Những vấn đề pháp lý mới của luật Dân Sự

I. Chủ thể có quyền thừa kế

Điều 631 BLDS 2005 chỉ ghi nhận quyền thừa kế của cá nhân:

“Điều 631. Quyền thừa kế của cá nhân

Cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình; để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật; hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật.”

Điều 609 BLDS 2015 đã bổ sung thêm chủ thể “người không phải là cá nhân” có quyền hưởng di sản theo di chúc (thay thế cụm từ “cơ quan, tổ chức” bằng “người không phải là cá nhân”):

“Điều 609. Quyền thừa kế

Cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình; để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật; hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật.

Người thừa kế không là cá nhân có quyền hưởng di sản theo di chúc.

* Ý nghĩa:

Quy định này đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với các quy định khác so với BLDS 2005. Cụ thể, Điều 635 BLDS 2005 ghi nhận cơ quan, tổ chức có thể là người thừa kế theo di chúc và khoản 4 Điều 637 BLDS 2005 cũng ghi nhận nghĩa vụ về tài sản do người chết để lại của cơ quan, tổ chức hưởng di sản theo di chúc nhưng Điều 631 BLDS 2005 lại không ghi nhận quyền thừa kế của cơ quan, tổ chức dẫn đến chưa có sự thống nhất trong quy định. Khắc phục hạn chế này, Điều 609 BLDS 2015 đã bổ sung quy định về quyền thừa kế của người không phải là cá nhân thống nhất với quy định tại Điều 613 BLDS 2015 về người thừa kế bao gồm: cá nhân và người không phải là cá nhân. Ngoài ra, BLDS 2015 cũng đã thay thế chủ thể “cơ quan, tổ chức” chuyển thành “người không phải là cá nhân” với phạm vi rộng hơn.

II. Thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại

  Điều 637 BLDS 2005 Điều 615 BLDS 2015
Những người thừa kế (khoản 1) “có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại, trừ trường hợp có thoả thuận khác.” “có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại, trừ trường hợp có thoả thuận khác.”
Người quản lý (khoản 2) “Trong trường hợp di sản chưa được chia thì nghĩa vụ tài sản do người chết để lại được người quản lý di sản thực hiện theo thoả thuận của những người thừa kế.” “Trường hợp di sản chưa được chia thì nghĩa vụ tài sản do người chết để lại được người quản lý di sản thực hiện theo thoả thuận của những người thừa kế trong phạm vi di sản do người chết để lại.

 

Nhìn vào bảng trên sẽ thấy ngay sự chưa thống nhất của BLDS 2005, cùng là thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại nhưng đối với những người thừa kế thì việc thực hiện nghĩa vụ được giới hạn trong phạm vi di sản còn đối với người quản lý trong trường hợp di sản chưa chia thì lại thực hiện theo thỏa thuận của những người thừa kế mà có không giới hạn.

Đến BLDS 2015, nhận thấy sự bất cập này Điều 615 BLDS 2015 đã giới hạn phạm vi thực hiện nghĩa vụ tài sản của người quản lý di sản đối với di sản chưa chia phải trong phạm vi di sản do người chết để lại, còn đối với những người thừa kế thì giữ nguyên tinh thần của Điều 637 BLDS 2005.

* Ý nghĩa:

– Đảm bảo tính thống nhất, hợp lý trong quy định của điều luật, pháp lý mới của luật Dân Sự.

– Với quy định sửa đổi của BLDS 2015 thì đối với phần nghĩa vụ vượt quá giá trị di sản do người chết để lại thì người quản lý không phải thực hiện phần vượt quá đó. Trên thực tế, điều luật này đã tránh việc lạm quyền của những người thừa kế, lợi dụng việc pháp luật không giới hạn phạm vi thực hiện nghĩa vụ tài sản của người quản lý mà thỏa thuận với nhau đưa ra những yêu cầu bất lợi cho người quản lý di sản.

* Hạn chế:

Tình huống: Ông A có 5 mảnh đất và 5 căn nhà trên đó ở 5 tỉnh khác nhau và mỗi nơi đều có một người quản lý riêng. Tại thời điểm ông A mất có 5 người quản lý di sản do ông A để lại. Nghĩa vụ tài sản ông A để lại là 10 tỷ (căn nhà tỉnh B trị giá 9,5 tỷ). Tại thời điểm di sản chưa được chia, những người thừa kế thỏa thuận người đang quản lý căn nhà ở tỉnh B là bà C thực hiện toàn bộ nghĩa vụ tài sản do ông A để lại, bà C có quyền bán ngôi nhà đó đi để thực hiện nghĩa vụ. Tuy nhiên, khi bà bán căn nhà chỉ được 9,5 tỷ nghĩa là vẫn còn thiếu 500 triệu đồng. Như vậy, phần vượt quá này ai sẽ là người chịu? Nếu theo quy định của luật thì người quản lý di sản thực hiện nghĩa vụ trong phạm vi di sản do người chết để lại chứ không phải trong phạm vi di sản do mình quản lý. Như vậy, nếu chiếu theo quy định của luật thì phần vượt quá 500 triệu do bà C bù vào vì bà có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản của ông A để lại lớn hơn 10 tỷ rất nhiều. Như vậy, ta thấy ngay được bất cập, đó là việc bà C chỉ quản lý căn nhà giá trị 9,5 tỷ nhưng phải chịu giá trị nghĩa vụ tài sản do người chết để lại lên tới 10 tỷ vì số tiền đó vẫn nằm trong phạm vi di sản do ông A để lại.

