Cuộc sống giữa bất cứ đôi vợ chồng nào cũng có lúc cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt, và dẫn đến việc một trong hai bên, hoặc cả hai bên có nhu cầu tìm lối đi riêng cho mình. Tuy nhiên, vẫn có một số cặp đôi, khi đã không còn tình cảm nữa, nhưng vẫn cố gắng ở cùng với nhau chỉ vì lo lắng cho con cái. Với tư cách là một người cha, một người mẹ, họ luôn lo lắng về việc nếu ly hôn, con cái sẽ thiếu thốn tình cảm, hoặc bị giành quyền nuôi con, hay con đẻ của mình sẽ bị mẹ kế, bố dượng đối xử không công bằng.
Với các lo lắng về con cái như trên, về mặt pháp luật, ly hôn khi đã có con nhỏ có gì khác biệt không hãy cùng chúng tôi tìm hiểu qua bài viết dưới đây:
Căn cứ:
Luật Hôn nhân và gia đình 2014
Bộ luật Dân sự 2015
Nội dung tư vấn
1: Ly hôn là gì?
Thông thường, mọi người sẽ hiểu Ly hôn theo nhiều hướng khác nhau: có người hiểu đơn giản khi hai vợ chồng không còn yêu nhau nữa, thì tách ra ở riêng là ly hôn, có người lại hiểu ly hôn là kết thúc quan hệ vợ chồng bằng cách nộp đơn ra Tòa. Còn về mặt pháp lý, ly hôn được hiểu là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng.
Hai vợ chồng chỉ “thực sự” ly hôn khi đã chính thức nhận được bản án hay quyết định ly hôn từ Tòa án, cón trong thời gian nộp đơn xin ly hôn, chờ Tòa án xét xử, thì dù hai người đã ra ở riêng thì trên Pháp luật, họ vẫn còn quan hệ vợ chồng. Ly hôn được Pháp luật định nghĩa khá rõ ràng tại khoản 14 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình 2014:
Điều 3. Giải thích từ ngữ
- Ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án.
- Vậy có con nhỏ liên quan gì đến việc ly hôn ?
Theo định nghĩa về Ly hôn đã nêu trên, bạn có thể thấy Ly hôn đơn giản chỉ là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng. Tuy nhiên, khi Tòa án thụ lý đơn yêu cầu ly hôn, Tòa án cũng cần giải quyết 3 mối quan hệ liên quan trực tiếp đến quan hệ vợ chồng như sau :
Quan hệ hôn nhân: quan hệ hôn nhân giữa hai người có chấm dứt không
Quan hệ tài sản: khi ly hôn, tài sản giữa hai vợ chồng sẽ được phân chia như thế nào, ai được nắm giữ tài sản gì, …
Và Quan hệ về con cái: ai sẽ được nuôi con và việc phụ cấp nuôi con sẽ được chia ra sao.
Ta có thể hiểu, quyền nuôi con sẽ là một trong những điều mà Tòa án cần phân định khi giải quyết một vụ án ly hôn.
Và thông thường, phụ nữ có con nhỏ thường dễ bị “xấu” đi, một phần là do cơ địa của phụ nữ khi sinh con xong dễ bị phình ra, một phần là do bận bịu con cái, và đứa trẻ khi mới sinh cũng rất cần sữa mẹ để khỏe mạnh hơn. Do các điều hiển nhiên như vậy mà Pháp luật có quy định riêng về quyền ly hôn khi có con dưới 12 tháng tuổi để bảo vệ cả bà mẹ lẫn trẻ nhỏ.
Như vậy, tựu chung lại: ly hôn khi có con nhỏ sẽ liên quan trực tiếp tới quyền ly hôn và quyền nuôi con trực tiếp của cả người vợ lẫn người chồng.
