Người chồng có được đơn phương ly hôn?

Khi yêu nhau, các cặp đôi thường có rất nhiều đề tài để trao đổi. Vậy nhưng, sau khi kết hôn, có thể do bận với công việc, con cái và các trách nhiệm đối nội đối ngoại khiến hai người không còn thời gian nói chuyện cởi mở với nhau như những ngày ban đầu hoặc vì bất kỳ lý do nào khác khiến họ muốn thoát khỏi cuộc hôn nhân này. Bài viết hôm nay sẽ tư vấn về quyền người chồng có được đơn phương ly hôn không và sự hạn chế trong việc thực hiện quyền này.

Chồng có được đơn phương ly hôn người vợ không?

Để có thể trả lời câu hỏi “chồng có được đơn phương ly hôn không?”, các bạn có thể tham khảo khoản 1 Điều 51 Luật hôn nhân và gia đình 2014. Tại quy định này thể hiện rất rõ người chồng có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn hay còn gọi là người chồng có quyền đơn phương ly hôn người vợ hay còn gọi trường hợp này là ly hôn theo yêu cầu của một bên, cụ thể trong trường này là yêu cầu xuất phát từ người chồng.

Khi yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn thì bạn cần chuẩn bị những giấy tờ sau:

Thứ nhất, đơn xin ly hôn

Trong đơn ly hôn bạn cần trình bày các vấn đề như sau:

Về kết hôn: Ở đâu? Thời gian? Mâu thuẫn xảy ra khi nào? Mâu thuẫn chính là gì?….

Về con chung (nếu có): Con tên gi? Sinh ngày nào? Có yêu cầu xin được nuôi con không? Yêu cầu cấp dưỡng của mẹ cháu như thế nào?

Về tài sản chung: Có những tài sản gì chung nào? Yêu cầu giải quyết tài sản chung như thế nào?

Về nợ chung: Có nợ ai không? Có ai nợ vợ chồng bạn không? Tên, địa chỉ và số nợ của từng người? Bạn muốn giải quyết như thế nào?

Thứ hai, bản sao Giấy khai sinh của con (nếu có con)

Thứ ba, bản sao CMND, sổ hộ khẩu của bạn và của người vợ

Thứ tư, bản chính GCN đăng ký kết hôn

Nếu không có bản chính GCN đăng ký kết hôn thì bạn phải xin xác nhận của UBND cấp xã nơi đã đăng ký kết hôn.

Thứ năm, các giấy tờ chứng minh về tài sản, như: GCN quyền sử dụng đất, sở hữu nhà ở…

Chồng có bị hạn chế đơn phương ly hôn người vợ không?

Theo khoản 3 Điều 51 Luật hôn nhân và gia đình 2014 thì người chồng sẽ bị hạn chế quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi. Như vậy, để đảm bảo quyền lợi cho người phụ nữ và trẻ em, pháp luật hạn chế quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn của người chồng trong trường hợp trong trường hợp trên.

Trên thực tế, có những trường hợp đặc thù các bạn cần lưu ý như sau:

Trường hợp 1: Người vợ sinh con dưới 12 tháng tuổi nhưng không nuôi con thì trên thực tế họ không được xét vào trường hợp hạn chế quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn của người chồng như trên. Do đó, người chồng vẫn có thể đơn phương ly hôn

Trường hợp 2: Người vợ mang thai hộ cho người khác thì người vợ vẫn được coi là đang mang thai và người chồng không có quyền ly hôn

Trường hợp 3: Người vợ nhờ người khác mang thai hộ thì trên thực tế họ không được xét vào trường hợp hạn chế quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn của người chồng. Do đó, người chồng vẫn có thể đơn phương ly hôn

Trường hợp 4: Người vợ nhận nuôi con nuôi đúng quy định pháp luật mà đứa con dưới 12 tháng tuổi thì người chồng cũng bị hạn chế quyền yêu cầu ly hôn.