Hiện tại, BLDS cũng chưa quy định về trường hợp có nhiều người quản lý di sản, chưa có những quy định cụ thể khi có nhiều người quản lý thì việc phân chia trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ sẽ như thế nào? Việc thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại trong phạm vi phần di sản mình đang quản lý hay phạm vi di sản do người chết để lại.

Và đối với trường hợp nhiều người quản lý cùng quản lý một khổi tài sản thì khi có thiệt hại hoặc vật đó gây ra thiệt hại thì trách nhiệm được xem xét như thế nào? (liên đới với phần trách nhiệm như nhau hay theo tỉ lệ với mức độ lỗi của mỗi người trong việc gây ra thiệt hại hay ai là người có lỗi phải chịu toàn bộ trách nhiệm?). Từ đó, cũng cần phải xem xét đến trường hợp sau khi hết thời hiệu khởi kiện mà di sản thuộc về những người quản lý thì tỉ lệ sở hữu của họ đối với di sản là ngang nhau hay xem xét đến công sức đóng góp, đầu tư, khai thác làm gia tăng giá trị tài sản mà chia các phần sở hữu khác nhau?

III. Quyền của người quản lý di sản

  Điều 640 BLDS 2005 Điều 618 BLDS 2015
Quyền của người quản lý di sản – Đại diện cho những người thừa kế với bên thứ ba liên quan đến di sản thừa kế;

– Hưởng thù lao theo thỏa thuận với những người thừa kế.

– Đại diện cho những người thừa kế với người thứ ba liên quan đến di sản thừa kế;

– Hưởng thù lao theo thỏa thuận với những người thừa kế;

– Được thanh toán chi phí bảo quản di sản.

Quyền của người đang chiếm hữu, sử dụng, quản lý di sản – Được tiếp tục sử dụng di sản theo thoả thuận trong hợp đồng với người để lại di sản hoặc được sự đồng ý của những người thừa kế;

– Hưởng thù lao theo thỏa thuận với những người thừa kế.

– Được tiếp tục sử dụng di sản theo thỏa thuận trong hợp đồng với người để lại di sản hoặc được sự đồng ý của những người thừa kế;

– Hưởng thù lao theo thỏa thuận với những người thừa kế;

Được thanh toán chi phí bảo quản di sản.

Trường hợp không đạt được thỏa thuận với những người thừa kế về mức thù lao thì người quản lý di sản được hưởng một khoản thù lao hợp lý.

 

Ngoài hai quyền kế thừa từ BLDS 2005 thì BLDS 2015 cũng bổ sung thêm quyền “được thanh toán chi phí bảo quản di sản” và quyền “được hưởng một khoản thù lao hợp lý” trong trường hợp không thỏa thuận được với những người thừa kế theo Điều 618. Như vậy, đây là căn cứ để người quản lý di sản có thể đòi khoản thù lao cho mình ngay cả trong trường hợp những người thừa kế không đồng ý. Theo đó, nếu các bên không thỏa thuận được thì Tòa án sẽ xem xét và quyết định đối với từng trường hợp cụ thể.

Ngoài việc trực tiếp quy định quyền được thanh toán chi phí bảo quản di sản cho người quản lý di sản nêu trên, Điều 658 BLDS 2015 còn đưa chi phí bảo quản di sản lên vị trí ưu tiên thứ 3 trong các chi phí được ưu tiên thanh toán (thay vì thứ 9 theo quy định tại khoản 9 Điều 683 BLDS 2005). Việc sửa đổi này xuất phát từ nguyên lý người quản lý di sản là người đã phải bỏ công sức, chi phí để duy trì, bảo quản (nếu di sản có nguy cơ hư hỏng, mất mát thì người quản lý cần phải bỏ ra chi phí cần thiết để bảo quản di sản) hoặc gia tăng giá trị tài sản, bởi vậy họ có quyền yêu cầu người thừa kế phải thanh toán chi phí đó.

