I. Những nguyên tắc cơ bản của luật hôn nhân gia đình?
Bất kỳ hoạt động nào có mục đích muốn đạt được kết quả, đòi hỏi những người tham gia hoạt động phải xác định được các nguyên tắc hoạt động và tuân thủ triệt để nó. Theo nghĩa chung nhất, nguyên tắc được hiểu là “điều cơ bản định ra, nhất thiết phải tuân theo trong một loạt việc làm” (Trung tâm từ điển ngôn ngữ (2003), “Từ điển Tiếng Việt ”, trang 694, Nhà xuất bản Đà Nẵng).
Như vậy, nguyên tắc được hiểu với nghĩa là tư tưởng chỉ đạo, quy tắc cơ bản của một hoạt động nào đó. Hoạt động xây dựng và thực hiện pháp luật là những hoạt động thực tiễn có tính khoa học, nên cũng phải tuân theo các nguyên tắc pháp luật nhất định. Đó là những tư tưởng chỉ đạo cơ bản, mang tính xuất phát điểm, định hướng, xuyên suốt toàn bộ hoạt động xây dựng và thực hiện pháp luật.
Luật hôn nhân và gia đình là một trong những ngành luật độc lập trong hệ thống pháp luật của Nhà nước ta. Hoạt động xây dựng và thực hiện ngành luật này một mặt cũng phải tuân theo những nguyên tắc chung của pháp luật, nhưng mặt khác chịu sự chi phối, chỉ đạo bởi các nguyên tắc đặc thù chuyên ngành phù hợp với tính chất, đặc điểm các quan hệ xã hội thuộc đối tượng điều chỉnh của nó.
Nguyên tắc cơ bản của chế độ hôn nhân và gia đình Việt Nam là những điều cơ bản định ra, tư tưởng chỉ đạo nền tảng, mang tính định hương xuyên suốt, chỉ đạo trong toàn bộ quá trình nhận thức, xây dựng và thực hiện pháp luật hôn nhân và gia đình, được các cá nhân và tổ chức liên quan tuân thủ khi thực hiện những hoạt động chịu sự điều chỉnh trong lĩnh vực này như kết hôn, ly hôn, quan hệ giữa vợ và chồng, chế độ tài sant của vợ chồng, quan hệ cha mẹ con, cấp dưỡng…
II. Nguyên tắc cơ bản của Luật Hôn nhân là gì?
Nguyên tắc cơ bản của Luật HN&GĐ là tư tưởng chỉ đạo cho việc xây dựng hệ thống các quy phạm pháp luật hôn nhân và gia đình.
Từ khi Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời cho đến nay, Nhà nước ta đã ban hành bốn đạo luật về hôn nhân và gia đình: Luật Hôn nhân và gia đình được Quốc hội thông qua ngày 29/12/1959 và có hiệu lực kể từ ngày 13/01/1960 (gọi là Luật Hôn nhân và gia đình năm 1959); Luật Hôn nhân và gia đình được Quốc hội thông qua ngày 29/12/1986 và có hiệu lực kể từ ngày 03/01/1987 (gọi là Luật Hôn nhân và gia đình năm 1986); Luật Hôn nhân và gia đình được Quốc hội thông qua ngày 9/6/2000 và có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2001 (gọi là Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000); Luật Hôn nhân và gia đình được Quốc hội thông qua ngày 19/6/2014 và có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2015 (gọi là Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014).
Trong mỗi thời kỳ phát triển củá xã hội, do điều kiện kinh tế – văn hóa – xã hội khác nhau nên Luật Hôn nhân và gia đình được xây dựng trên các nguyên tắc cơ bản khác nhau.
III. Những nguyên tắc cơ bản của chế độ hôn nhân và gia đình
Để đảm bảo cho quan hệ hôn nhân được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, Luật Hôn nhân và gia đình đưa ra những nguyên tắc cơ bản của chế độ hôn nhân và gia đình như sau:
– Hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng, vợ chồng bình đẳng.
– Hôn nhân giữa công dân Việt Nam thuộc các dân tộc, tôn giáo, giữa người theo tôn giáo với người không theo tôn giáo, giữa người có tín ngưỡng với người không có tín ngưỡng, giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ.
– Xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc; các thành viên gia đình có nghĩa vụ tôn trọng, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau; không phân biệt đối xử giữa các con.
– Nhà nước, xã hội và gia đình có trách nhiệm bảo vệ, hỗ trợ trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật thực hiện các quyền về hôn nhân và gia đình; giúp đỡ các bà mẹ thực hiện tốt chức năng cao quý của người mẹ; thực hiện kế hoạch hóa gia đình.
– Kế thừa, phát huy truyền thống văn hóa, đạo đức tốt đẹp của dân tộc Việt Nam về hôn nhân và gia đình.
IV. Nguyên tắc cơ bản của Luật Hôn nhân và gia đinh năm 2014
1. Nguyên tắc hôn nhãn tự nguyện, tiến bộ
Hôn nhân tự nguyện, tiến bộ được hiểu là mỗi bên nam nữ được tự mình quyết định việc kết hôn. Mọi hành vi cưỡng ép két hôn, lừa dối để kết hôn, cản trở việc kết hôn tự nguyện, tiến bộ đều bị coi là vi phạm pháp luật. Khi vợ chồng đang chung sống hòa thuận, hạnh phúc thì không ai có thể buộc họ ly hôn. Nhưng khi cuộc sống chung của vợ chồng phát sinh mâu thuẫn và bản thân vợ, chồng mong muốn được chấm dứt cuộc sống chung thì họ có quyền yêu cầu ly hôn. Việc kết hôn dựa trên cơ sở tình yêu giữa nam và nữ, việc ly hôn dựa trên thực chất quan hệ vợ chồng không thể tiếp tục tồn tại.
2. Nguyên tắc hôn nhân một vợ một chồng
Hôn nhân một vợ một chồng là vào thời điểm xác lập quan hệ hôn nhân (thời điểm đăng ký kết hôn), các bên kết hôn đang không có vợ hoặc có chồng. Có nghĩa là vào một thời điểm, một người đàn ông chỉ có một người vợ, một người đàn bà chỉ có một người chồng.
Luật Hôn nhân và gia đình xây dựng trên nguyên tắc hôn nhân một vợ một chồng nhằm xoá bỏ chế độ nhiều vợ của người đàn ông trong pháp luật thời kỳ phong kiến. Để đảm bảo hôn nhân được xây dựng trên nguyên tắc một vợ, một chồng, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định: cấm người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ (điểm c khoản 2 Điều 5 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014).
3. Nguyên tắc vợ chồng bình đẳng
Nguyên tắc vợ chồng bình đẳng được thể hiện trong các quy định về quyền và nghĩa vụ nhân thân và tài sản của vợ chồng.
Nguyên tắc vợ chồng bình đẳng góp phần xoá bỏ sự bất bình đẳng giữa vợ vả chồng trong gia đình phong kiến, khẳng định quyền bình đẳng về mọi mặt giữa nam và nữ, góp phần vào sự nghiệp giải phóng phụ nữ. •Nguyên tắc vợ chồng bình đẳng còn thể hiện rõ quan điểm của Nhà nước Việt Nam là không phân biệt dân tộc, tôn giáo, quốc tịch trong quan hệ hôn nhân. Khi đã xác lập quan hệ vợ chồng, không phụ thuộc vào việc người tham gia quan hệ hôn nhân có dân tộc gì, theo hoặc không theo tôn giáo, mang quốc tịch Việt Nam hay nước ngoài, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ.
4. Nguyên tắc bảo vệ quyền lợi của cha mẹ và con
Trên cơ sở Hiến pháp, Luật Hôn nhân và gia đình quy định cha mẹ có nghĩa vụ nuôi dạy con; con cháu có nghĩa vụ kính trọng, chăm sóc, nuôi dưỡng ông bà, cha mẹ; các thành viên khác trong gia đình có nghĩa vụ quan tâm, chăm sóc giúp đỡ lẫn nhau.
Đe bảo vệ quyền lợi của con, Luật Hôn nhân và gia đình quy định các nghĩa vụ của cha mẹ đối với con và khẳng định quyền bình đẳng giữa con trai, con gái, con đẻ, con nuôi, con trong giá thú và con ngoài giá thú.
