I. Sinh con trước khi kết hôn thì khi làm giấy khai sinh cho con có bị phạt không?
1. Kết hôn và trường hợp đăng ký kết hôn
Theo quy định tại khoản 5 Điều 3 Luật hôn nhân và gia đình 2014, Kết hôn là việc nam và nữ xác lập quan hệ vợ chồng với nhau theo quy định của Luật này về điều kiện kết hôn và đăng ký kết hôn.
Như vậy, kết hôn là sự kiện pháp lý làm phát sinh quan hệ hôn nhân. Khi kết hôn, các bên nam nữ phải tuân thủ đầy đủ các điều kiện kết hôn được Luật hôn nhân và gia đình quy định và phải đăng ký kết hôn tại cơ quan đăng ký kết hôn có thẩm quyền thì việc kết hôn đó mới được công nhận là hợp pháp và giữa các bên nam nữ mới phát sinh quan hệ vợ chồng trước pháp luật.
Điều kiện kết hôn là điều kiện do pháp luật quy định mà các bên nam, nữ cần phải có mới có quyền được kết hôn. Điều 8 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định nam, nữ kết hôn với nhau phải tuân theo các điều kiện sau đây:
– Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên;
– Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định;
– Không bị mất năng lực hành vi dân sự;
– Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn như sau:
+ Kết hôn giả tạo, ly hôn giả tạo;
+ Tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn, cản trở kết hôn;
+ Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ;
+ Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng;
Hiện nay ở nước ta có một điểm cần lưu ý là: Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính.
2. Trường hợp cấm để bảo vệ chế độ hôn nhân và gia đình
Quan hệ hôn nhân và gia đình được xác lập, thực hiện theo quy định của Luật này được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ.
Cấm các hành vi sau đây:
a) Kết hôn giả tạo, ly hôn giả tạo;
b) Tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn, cản trở kết hôn;
c) Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ;
d) Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng;
đ) Yêu sách của cải trong kết hôn;
e) Cưỡng ép ly hôn, lừa dối ly hôn, cản trở ly hôn;
g) Thực hiện sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản vì mục đích thương mại, mang thai hộ vì mục đích thương mại, lựa chọn giới tính thai nhi, sinh sản vô tính;
h) Bạo lực gia đình;
i) Lợi dụng việc thực hiện quyền về hôn nhân và gia đình để mua bán người, bóc lột sức lao động, xâm phạm tình dục hoặc có hành vi khác nhằm mục đích trục lợi.
Mọi hành vi vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình phải được xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền yêu cầu Tòa án, cơ quan khác có thẩm quyền áp dụng biện pháp kịp thời ngăn chặn và xử lý người có hành vi vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình.
Danh dự, nhân phẩm, uy tín, bí mật đời tư và các quyền riêng tư khác của các bên được tôn trọng, bảo vệ trong quá trình giải quyết vụ việc về hôn nhân và gia đình.
II. Sinh con trước khi kết hôn có bị phạt không?
Căn cứ theo quy định tại điều 13 Thông tư 15/2015/TT-BTP thì trong trường hợp con được sinh ra trước thời điểm đăng ký kết hôn, chưa được đăng ký khai sinh mà khi đăng ký khai sinh, vợ chồng có văn bản thừa nhận là con chung thì thông tin về người cha được ghi ngay vào Giấy khai sinh của người con mà không phải làm thủ tục đăng ký nhận cha, mẹ, con.
Điều 13. Hướng dẫn đăng ký nhận cha, mẹ, con, bổ sung hộ tịch trong một số trường hợp đặc biệt
1. Trường hợp nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng, không đăng ký kết hôn, sinh con, người con sống cùng với người cha, khi người cha làm thủ tục nhận con mà không liên hệ được với người mẹ thì không cần có ý kiến của người mẹ trong Tờ khai đăng ký nhận cha, mẹ, con.
Nếu có Giấy chứng sinh và giấy tờ tuỳ thân của người mẹ thì phần khai về người mẹ được ghi theo Giấy chứng sinh và giấy tờ tuỳ thân của người mẹ. Nếu không có Giấy chứng sinh và giấy tờ tuỳ thân của người mẹ thì ghi theo thông tin do người cha cung cấp, người cha chịu trách nhiệm về thông tin do mình cung cấp.
2. Trường hợp con do người vợ sinh ra trước thời điểm đăng ký kết hôn, đã được đăng ký khai sinh không có thông tin về người cha, vợ chồng có văn bản thừa nhận là con chung thì không phải làm thủ tục đăng ký nhận cha, mẹ, con mà làm thủ tục bổ sung hộ tịch để ghi bổ sung thông tin về người cha trong Sổ đăng ký khai sinh và Giấy khai sinh của người con.