=> Quy định đảm bảo quyền lợi tốt hơn cho người quản lý di sản, đánh giá cao hơn vai trò của người quản lý di sản.

* Ý nghĩa:

– Giúp cho người quản lý yên tâm hơn trong việc quản lý và tạo ra, gia tăng giá trị cho di sản do người chết để lại.

– Đây sẽ là căn cứ để người quản lý; người chiếm giữ, sử dụng, quản lý di sản có quyền yêu cầu người thừa kế thanh toán chi phí và thù lao nếu không thỏa thuận được thì sẽ là căn cứ để họ yêu cầu Tòa án giải quyết.

– Quản lý di sản là công việc cần thiết sau khi mở thừa kế, đặc biệt di sản là tài sản đang cho thuê, tài sản đang đầu tư vào doanh nghiệp hoặc có thể là doanh nghiệp thì vấn đề quản lý những di sản thuộc loại này có ý nghĩa quan trọng, không những bảo quản tốt tình trạng di sản mà còn làm di sản tăng giá trị hoặc phát sinh lợi tức cho những người thừa kế. Quy định bổ sung này đã góp phần bảo đảm được quyền và lợi ích của người quản lý, khắc phục hạn chế của BLDS 2005.

IV. Từ chối nhận di sản

Quy định về nội dung này, BLDS 2015 có 2 điểm mới sau:

Về các chủ thể mà người từ chối nhận di sản phải gửi văn bản từ chối nhận di sản: So với Điều 642 của BLDS 2005 thì Điều 620 BLDS 2015 đã bổ sung thêm nội dung: văn bản từ chối nhận di sản phải được gửi cho cả người quản lý di sản. Điều này nhằm bảo đảm phù hợp với quyền, nghĩa vụ của người quản lý di sản quy định tại Điều 617, 618 BLDS 2015. Ngoài ra, BLDS 2015 không còn quy định người từ chối nhận di sản phải gửi văn bản từ chối đến “cơ quan công chứng hoặc UBND xã, phường, thị trấn nơi có địa điểm mở thừa kế” như BLDS 2005.

– Thời hạn từ chối nhận di sản: BLDS 2015 không còn quy định thời hạn từ chối là 06 tháng kể từ ngày mở thừa kế như khoản 3 Điều 642 BLDS 2005 mà quy định “việc từ chối nhận di sản phải được thể hiện trước thời điểm phân chia di sản”. Việc sửa đổi, bổ sung này là xuất phát từ thực tiễn giải quyết tranh chấp về thừa kế. Theo tổng kết của ngành Tòa án thì rất ít trường hợp người nhận di sản thực hiện việc từ chối nhận di sản trong thời hạn 06 tháng. Điều này một phần xuất phát từ văn hóa của người Việt Nam, khi cha mẹ hoặc người thân mới mất, những người thừa kế thường tránh đề cập đến vấn đề phân chia di sản. Do đó, trong không ít trường hợp, sau khi người để lại di sản chết vài năm, việc phân chia di sản mới được đặt ra và tranh chấp về thừa kế đến lúc này mới phát sinh. Nhiều người thuộc diện hưởng thừa kế vì không muốn tham gia vào vụ tranh chấp hoặc vì lý do khác không muốn nhận di sản thừa kế và lúc này họ mới có ý định từ chối nhận di sản. Những người này làm đơn xin Tòa án cho phép họ từ chối nhận di sản, nếu Tòa án chấp nhận thì sẽ vi phạm quy định, nếu Tòa án không cho họ thực hiện quyền này thì quyền của họ đã không được đảm bảo.

Như vậy, rõ ràng quy định cũ về thời hạn 06 tháng của BLDS 2005 đặt ra là không hợp lý, pháp luật đã hạn chế quyền của họ một cách vô lý. Vì việc từ chối nhận di sản là quyền tự định đoạt (Điều 195 BLDS 2005) của cá nhân về tài sản. Người thừa kế vẫn có quyền không nhận di sản cho đến khi di sản được phân chia mà không ai có quyền buộc họ phải nhận, kể cả Tòa án. Bởi vì, khi di sản được chia theo thủ tục thỏa thuận hoặc thủ tục tư pháp thì người thừa kế vẫn có quyền từ chối nhận di sản trừ trường hợp có căn cứ để chứng minh việc từ chối nhận di sản nhằm trốn tránh nghĩa vụ tài sản đối với người khác. Việc thực hiện quyền năng này ngoài thời hạn 06 tháng hoàn toàn không “gây thiệt hại hoặc làm ảnh hưởng đến lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền, lợi ích hợp pháp của người khác” căn cứ theo nguyên tắc thực hiện quyền sở hữu quy định tại Điều 165 BLDS 2005.

