Một số khó khăn khi thực hiện thủ tục ly hôn đơn phương

Tại Khoản 1 Điều 51 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định: “Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn”.

Theo quy định trên thì vợ hoặc chồng đều có quyền đơn phương yêu cầu ly hôn  khi thấy cuộc sống hôn nhân của mình không thể kéo dài. Trên thực tế, rất nhiều trường hợp một bên đơn phương xin ly hôn, bên kia không đồng ý, đã tìm mọi cách gây khó khăn, cản trở, khiến việc ly hôn kéo dài, phức tạp… Giải quyết được những vụ việc như thế, phải mất nhiều thời gian, công sức của đương sự và tòa án.

1/ Trường hợp 1: Bên khởi kiện không có các giấy tờ cần thiết theo quy định khi ly hôn:

Vấn đề thường gặp phải đối với ly hôn đơn phương là bên khởi kiện yêu cầu ly hôn thường không có giấy tờ cần thiết theo quy định của pháp luật để nộp lên Tòa như: không giữa bản chính Giấy chứng nhận kết hôn, không có CMND và Hộ Khẩu của bên kia, không có Bản sao Giấy khai sinh của con….

Trong trường hợp này, hướng giải quyết như sau:

+ Về Giấy đăng ký kết hôn: có thể đến UBND xã/phường nơi đã đăng ký kết hôn để yêu cầu trích lục lại hồ sơ về việc đã đăng ký kết hôn.

+ Về Giấy khai sinh của con: có thể liên hệ với cơ quan hộ tịch nơi đã đăng ký khai sinh để xin cấp bản sao.

+ Về CMND hoặc Hộ khẩu của bên kia: Lưu ý Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc là Tòa án nhân dân huyện/quận nơi bị đơn cư trú. Do đó trong trường hợp không có CMND hoặc Hộ khẩu của bên kia, phải liên hệ liên hệ với công an cấp xã/ phường nơi bị đơn đang cư trú để xin Giấy xác nhận cư trú của bị đơn.

2/ Trường hợp 2

Anh T cố tình gây “rắc rối” khi biết ý đồ của vợ mình ly hôn xong sẽ được gia đình lo xuất cảnh, nên anh ta tìm mọi cách kéo dài thời gian nhằm phá kế hoạch của vợ, theo kiểu “ăn không được phá cho hôi”.

Chị L – vợ anh T kể: “Tôi nộp đơn xin ly hôn cách đây hơn mười tháng, Tòa án đã thụ lý, mời các bên đến để viết lời khai và hòa giải. Tuy nhiên, các lần đầu tòa mời chỉ có tôi đến dự, dù anh T vẫn nhận được giấy mời của tòa. Những lần sau đó anh lại tiếp tục làm đơn gởi cho tòa qua đường bưu điện, xin phép vắng mặt. Sau một thời gian, cảm thấy không thể vắng mặt mãi, chồng tôi lại đến tòa làm các thủ tục viết bản khai, dự phiên hòa giải.

Tuy nhiên không biết đã được ai tư vấn, chồng tôi làm đơn yêu cầu chia tài sản chung là chiếc xe gắn máy tôi đang đi, tranh chấp với tôi việc xin nuôi đứa con chung bốn tuổi. Anh cho rằng, tôi sẽ xuất cảnh đem con đi nước ngoài nên muốn xin nuôi con.

Anh ấy còn khai ra các khoản nợ chung (do anh tự vay mượn của người thân, bạn bè) chỉ với năm triệu, mười triệu đồng dùng để chi xài sinh hoạt trong gia đình, để tòa án phải triệu tập các “chủ nợ” đến giải quyết với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, mà trong số đó, có người đang ở nước ngoài. Vụ việc từ đơn giản đã trở nên phức tạp, rối rắm nên kéo dài suốt hơn mười tháng, tòa vẫn chưa thể đưa vị án ra xét xử được!”.

Hướng giải quyết vụ việc này:

Trong trường hợp này, nếu người chồng yêu cầu giải quyết vấn đề tài sản chung, vấn đề nợ chung thì điều đầu tiên là phải yêu cầu người chồng đóng tạm ứng án phí cho những yêu cầu của mình.Hết thời gian Tòa yêu cầu phải đóng tạm ứng án phí, nếu người chồng không đóng thì Tòa án có nghĩa vụ tiếp tục giải quyết yêu cầu ly hôn đơn phương cho chị vợ.

Bên cạnh đó, việc chứng minh các khoản nợ đó có thực hay không cũng là một khó khăn, yêu cầu người chồng chứng minh, nếu không sẽ tách giải quyết bằng một vụ kiện khác, về sau.  Trên thực tế, ly hôn còn có những vướng mắc, phức tạp về tranh chấp, phân chia tài sản, nợ nần. Để việc giải quyết ly hôn được đơn giản, nhanh chóng, đương sự có thể tách ra, giải quyết việc ly hôn và con chung trước. Phần tài sản, nợ chung các bên sẽ tự thỏa thuận với nhau, nếu không thỏa thuận được, sẽ giải quyết bằng một vụ kiện khác, về sau.