Có 02 hình thức ly hôn: Thuận tình và đơn phương. Vậy nên chọn hình thức nào để việc ly hôn được diễn ra nhanh chóng hơn?
Sự giống nhau giữa thuận tình và đơn phương ly hôn
Bởi đây đều là việc chấm dứt quan hệ hôn nhân giữa vợ và chồng nên về cơ bản thì thuận tình ly hôn và đơn phương ly hôn sẽ giống nhau ở một số điểm sau:
– Hậu quả đều là chấm dứt quan hệ hôn nhân giữa vợ chồng;
– Hồ sơ, giấy tờ khi thực hiện 02 thủ tục này về cơ bản là giống nhau, đều gồm: Đơn yêu cầu, chứng minh nhân dân của vợ, chồng, giấy khai sinh của con, giấy chứng nhận quyền sở hữu về tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân,…
– Vợ chồng đều phải có mặt khi làm thủ tục và không được ủy quyền cho người khác.
– Trình tự, thủ tục được quy định cụ thể tại Luật Hôn nhân và gia đình 2014 và Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.
Trong trường hợp vợ chồng cùng yêu cầu ly hôn, nếu xét thấy hai bên thật sự tự nguyện ly hôn và đã thỏa thuận về việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con trên cơ sở bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì thì thực hiện theo thủ tục thuận tình ly hôn.
Trường hợp không thoả thuận được, hoặc một bên yêu cầu ly hôn hoặc một bên bị Toà án tuyên bố mất tích thì thực hiện thủ tục ly hôn theo yêu cầu của một bên hay còn gọi là đơn phương ly hôn.
Trình tự, thủ tục ly hôn được quy định cụ thể tại Bộ luật tố tụng dân sự 2015.
Đối với đơn phương ly hôn thì theo thủ tục yêu cầu Toà án giải quyết tranh chấp. Thời gian giải quyết từ 4 – 6 tháng (tại cấp sơ thẩm). Bản án không có hiệu lực ngay mà đương sự vẫn có quyền kháng cáo trong thời hạn 15 ngày lên cấp phúc thẩm, thời gian giải quyết từ 4 – 6 tháng;
Đối với thuận tình ly hôn thì theo thủ tục yêu cầu Toà án công nhận thuận tình ly hôn: Khoảng 01 tháng. Quyết định công nhận thuận tình ly hôn có hiệu lực pháp luật ngay sau khi được ban hành. Không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm.
Nhìn chung, ly hôn theo thủ tục thuận tình ly hôn thì đơn giản và thời gian nhanh chóng hơn. Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng có thể áp dụng được. Việc chọn ly hôn theo thủ tục nào phụ thuộc nhiều vào tình trạng hôn nhân của hai bên. Đối với những vụ việc về ly hôn thông thường mối quan hệ của hai bên sẽ có những bất đồng, mâu thuẫn rất khó đi đến thoả thuận được các vấn đề về tài sản, về con chung.
Nếu cố gắng thoả thuận chỉ kéo dài thêm thời gian của các bên hơn so với việc chọn đưa tranh chấp ra Toà án để Toà án giải quyết. Ngoài ra, đối với mỗi thủ tục đều có những điều kiện phải đáp ứng nhất định.
Vì vậy, việc lựa chọn giải quyết theo thủ tục nào thông thường phải được xem xét trên tình trạng hôn nhân thực tế đối chiếu với các quy định của pháp luật. Để tránh áp dụng sai thủ tục và kéo dài thời gian, đương sự nên lựa chọn luật sư tư vấn và hướng dẫn để thực hiện.