Như vậy với quy định tại Điều 642 tạo ra sự không thống nhất trong quy định của BLDS 2005 giữa các Điều 642, 165, 195. Việc áp dụng một cách máy móc Điều 642 chỉ làm phức tạp hóa quan hệ dân sự, gây phiền phức cho người dân, chứ chưa thực sự nhằm ổn định quan hệ xã hội.

* Ý nghĩa:

– Trên tinh thần đó, vấn đề pháp lý mới luật Dân Sự tại khoản 3 Điều 620 BLDS 2015 sửa đổi giúp khắc phục được hạn chế của BLDS 2005 và bảo đảm tốt hơn việc thực hiện quyền hưởng thừa kế của người thừa kế. Đồng thời, tạo điều kiện tối đa hóa quyền của những người thừa kế khác đối với di sản thừa kế trong việc thực hiện các quyền năng của mình đối với di sản thừa kế đó.

– Quy định mới này giúp giảm thiểu tình trạng tài sản “bị treo” gây lãng phí của cải xã hội và có thể làm ảnh hưởng đến quyền lợi của bên thứ ba. Vì trên thực tế, người thừa kế nhất quyết từ chối nhận di sản vì thế nên họ không thực hiện nghĩa vụ tài sản tương ứng do người chết để lại, mà theo quy định thì hết 06 tháng nên di sản phải thuộc về họ, không thể đem chia cho người thừa kế khác, vì vậy gây nên tình trạng di sản thì để đó không có người xác lập quyền sở hữu, sử dụng, đồng thời nghĩa vụ tài sản do người chết để lại tương ứng cũng không được thực hiện, ảnh hưởng đến quyền lợi của người thứ ba là bên có quyền đối với nghĩa vụ tài sản.

V. Thời hiệu thừa kế

Điều 645 BLDS 2005 Điều 623 BLDS 2015
Thời hiệu khởi kiện để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 10 năm. Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản.
Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là 10 năm. Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là 10 năm.
Thời hiệu khởi kiện để yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại là 03 năm. Thời hiệu yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại là 03 năm.

 

 

BLDS 2015 giữ nguyên tinh thần về thời hiệu để người thừa kế yêu cầu xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác và thời hiệu yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ tài sản. So với BLDS 2005, BLDS 2015 đã có sự thay đổi về thời hiệu yêu cầu chia di sản từ 10 năm (cả động sản và bất động sản) theo BLDS 2005 thành 30 năm đối với BĐS và 10 năm đối với động sản. Xuất phát từ thực trạng xã hội: Ở nhiều nơi, di sản không được phân chia mà truyền từ đời này sang đời khác. Rất có thể, thế hệ tiếp sau đó khi nhận thức của họ về vấn đề hưởng di sản thừa kế được rõ ràng thì họ sẵn sàng đòi lại. Lúc này, tranh chấp thường phức tạp hơn rất nhiều vì liên quan đến việc xác định di sản, người thừa kế qua các thế hệ… Từ đó cũng có thể dẫn tới thời hiệu yêu cầu giải quyết tranh chấp về thừa kế đã hết.

Ngoài ra, hậu quả pháp lý đối với di sản hết thời hiệu khởi kiện (giải quyết như thế nào, di sản thừa kế đó thuộc về ai?) BLDS 2005 vẫn còn để ngỏ.

Điều này dẫn đến tình trạng nhiều tài sản hết thời hiệu khởi kiện về thừa kế bị “treo”, không xác định được chủ sở hữu gây khó khăn khi tham gia giao dịch dân sự và gây lãng phí của cải xã hội. Khắc phục hạn chế này, BLDS 2015 đã quy định hậu quả pháp lý sau khi hết thời hạn 30 năm đối với BĐS, 10 năm đối với động sản mà những người thừa kế không yêu cầu chia di sản thì di sản thừa kế sẽ được xử lý như sau:

– Di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản;

– Nếu không có người thừa kế đang quản lý thì di sản “thuộc quyền sở hữu của người đang chiếm hữu” theo quy định của BLDS;

– Nếu di sản không có người thừa kế và cũng không có người đang chiếm hữu thì di sản đó thuộc về Nhà nước.