2: Quyền ly hôn khi có con nhỏ
Như đã nói ở trên, phụ nữ khi mang thai và khi có con nhỏ thường dễ bị thay đổi về mặt thể chất, đây là một đặc điểm về giới mà hầu hết mọi phái nữ đều gặp phải, vậy nên các ông chồng nên cảm thông cho người vợ của mình. Tuy nhiên, vẫn có nhiều trường hợp khi vợ có thai, không còn xinh xắn như ban đầu thì một số ông chồng lại “chán cơm thèm phở” đi tìm tình yêu mới.
Điều này không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến tâm lý người vợ, mà còn gián tiếp ảnh hưởng đến con nhỏ. Vậy nên pháp luật quy định rõ ràng rằng: chồng không được phép nộp đơn ly hôn khi con dưới 12 tháng tuổi và khi vợ đang mang thai. (Chồng không được phép, nhưng các chị vợ thì được phép yêu cầu ly hôn trong giai đoạn này nhé). Điều này được pháp luật quy định tại khoản 3 điều 51 Luật Hôn nhân và gia đình 2014:
Điều 51. Quyền yêu cầu giải quyết ly hôn
- Chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
Quyền nuôi con khi ly hôn có con nhỏ:
“Con nhỏ” là tử thông dụng mà mọi người hay nói, nhưng “nhỏ” đến đâu mà cha mẹ khi ly hôn vẫn có nghĩa vụ phải trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục thì không thể “phán” theo quan niệm “nhỏ” của mỗi người, mà phải theo quy định của pháp luật. Trong quy định của pháp luật về việc này, người làm luật không dùng từ “con nhỏ”, mà sử dụng thuật ngữ “con chưa thành niên”, và theo pháp luật Dân sự hiện hành, “con chưa thành niên” được hiểu là “người chưa đủ mười tám tuổi”. Quy định này được nêu tại khoản 1 điều 21 Bộ luật dân sự năm 2015:
Điều 21. Người chưa thành niên
- Người chưa thành niên là người chưa đủ mười tám tuổi
Pháp luật hiện nay quy định chi tiết về quyền nuôi con khi ly hôn như sau:
Với “con nhỏ” chưa đủ 18 tuổi, khi ly hôn, một trong hai bên có thể thỏa thuận rằng ai sẽ là người trực tiếp nuôi dưỡng con
Nếu hai bên không thỏa thuận được thì Tòa án sẽ căn cứ vào điều kiện của cả hai bên, quyền lợi của con để giao quyền trực tiếp nuôi dưỡng con cho một trong hai người.
Với con từ đủ 7 tuổi, Tòa án sẽ không chỉ xét đến điều kiện của hai phía, lợi ích chủa con, mà còn tham khảo nguyện vọng của con xem con muốn ở với ai hơn trước khi ra quyết định trao quyền nuôi con cho một trong hai người.
Với con dưới 36 tháng tuổi, con sẽ được giao cho mẹ trực tiếp nuôi dưỡng, bởi ở độ tuổi đó, con nhỏ rất cần sữa mẹ, … Tuy nhiên, nếu Tòa án xét thấy người mẹ không đủ điều kiện về mặt tài chính, nơi ở, đạo đức, … thì Tòa án có thể giao con cho người bố. Người mẹ cũng có thể chủ động từ bỏ quyền nuôi con của mình bằng cách thỏa thuận giao con cho bố nuôi.
Điều này được quy định rõ tại Điều 81 Luật Hôn nhân gia đình 2014:
Điều 81. Việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn
-
Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan
-
Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con
-
Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.
Như vậy, qua các phân tích trên, mong cặp đôi khi có con nhỏ sẽ hiểu hơn và thận trọng hơn về việc ly hôn. Không ai muốn đổ vỡ, nhưng khi không còn tình cảm với nhau thì không nên dùng đứa con để níu kéo. Khi ly hôn rồi nên để cho con cái có quyền quyết định mình sẽ ở cùng với ai, tôn trọng sự quyết định đó của đứa trẻ.