Khi đã đi đến quyết định ly hôn, thông thường hai vợ chồng sẽ mong muốn thủ tục ly hôn được giải quyết nhanh gọn. Nhưng hầu hết các vụ ly hôn đều phải hòa giải. Vậy nếu vợ chồng không muốn hòa giải khi ly hôn được không?
Hòa giải khi ly hôn có phải thủ tục bắt buộc không?
Theo khoản 2 Điều 4 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 gọi tắt là Luật HN&GĐ, Nhà nước và xã hội phải có trách nhiệm kịp thời hòa giải mâu thuẫn trong gia đình, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các thành viên.
Đặc biệt khi vợ, chồng có yêu cầu ly hôn thì Nhà nước và xã hội khuyến khích việc hòa giải ở cơ sở (theo Điều 52 Luật HN&GĐ). Đây cũng là chính sách của Nhà nước về hòa giải ở cơ sở được nêu tại khoản 1 Điều 5 Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013.
Trong đó, theo khoản 2 Điều 2 Luật Hòa giải tại cơ sở, cơ sở là thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc, tổ dân phố, khu phố, khối phố và cộng đồng dân cư khác hay còn gọi là thôn, tổ dân phố.
Việc hòa giải ở cơ sở phải tôn trọng sự tự nguyện của các bên, không bắt buộc, áp đặt các bên trong hòa giải ở cơ sở, khách quan, công bằng, kịp thời, có lý, có tình, giữ bí mật thông tin đời tư của các bên, đảm bảo bình đẳng giới… (theo Điều 4 Luật Hòa giải ở cơ sở).
Do đó, có thể thấy, việc hòa giải ở cơ sở không phải là yêu cầu bắt buộc khi hai vợ chồng muốn ly hôn với nhau.
Nếu hòa giải ở cơ sở không thành thì sau khi nộp đơn ly hôn và được thụ lý thì Tòa án sẽ tiến hành hòa giải theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.
Theo đó, Điều 205 Bộ luật Tố tụng dân sự quy định, trong thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm vụ án, Tòa án tiến hành hòa giải để các đương sự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án trừ những vụ án không được hòa giải hoặc không hòa giải được hoặc được giải quyết theo thủ tục rút gọn.
Đồng thời, khoản 2 Điều 397 Bộ luật Tố tụng dân sự cũng nêu rõ, khi giải quyết yêu cầu ly hôn thuận tình:
Thẩm phán phải tiến hành hòa giải để vợ chồng đoàn tụ, giải thích về quyền và nghĩa vụ giữa vợ và chồng, giữa cha mẹ và con… về trách nhiệm cấp dưỡng và các vấn đề khác
Từ những quy định này, khi đơn ly hôn được gửi đến Tòa án, dù đơn phương ly hôn hay thuận tình ly hôn thì cũng đều phải tiến hành hòa giải tại Tòa trừ một số trường hợp đặc biệt.
Như vậy, có thể thấy, khi ly hôn có thể không bắt buộc hòa giải tại thôn, tổ dân phố nhưng khi đã gửi đơn đến Tòa án thì Tòa án phải tiến hành hòa giải nếu không thuộc các trường hợp không thể hòa giải hoặc không được hòa giải.
Làm sao để ly hôn nhanh mà không cần phải hòa giải?
Theo phân tích ở trên, trong các vụ thuận tình ly hôn, bắt buộc Tòa án phải tiến hành hòa giải. Đồng thời, trường hợp ngoại lệ Tòa án có thể không tiến hành hòa giải khi giải quyết vụ án dân sự trong các trường hợp:
– Những vụ án dân sự không được hòa giải (Điều 206 BLTTDS): Yêu cầu đòi bồi thường vì lý do gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước; Những vụ án phát sinh từ giao dịch dân sự vi phạm điều cầm của luật hoặc trái đạo đức xã hội;
– Những vụ án dân sự không hòa giải được (Điều 207 BLTTDS):
Bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đã được Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ 02 mà vẫn cố tình vắng mặt;
Đương sự không thể tham gia được vì có lý do chính đáng;
Đương sự là vợ hoặc chồng trong vụ án ly hôn là người mất năng lực hành vi dân sự;
Một trong các đương sự đề nghị không tiến hành hòa giải.
Do đó, trong vụ án ly hôn đơn phương, nếu muốn ly hôn mà không cần hòa giải thì một trong hai bên vợ chồng có thể làm đơn đề nghị không hòa giải gửi đến Tòa án. Riêng bị đơn trong yêu cầu ly hôn đơn phương có thể vắng mặt sau 02 lần Tòa án triệu tập hòa giải hợp lệ thì sẽ không hòa giải được.
Nói tóm lại, khi ly hôn thuận tình thì bắt buộc các bên phải tiến hành hòa giải. Riêng vụ án ly hôn đơn phương, nếu một trong hai bên làm đơn đề nghị không hòa giải hoặc bị đơn vắng mặt trong 02 lần triệu tập hợp lệ thì không tiến hành hòa giải được. Khi đó, vụ án ly hôn sẽ không cần hòa giải.