Việc sửa đổi, bổ sung điều này xuất phát từ nguyên lý tránh lãng phí của cải của xã hội và thiết lập sự ổn định, minh bạch cho tình trạng pháp lý của tài sản. Theo đó, khi người thừa kế được hưởng di sản thì đồng nghĩa với việc họ có quyền sở hữu đối với di sản thừa kế đó. Tuy nhiên, nếu trong 30 năm đối với BĐS, 10 năm đối với động sản, những người thừa kế không yêu cầu chia di sản và họ không thực hiện những quyền mà pháp luật trao cho họ thì đồng nghĩa với việc họ không quan tâm đến tài sản của mình và đã để lãng phí của cải của xã hội. Trong trường hợp này, họ sẽ mất đi quyền sở hữu đối với di sản mà đáng lẽ họ được hưởng. Ngoài ra, quy định như vậy nhằm bảo đảm sự ổn định cũng như sự phát triển của xã hội vì nếu không quy định thời hiệu yêu cầu chia di sản thì người đang chiếm hữu di sản không biết lúc nào tài sản bị đem ra chia (có thể là hàng chục năm sau) do đó họ không yên tâm để đầu tư, phát triển, nhằm tận dụng được tối đa giá trị của tài sản đó, mà có thể để di sản trong tình trạng hư hỏng gây lãng phí.

* Ý nghĩa:

Việc BLDS 2005 quy định về thời hiệu nhưng không quy định về hậu quả sau khi hết thời hiệu, di sản sẽ thuộc về ai dẫn đến những bất cập trong thực tiễn, đặt ra vấn đề nhưng giải quyết được triệt để vấn đề. Vì vậy, BLDS 2015 đã bổ sung thêm hậu quả pháp lý mới của luật Dân Sự đối với di sản sau khi hết thời hiệu. Quy định này khiến người quản lý di sản có thể yên tâm trong việc khai thác, gia tăng giá trị di sản vì họ biết mốc thời gian cụ thể khi nào, trường hợp nào tài sản này có thể thuộc sở hữu của mình => đảm bảo quyền lợi cho người quản lý di sản, ghi nhận công sức đóng góp vào di sản của người quản lý di sản.

Việc các nhà làm luật mở rộng khoảng thời gian về thời hiệu là 30 năm đối với bất động sản là để phù hợp, thống nhất với quy định tại Điều 236 BLDS 2015 (về xác lập quyền sở hữu theo thời hiệu do chiếm hữu không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình, liên tục và công khai) thì thời hiệu xác lập quyền sở hữu đối với BĐS cũng là 30 năm, động sản là 10 năm.

Ngoài ra, xét trên thực tế có rất nhiều trường hợp người thừa kế đi làm ăn xa nhà, xa quê hương nhiều năm trời đến khi quay về nhận thừa kế của người thân cũng phải hàng bao nhiêu năm, thêm nữa bất động sản là tài sản có giá trị lớn, có ý nghĩa với họ vì vậy, quy định khoảng thời gian 30 năm để yêu cầu phân chia di sản đối với bất động sản là phù hợp với thực tiễn, giúp bảo vệ được tối đa quyền của người thừa kế, giúp họ được nhận lại di sản của những người ruột thịt nhất để tiếp tục giữ gìn và sử dụng.

Kết luận lại, việc sửa đổi này của BLDS 2015 vừa bảo vệ quyền sở hữu của người thừa kế vừa phát huy vai trò của những người không phải là chủ sở hữu trong việc tận dụng, khai thác giá trị di sản. Điểm mới quan trọng nhất trong pháp lý mới của luật Dân Sự quy định trên là ghi nhận vai trò của người thừa kế đang quản lý di sản; việc khai thác, sử dụng di sản của người chiếm hữu ngay tình, liên tục, công khai theo quy định của pháp luật. Quy định này có ý nghĩa và phù hợp từ góc độ pháp lý đến góc độ thực tiễn. Việc họ khai thác, sử dụng, quản lý di sản trong thời gian 30 năm phải được ghi nhận địa vị pháp lý với tư cách là chủ sở hữu tài sản đó.

* Hạn chế:

Chưa có sự thống nhất giữa khoản 1 và khoản 2 Điều 623 BLDS 2015. Trong khi khoản 1 thời hiệu yêu cầu phân chia di sản BĐS là 30 năm, động sản là 10 năm thì khoản 2 lại quy định thời hiệu để người thừa kế yêu cầu xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là 10 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.

Đặt ra trường hợp, nếu một người con ngoài giá thú sau 20 năm kể từ thời điểm mở thừa kế, mới yêu cầu Tòa xác nhận quyền thừa kế của mình đối với BĐS của cha đẻ. Điều này sẽ dẫn đến tình trạng thời hiệu yêu cầu phân chia di sản thừa kế vẫn còn nhưng thời hiệu để yêu cầu xác nhận quyền thừa kế thì đã hết. Vì không thể xác nhận quyền thừa kế nên người con đó cũng không thể yêu cầu chia thừa kế. Vậy nên việc đặt ra thời hiệu yêu cầu phân chia di sản dài hơn trong trường hợp này cũng không có ý nghĩa gì đối với họ. Đối với những đối tượng này nếu trong 10 năm họ không thực hiện quyền yêu cầu xác nhận quyền thừa kế của mình thì họ sẽ mất luôn quyền yêu cầu phân chia di sản dù thời hiệu vẫn còn đối với BĐS.