Để bảo vệ quyền lợi của cha mẹ và các thành viên khác trong gia đình, đảm bảo cho cha mẹ, ông bà được quan tâm, chăm sóc, nuôi dưỡng khi tuổi già sức yếu, Luật Hôn nhân và gia đình quy định các nghĩa vụ của con, cháu đối với cha mẹ, công bà và của các thành viên khác trong gia đình.
5. Nguyên tắc bảo vệ bà mẹ và trẻ em
Bảo vệ bà mẹ và trẻ em không chỉ là nguyên tắc cơ bản của Luật Hôn nhân và gia đình mà còn là tư tưởng chỉ đạo trong hệ thống pháp luật Việt Nam. Bà mẹ và trẻ em nói chung cần được bảo vệ, đặc biệt là các bà mẹ đơn thân và trẻ em là con ngoài giá thú. Nhà nước, xã hội và gia đình có trách nhiệm bảo vệ, hỗ trợ trẻ em…; giúp đỡ các bà mẹ thực hiện tốt chức năng cao quý của người mẹ (khoản 4 Điều 2 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014).
Xuất phát từ vai trò xã hội của phụ nữ, của các bà mẹ trong gia đình và ý nghĩa của gia đình trong việc hình thành nhân cách của con người (đặc biệt là trẻ em), có thể nhận định rằng bảo vệ bà mẹ và trẻ em có ý nghĩa rất lớn trong sự nghiệp phát triển nguồn nhân lực của đất nước.
Nguyên tắc bảo vệ bà mẹ và trẻ em được cụ thể hóa trong các chế định của Luật Hôn nhân và gia đình như: Ket hôn; ly hôn; quyền và nghĩa vụ giữa cha mẹ và con; xác định cha, mẹ, con; cấp dưỡng…
V. Ý nghĩa của chế độ hôn nhân và gia đình ở Việt Nam.
Chế độ hôn nhân là toàn bộ các quy định pháp luật điều chỉnh vấn đề kết hôn, ly hôn, quyền và nghĩa vụ giữa vợ và chồng. Hôn nhân là mối quan hệ cơ bản trong xã hội, những quy định pháp luật điều chỉnh quan hệ này là thiết yếu. Việc xây dựng, sửa đôi, bổ sung chế độ hôn nhân từ đó mà có những ý nghĩa quan trọng đối với xã hội.
– Thứ nhất, chế độ hôn nhân bảo vệ quan hệ hôn nhân hợp pháp. Vợ, chồng đăng ký kết hôn theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình và pháp luật về hộ tịch được nhà nước thừa nhận và bảo vệ. Bằng các quy định pháp luật, nhà nước đưa ra các điều kiện đối với việc kết hôn, quyền và nghĩa vụ của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân và ly hôn. Nói cách khác, chế độ hôn nhân định hướng hành vi của các chủ thể trong xã hội.
– Thứ hai, chế độ hôn nhân bảo đảm quyền tự chủ của các chủ thể trong quan hệ hôn nhân. Đối với kết hôn, nam, nữ được phép tự do tìm hiểu nhau trước khi tiến đến hôn nhân, không bị ngăn cấm kết hôn bởi các quan niệm hay tục lệ lạc hậu. Đối với việc ly hôn, khi cuộc sống hôn nhân không hạnh phúc, mục đích hôn nhân không đạt được, vợ chồng có quyền yêu cầu ly hôn theo thủ tục ly hôn thuận tình hoặc ly hôn đơn phương.
– Thứ ba, chế độ hôn nhân có những chế tài trừng phạt đối với các hành vi vi phạm. Nhằm đảm bảo việc thực hiện pháp luật, nhà nước đưa ra các chế tài xử phạt. Các chế tài này ngoài trừng phạt đối với người đã có hành vi phạm còn là sự răn đe, cảnh báo đối với các chủ thể khác.
Chế độ hôn nhân ở Việt Nam được xây dựng dựa trên nhiều nguyên tắc, trong đó được liệt kê đầu tiên đó là Hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng, vợ chồng bình đẳng. Tuân thủ xu hướng phát triển chung, những nguyên tắc này đã được duy trì qua bốn lần ban hành Luật hôn nhân gia đình. Phải thừa nhận rằng, chế độ hôn nhân và gia đình đã góp một phần không nhỏ trong công cuộc giữ vững ổn định xã hội tại Việt Nam.