I. Khái niệm ly hôn thuận tình, đơn phương
Khoản 14 Điều 3 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định: “Ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án”.
Pháp luật của Nhà nước xã hội chủ nghĩa công nhận quyền tự do ly hôn chính đáng của vợ chồng, không cấm hoặc đặt ra những những điều kiện nhằm hạn chế quyền tự do ly hôn. Nhà nước bằng pháp luật không thể bắt buộc vợ chồng phải chung sống với nhau, phải duy trì quan hệ hôn nhân khi tình cảm yêu thương gắn bó giữa họ đã hết và mục đích của hôn nhân đã không thể đạt được. Việc giải quyết ly hôn là tất yếu đối với quan hệ hôn nhân đã thực sự tan vỡ.
Theo Lê-nin: “Thực ra tự do ly hôn tuyệt không có nghĩa là làm “tan rã” những mối liên hệ gia đình mà ngược lại, nó củng cố những mối liên hệ đó trên những cơ sở dân chủ, những cơ sở duy nhất có thể có và vững chắc trong một xã hội văn minh”. Nhưng bên cạnh đó, ly hôn cũng có mặt hạn chế đó là sự ly tán gia đình, vợ chồng, con cái. Vì vậy, khi giải quyết ly hôn, Toà án phải tìm hiểu kỹ nguyên nhân và bản chất của quan hệ vợ chồng và thực trạng hôn nhân với nhiều yếu tố khác để đảm bảo quyền lợi cho các thành viên trong gia đình, lợi ích của nhà nước và của xã hội. Như vậy, ly hôn là sự kiện pháp lý làm chấm dứt các quyền và nghĩa vụ pháp lý giữa vợ chồng theo bản án hoặc quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án.
Quyền yêu cầu ly hôn thuận tình, đơn phương
Điều 36 Hiến pháp 2013 quy định: “Nam, nữ có quyền kết hôn, ly hôn”. Cụ thể hơn, Điều 51 Luật HN&GĐ năm 2014 quy định rõ: “1. Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn; 2. Cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ; 3. Chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi”.
II. Căn cứ ly hôn thuận tình, đơn phương
Căn cứ ly hôn thuận tình, đơn phương là những điều kiện được quy định trong pháp luật, và chỉ khi có những điều kiện đó Tòa án mới được xử cho ly hôn.
Cơ sở quy định căn cứ ly hôn thuận tình, đơn phương
Hệ thống pháp luật Hôn nhân và gia đình của nhà nước ta từ năm 1945 đến nay đã quy định căn cứ ly hôn ngày càng hoàn thiện, phù hợp, là cơ sở pháp lí để tòa án giải quyết các án kiện ly hôn. Cơ sở để quy định căn cứ ly hôn theo quan điểm của chủ nghĩa Mác –Lênin. Quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin thể hiện quyền tự do kết hôn của nam nữ nhằm xác lập quan hệ vợ chồng và quyền tự do ly hôn của vợ chồng nhằm chấm dứt quan hệ vợ chồng và quyền tự do ly hôn theo đúng bản chất của một sự kiện – đó là hôn nhân “đã chết”, sự tồn tại của nó chỉ là bề ngoài và lừa dối.
Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 (Điều 55 và Điều 56) đã quy định căn cứ ly hôn theo quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin. Pháp luật Việt Nam hiện hành đã có sự lồng ghép quy định về căn cứ ly hôn vào quy định về thuận tình ly hôn cũng như ly hôn theo yêu cầu của một bên. Như vậy, căn cứ ly hôn theo Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 của Nhà nước ta được quy định dựa trên quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin, có cơ sở khoa học và thực tiễn kiểm nghiệm trong mấy chục năm qua.
III. Căn cứ ly hôn theo quy định của pháp luật Việt Nam
1. Căn cứ ly hôn khi thuận tình ly hôn
Điều 55 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định: “Trong trường hợp vợ chồng cùng yêu cầu ly hôn, nếu xét thấy hai bên thật sự tự nguyện ly hôn và đã thỏa thuận về việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con trên cơ sở bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án công nhận thuận tình ly hôn; nếu không thỏa thuận được hoặc có thỏa thuận nhưng không bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án giải quyết việc ly hôn”.