VI. Người làm chứng cho việc lập di chúc

Điều 632 BLDS 2015 giữ nguyên tinh thần của Điều 654 BLDS 2005 về những người không được làm chứng cho việc lập di chúc. Tuy nhiên, để phù hợp với Điều 23 BLDS 2015, Điều 632 BLDS 2015 đã bổ sung thêm người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi cũng không được làm chứng cho việc lập di chúc. Cụ thể, những người không được làm chứng cho việc lập di chúc theo BLDS 2015 gồm:

– Người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật;

– Người có quyền, nghĩa vụ tài sản liên quan tới nội dung di chúc;

– Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.

Vì những người có khó khăn về nhận thức, làm chủ hành vi thì không thể nhận thức đầy đủ hành vi và hậu quả pháp lý về hành vi của mình và của người khác, cho nên không thể là người làm chứng trong việc lập di chúc.

* Ý nghĩa:

Thống nhất với các quy định khác và liệt kê đầy đủ hơn những đối tượng không thể làm chứng, hạn chế tranh chấp trên thực tế và nhằm bảo đảm được tốt hơn quyền lợi của những người có liên quan.

VII. Di chúc chung của vợ chồng

So với BLDS 2005, BLDS 2015 đã bỏ các quy định về: di chúc chung của vợ chồng; sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc chung của vợ, chồng; hiệu lực pháp luật của di chúc chung của vợ, chồng đã được quy định trong BLDS 2005.

– Điều 668 BLDS 2005 quy định: “Di chúc chung của vợ, chồng có hiệu lực từ thời điểm người sau cùng chết hoặc tại thời điểm vợ, chồng cùng chết”. Với quy định này, quyền và lợi ích của người thừa kế khác ngoài vợ hoặc chồng của người chết và những người có liên quan đến di sản thừa kế có thể bị ảnh hưởng. Đặt ra trường hợp, người còn lại có thể sống lâu hơn những người thừa kế khác hoặc thậm chí vượt qua các khoảng thời hiệu mà Nhà nước cho phép các chủ thể trong quan hệ thừa kế khởi kiện bảo đảm quyền và lợi ích của mình đối với di sản thừa kế. Trong cả khoảng thời gian đó, di sản được quản lý bởi người vợ hoặc chồng còn sống có thể bị/được khai thác, sử dụng để hưởng những lợi ích nhất định từ khối di sản đó (cố tình sử dụng hết vì mục đích cá nhân, đến thời điểm phân chia di sản thì không còn di sản). Tất cả những điều này ít nhiều ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của (những) người thừa kế trong di chúc. Như vậy, rõ ràng tính hiệu quả và phù hợp trong việc khai thác, sử dụng di sản của người thừa kế sẽ không triệt để.

– Mục đích lớn nhất khi quy định về di chúc chung của vợ chồng là bảo đảm di sản thừa kế luôn có sự thống nhất ý chí của vợ chồng khi định đoạt khối tài sản thuộc sở hữu chung. Tuy nhiên, khi pháp luật ghi nhận “Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết”, điều này có nghĩa là trong trường hợp vợ, chồng cùng có nguyện vọng chuyển tài sản của mình cho người thừa kế thì họ hoàn toàn có quyền lập di chúc riêng của mình để cùng định đoạt điều đó. Rõ ràng việc này vẫn đạt được mong muốn của người để lại di sản.

Trên thực tế, việc thực thi quy định về di chúc chung của vợ chồng gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích chính đáng của những người thừa kế và có thể “làm chậm” thời điểm mở thừa kế, thời điểm phân chia di sản không đúng với nguyên lý về thừa kế. BLDS 2015 có sửa đổi theo hướng không quy định di chúc chung của vợ chồng, nhưng cũng không cấm vợ chồng hay một nhóm cá nhân có di chúc chung. Như vậy, trường hợp, vợ chồng cùng lập di chúc chung thì áp dụng nguyên tắc chung về di chúc để xác định hiệu lực của di chúc. Theo đó, di chúc chung của vợ chồng vẫn được công nhận nếu đảm bảo các điều kiện di chúc hợp pháp và điều kiện về hình thức của di chúc được quy định tại BLDS. Về thời điểm có hiệu lực của di chúc, trường hợp một bên vợ hoặc chồng lập di chúc chung chết trước thì phần di chúc của người đó có hiệu lực từ thời điểm người đó chết – thời điểm mở thừa kế.

