau: “Trong trường hợp chồng hoặc vợ có hành vi bạo lực gia đình thì vợ hoặc chồng được Tòa án giải quyết cho ly hôn khi có căn cứ sau:

Đối với hành vi bạo lực vật chất: Vợ, chồng thường xuyên đánh đập, ngược đãi, hành hạ làm cho người bị ngược đãi, hành hạ luôn bị giày vò về mặt tình cảm, bị tổn thất về danh dự, đau khổ về tinh thần hoặc bị thương tích, tổn hại đến sức khỏe mà chưa đến mức xử lý về hình sự hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính.

Đối với bạo lực tinh thần: Vợ, chồng bị chửi bới, sỉ nhục, xâm phạm danh dự, nhân phẩm và uy tín.

Hành vi bạo lực của vợ, chồng được lặp đi lặp lại nhiều lần, đã được chính quyền địa phương nhắc nhở hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc có văn bản của cơ quan điều tra có dấu hiệu tội phạm (tội ngược đãi vợ; tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác; tội bức tử) nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự”.

Thứ ba, pháp luật Việt Nam cần công nhận ly thân và xem ly thân là một trong những căn cứ để cho ly hôn. Có thể thêm căn cứ ly hôn do ly thân như sau: “Trong trường hợp vợ chồng đã sống ly thân hơn 3 năm mà vẫn không thể quay về với nhau để chung sống hạnh phúc hoặc sống ly thân hơn 3 năm theo quyết định của Tòa án thì Tòa án giải quyết cho ly hôn mà không phải xem xét, đánh giá thực trạng quan hệ vợ chồng và các bên không phải chứng minh tình trạng trầm trọng của hôn nhân”.

Thứ tư, cần bổ sung quy định căn cứ ly hôn khi chồng hoặc vợ phạm tội và đang chấp hành án phạt tù. Có thể bổ sung quy định căn cứ ly hôn khi chồng hoặc vợ phạm tội và đang chấp hành án phạt tù như sau: “Trong trường hợp vợ hoặc chồng của người đang chấp hành án phạt tù yêu cầu ly hôn thì Tòa án giải quyết cho ly hôn”.

Thứ năm, cần đưa ra quy định cụ thể về bên thứ ba có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết việc ly hôn: Cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình. Hiện pháp luật chưa quy định cụ thể về việc cha mẹ là cha mẹ ruột của vợ hoặc chồng, hay là cả hai bên cha mẹ đều có quyền? Cha mẹ nuôi của vợ hoặc chồng có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn hay không, pháp luật vẫn chưa có quy định cụ thể. Từ đó, dẫn tới việc áp dụng pháp luật không thống nhất trong thực tiễn, đòi hỏi cần phải có quy định cụ thể, chi tiết hơn về chủ thể liên quan này.

KẾT LUẬN

Tình hình ly hôn trên địa bàn huyện Tiên Lãng ngày càng gia tăng. Hôn nhân tan vỡ không chỉ làm ảnh hưởng đến gia đình, người thân mà còn ảnh hưởng đến xã hội. Sau những cuộc hôn nhân không thành là những đứa con vô tội phải sống trong cảnh thiếu tình thương, sự chăm sóc, nuôi dưỡng của cha hoặc mẹ. Đó cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tội phạm và các tệ nạn xã hội gia tăng.ly hôn dần trở nên phổ biến , trở thành sức ép không nhỏ đến xã hội vì vậy các cá nhân cần có trách nhiệm hơn đối với cuộc sống gia đình của mình. Mỗi cá nhân hãy trở thành những người sống có trách nhiệm với bản thân,hãy trang bị cho mình những kĩ năng cần thiết để đối diện với khó khăn trước khi bước vào thời kì hôn nhân.