Như vậy, trong trường hợp hai vợ chồng có yêu cầu thuận tình ly hôn, sự tự nguyện của hai vợ chồng khi yêu cầu chấm dứt hôn nhân là một căn cứ quyết định việc chấm dứt hôn nhân, tức ly hôn. Ngoài ra, trong việc thuận tình ly hôn, ngoài ý chí thật sự tự nguyện xin thuận tình ly hôn của vợ chồng, đòi hỏi hai vợ chồng còn phải có sự thoả thuận về việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con trên cơ sở đảm bảo quyền lợi chính đáng của vợ và con, nếu vợ chồng không thoả thuận được hoặc tuy có thoả thuận nhưng không bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của vợ và con thì Toà án mới quyết định giải quyết việc ly hôn.
Sự tự nguyện ly hôn của vợ và chồng thể hiện bằng đơn yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn do vợ và chồng cùng ký. Vợ chồng tự nguyện ly hôn phải trên cơ sở họ thật sự mong muốn chấm dứt quan hệ hôn nhân. Nếu vợ chồng tự nguyện ly hôn nhưng là để chấm dứt ly hôn về mặt pháp lý nhằm trốn tránh nghĩa vụ tài sản, vi phạm chính sách, pháp luật về dân số hoặc để đạt được mục đích khác mà không nhằm chấm dứt quan hệ vợ chồng trên thực tế thì là ly hôn giả và Tòa án không thể công nhận thuận tình ly hôn cho họ. Có thể nói, trong thuận tình ly hôn thì sự tự nguyện thực sự của vợ và chồng là điều kiện để Tòa án công nhận thuận tình ly hôn
2. Căn cứ ly hôn khi ly hôn theo yêu cầu một bên
Luật HN&GĐ năm 2014 quy định ly hôn theo yêu cầu của một bên là căn cứ ly hôn tại Điều 56. Ly hôn theo yêu cầu của một bên là trường hợp chỉ có một trong hai vợ chồng, hoặc cha, mẹ, người thân thích của một trong hai bên yêu cầu được chấm dứt quan hệ hôn nhân. Theo đó, khi ly hôn theo yêu cầu của một bên thì Tòa án cần dựa vào một trong ba căn cứ sau đây:
Một là, căn cứ ly hôn trong trường hợp vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.
Đánh giá tình trạng vợ chồng đã đến mức trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích hôn hôn nhân không đạt được phải trên cơ sở nhận định rằng: Vợ chồng không còn yêu thương nhau; những mâu thuẫn giữa vợ, chồng sâu sắc đến mức không thể hòa giải được; quan hệ vợ chồng rạn nứt đến nỗi không thể hàn gắn được; việc vợ chồng tiếp tục chung sống là bất hạnh lớn của vợ chồng, ảnh hưởng xấu tới cuộc sống của những thành viên trong gia đình, đặc biệt là tới việc chăm sóc, giáo dục con cái; sự tồn tại quan hệ hôn nhân đó không thể xây dựng được một gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.
Để có thể đưa ra nhận định trên thì cần phải dựa vào các biểu hiện thực chất trong quan hệ vợ và chồng thông qua thái độ và hành vi của vợ, chồng. Nếu vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiên trọng quyền và nghĩa vụ giữa vợ và chồng dẫn đến quan hệ vợ chồng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích hôn nhân không thể đạt được thì Tòa án giải quyết cho ly hôn
Hai là, căn cứ ly hôn trong trường hợp vợ hoặc chồng của người bị Tòa án tuyên bố mất tích yêu cầu ly hôn thì Tòa án giải quyết cho ly hôn. Khi vợ hoặc chồng bị Tòa án tuyên bố mất tích thì Quyết định tuyên bố mất tích của Tòa án được coi là căn cứ để giải quyết ly hôn nếu người chồng hoặc vợ bị tuyên bố mất tích yêu cầu được ly hôn
Ba là, căn cứ ly hôn đối với trường hợp có yêu cầu ly hôn theo quy định tại khoản 2 Điều 51 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc chồng, vợ có hành vi bạo lực gia đình làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của người kia (Là trường hợp cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ).
Như vậy, thay vì chỉ vợ, chồng hoặc cả hai người mới có quyền yêu cầu tòa án giải quyết ly hôn như Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 thì Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 bổ sung quyền yêu cầu giải quyết ly hôn của cha, mẹ, người thân thích khác cũng có quyền yêu cầu tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe; quy định này góp phần giải quyết những bất cập của Luật hôn nhân và gia đình năm 2000