* Ý nghĩa:

Quy định về di chúc chung của vợ chồng không được ghi nhận tại BLDS 2015 là một điểm mới mang tính đột phá. Một mặt, khắc phục được những bất cập của BLDS 2005, mặt khác đơn giản hóa quá trình lập di chúc của người để lại di sản, phân chia và hưởng di sản thừa kế của người thừa kế và của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

VIII. Di chúc bị thất lạc, hư hại

Điều 666 BLDS 2005 mới chỉ quy định hướng giải quyết đối với hai trường hợp:

– Kể từ thời điểm mở thừa kế, nếu di chúc bị thất lạc hoặc hư hải đến nỗi không thể hiện được chính xác ý nguyện của người lập di chúc thì coi như không có di chúc và áp dụng chia thừa kế theo pháp luật.

– Di sản chưa chia mà tìm thấy di chúc thì di sản được chia theo di chúc.

Mà chưa đề cập đến trường hợp di sản thừa kế đã được chia nhưng sau đó tìm thấy di chúc thì giải quyết thế nào?

Đến BLDS 2015, ngoài hai trường hợp giống như trên, kế thừa từ BLDS 2005 thì Điều 642 BLDS 2015 còn bổ sung thêm pháp lý mới của luật Dân Sự quy định tại khoản 3 về việc giải quyết di sản đã chia sau đó mới tìm thấy di chúc cụ thể như sau: “trong thời hiệu yêu cầu chia di sản, trường hợp di sản đã chia mà tìm thấy di chúc thì phải chia lại theo di chúc nếu người thừa kế theo di chúc yêu cầu”. Những người thừa kế đã nhận di sản thì phải hoàn trả lại phần di sản mà người thừa kế theo di chúc được hưởng.

* Ý nghĩa:

Khi BLDS 2005 có hiệu lực thi hành, nhiều trường hợp xảy ra trên thực tế đó là tại thời điểm người để lại di sản chết không tìm thấy di chúc vì nhiều lý do (có trường hợp có người cố ý giấu bản di chúc đi) nên đã chia di sản theo pháp luật. Tuy nhiên, sau đó có thể vài tháng, vài năm (vẫn đang trong thời hiệu yêu cầu chia thừa kế) bản di chúc được tìm thấy hoặc phát hiện ra, sau đó đã xảy ra tranh chấp giữa những người thừa kế: người thì không công nhận bản di chúc đó vì thực tế đã chia di sản theo pháp luật xong xuôi rồi nên bản di chúc đó không còn giá trị, ngoài ra cũng có người nghi ngờ tính chính xác của bản di chúc đó (nghi có thể đó là giả mạo vì sau bao nhiêu năm mới tìm thấy), cũng có người thừa kế yêu cầu phải phân chia theo bản di chúc đó vì bản di chúc đó không thuộc trường hợp di chúc không hợp pháp hay di chúc không có hiệu lực, vì thế vẫn phải tôn trọng ý chí của người để lại di sản mà chia di sản theo di chúc. Từ tranh chấp này, những người thừa kế đã nộp đơn đến Tòa yêu cầu giải quyết. Tuy nhiên, các Tòa cũng lúng túng trong việc áp dụng vì không có điều luật điều chỉnh trường hợp này, hoặc cũng có Tòa từ chối thụ lý vụ án này vì lý do luật chưa quy định đối với trường hợp này dẫn đến việc mâu thuẫn vẫn cứ phát sinh và tranh chấp cứ kéo dài không được giải quyết làm ảnh hưởng đến trật tự xã hội.

BLDS 2015 với quy định mới này ra đời như tháo gỡ được vướng mắc cho việc áp dụng pháp luật, giảm thiểu được mâu thuẫn và giúp việc giải quyết các tranh chấp được dễ dàng và rõ ràng hơn.

IX. Giải thích nội dung di chúc

Điều 673 BLDS 2005 quy định trường hợp di chúc không rõ ràng dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau và những người thừa kế không nhất trí về cách hiểu nội dung di chúc thì coi như không có di chúc và việc chia di sản được áp dụng theo quy định về thừa kế theo pháp luật.

Điều 648 BLDS 2015 đã sửa đổi quy định trên của BLDS 2005 theo hướng: trường hợp những người thừa kế không nhất trí về cách hiểu nội dung di chúc thì có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết. Việc sửa đổi này xuất phát từ nguyên tắc ý chí của người để lại di sản luôn được tôn trọng, không thể vì lý do không giải thích được di chúc mà phủ nhận ý chí của họ, coi như không có di chúc và chia theo pháp luật.

Tuy nhiên, trên thực tế giải quyết thì cách hiểu, quan điểm của Tòa án chưa chắc đã thực sự đúng với ý chí của của người để lại di sản. Việc hiểu và giải thích nội dung của di chúc còn tùy thuộc vào quan điểm, những đánh giá, nhận định cá nhân của từng Thẩm phán giải quyết.

* Ý nghĩa:

Đây là điểm mới rất có ý nghĩa trên thực tế. Phần lớn các tranh chấp về thừa kế xảy ra là do những người thừa kế không thống nhất được cách hiểu chung đối với di chúc, mỗi người có một quan điểm, cách hiểu khác nhau dẫn đến mâu thuẫn, xung đột. Khi đó, nếu áp dụng theo quy định BLDS 2005 thì coi như không có di chúc và chia thừa kế theo pháp luật. Như vậy, ý chí của người lập di chúc đã không được tôn trọng và tuân theo. Chưa kể đến đối với (những) người thừa kế hàng thứ nhất vì muốn loại những người thừa kế khác (người thừa kế mà họ sẽ không được hưởng thừa kế nếu chia theo pháp luật) mà cố ý tạo ra sự mâu thuẫn, áp dụng điều này để việc phân chia di sản không tuân theo di chúc nữa. Hoặc trường hợp những người thừa kế mà phần hưởng thừa kế của họ ít hơn những người còn lại thì họ cũng sẽ lợi dụng điều này để được chia đều theo pháp luật.

X. Hạn chế phân chia di sản

Điều 686 BLDS 2005 quy định trường hợp yêu cầu chia di sản thừa kế mà việc chia di sản ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của bên vợ hoặc chồng còn sống và gia đình thì bên còn sống có quyền yêu cầu Tòa án xác định phần di sản mà những người thừa kế được hưởng nhưng chưa cho chia di sản trong thời hạn không quá 03 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế; nếu hết thời hạn do Tòa án xác định hoặc bên còn sống đã kết hôn với người khác thì những người thừa kế khác có quyền yêu cầu Tòa án cho chia di sản thừa kế.

Giữ nguyên tinh thần của Điều 686 BLDS 2005 nhưng với tư tưởng nhân đạo, bảo vệ bên còn sống vẫn đang gặp khó khăn, Điều 661 BLDS 2015 đã bổ sung: “hết thời hạn 03 năm mà bên còn sống chứng minh được việc chia di sản vẫn ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của gia đình họ thì có quyền yêu cầu Tòa án gia hạn một lần nhưng không quá 03 năm”.

Ngoài ra, Điều 686 cũng không còn quy định việc “bên còn sống kết hôn” là căn cứ để những người thừa kế có quyền yêu cầu Tòa án cho chia di sản thừa kế nữa. Như vậy, với quy định mới của BLDS 2015 thì dù bên vợ hoặc chồng còn sống đã kết hôn nhưng vẫn gặp khó khăn thì họ vẫn có thể yêu cầu hoặc tiếp tục thực hiện yêu cầu chưa chia di sản và việc bên còn sống kết hôn không phải là căn cứ để để chấm dứt yêu cầu này và phát sinh quyền yêu cầu chia di sản của những người thừa kế.

* Ý nghĩa:

Điểm mới này có ý nghĩa rất lớn trên thực tế. Mục đích, ý nghĩa của quy định này một phần là hướng đến việc giúp đỡ vợ hoặc chồng của người để lại di sản gặp khó khăn. Quy định mới của BLDS 2015 đã tối đa hóa được mục đích nhân đạo này và chỉ xem xét, căn cứ vào bên vợ hoặc chồng của người để lại di sản còn khó khăn hay không vì cốt lõi là giúp họ ổn định cuộc sống bình thường, chứ không xem xét đến tình trạng hôn nhân của họ (vì dù kết hôn bên còn sống vẫn có thể gặp khó khăn).

Bổ sung quy định về việc gia hạn cũng vậy, cũng để bảo đảm tối đa quyền lợi của bên vợ hoặc chồng còn sống, nhất là khi họ gặp khó khăn sau cái chết của người vợ hoặc chồng.

Mọi thông tin hồ sơ giấy tờ vui lòng gửi về văn phòng công ty luật MULTI LAW tại Hà Nội.
Bạn hãy nhấc máy và gọi điện đến 0946220880 hoặc 0989082888 . chúng tôi sẽ giúp bạn giải quyết các vấn đề và thủ tục mà bạn đang gặp phải. Với đội ngũ luật sư giỏi, uy tín và chuyên nghiệp bởi đoàn Luật Sư Tp. Hà Nội.
----------------------------------------
CÔNG TY LUẬT MULTI LAW
Trụ sở 1: Tầng 5, Số 1, Phố Đỗ Hành, phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.
Hotline: 0946220880
Email: [email protected]
Xem thêm: thủ tục ly hôn, ly hôn trọn gói, Ly hôn đơn phương trọn gói, Ly hôn thuận tình trọn gói, Ly hôn có yếu tố nước ngoài, Tranh chấp tài sản khi ly hôn, Tranh chấp tài sản khi ly hôn, công ty luật uy tín tại Hà Nội.

thiết kế website bởi Công Ty TNHH Công Nghệ VNBack.