3. Trường hợp con do người vợ sinh ra trước thời điểm đăng ký kết hôn, chưa được đăng ký khai sinh mà khi đăng ký khai sinh, vợ chồng có văn bản thừa nhận là con chung thì thông tin về người cha được ghi ngay vào Giấy khai sinh của người con mà không phải làm thủ tục đăng ký nhận cha, mẹ, con.
Cơ quan đăng ký hộ tịch có trách nhiệm giải thích rõ về trách nhiệm, hệ quả pháp lý của việc cung cấp thông tin về người mẹ tại khoản 1 Điều này, lập văn bản thừa nhận con chung tại khoản 2, khoản 3 Điều này không đúng sự thật.
Cơ quan đăng ký hộ tịch từ chối giải quyết theo quy định tại Điều 5 của Thông tư này hoặc hủy bỏ kết quả đăng ký hộ tịch, nếu có cơ sở xác định các thông tin cung cấp cho cơ quan đăng ký hộ tịch không đúng sự thật.
Như vậy, theo quy định trên thì hiện nay pháp luật nước ta cho phép được ghi tên cả bố và mẹ vào giấy khai sinh của con được sinh ra trước khi đăng ký kết hôn, theo đó, pháp luật chưa có quy định về việc xử phạt đối với hành vi này. Do đó, đối với trường hợp của bạn thì chồng bạn sẽ không bị xử phạt theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, căn cứ theo quy định tại điều 15 Luật hộ tịch 2014 thì trách nhiệm của bố, mẹ là phải đăng ký khai sinh cho con trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày sinh con. Nếu khai sinh muộn cho con thì vợ, chồng bạn sẽ bị phạt cảnh cáo theo quy định tại điều 27 Nghị định 110/2013/NĐ-CP. Cụ thể:
Điều 27. Hành vi vi phạm quy định về đăng ký khai sinh
1. Cảnh cáo đối với người có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho trẻ em mà không thực hiện việc đăng ký đúng thời hạn quy định.
2. Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi sửa chữa, tẩy xóa, làm sai lệch nội dung giấy tờ do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp để làm thủ tục đăng ký khai sinh.
3. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Làm chứng sai sự thật về việc sinh;
b) Cố ý khai không đúng sự thật về nội dung khai sinh;
c) Sử dụng giấy tờ giả để làm thủ tục đăng ký khai sinh.
4. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi làm giả giấy tờ để làm thủ tục đăng ký khai sinh.
5. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Hủy bỏ giấy tờ giả đối với hành vi quy định tại Điểm c Khoản 3, Khoản 4 Điều này.
III. Hồ sơ và thủ tục đăng ký khai sinh cho con
1. Hồ sơ
Hồ sơ để thực hiện thủ tục làm giấy khai sinh cho con gồm có:
– Tờ khai theo mẫu;
– Giấy chứng sinh. Nếu không có giấy chứng sinh thì cần nộp văn bản của người làm chứng xác nhận. Trong trường hợp không có người làm chứng thì có giấy cam đoan về việc sinh của trẻ;
Trường hợp khai sinh cho trẻ em mồ côi, cần có biên bản xác nhận do chính cơ quan có thẩm quyền lập. Trường hợp khai sinh cho trẻ sinh ra do mang thai hộ thì phải có văn bản chứng minh về việc mang thai hộ;
– Người đi khai sinh cho trẻ phải xuất trình được giấy tờ tùy thân, sổ hộ khẩu/sổ tạm trú, chứng nhận đăng ký kết hôn của cha mẹ trẻ (nếu có).
– Người thực hiện thủ tục làm giấy khai sinh xuất trình bản chính của một trong những giấy tờ tùy thân sau:
+ Thông tin cá nhân do chính cơ quan có thẩm quyền cấp, còn giá trị sử dụng;
+ Sổ Hộ khẩu;
+ Hộ chiếu, CMND/CCCD hoặc giấy tờ khác có dán ảnh;
+ Giấy đăng ký tạm trú có thời hạn của cha và mẹ trẻ; hoặc giấy chứng nhận nhân khẩu tập thể;
+ Giấy chứng nhận kết hôn (nếu cha, mẹ của trẻ đã đăng ký kết hôn).
2. Thủ tục làm giấy khai sinh
Bước 1: Nộp và xuất trình hồ sơ tại UBND cấp xã nơi cư trú
Nếu cha, mẹ không có hộ khẩu thường trú thì UBND cấp xã nơi mẹ, cha đăng ký tạm trú thực hiện việc đăng ký khai sinh cho trẻ.
Nếu người cha hoặc mẹ đăng ký thường trú ở nơi khác nhưng đang sinh sống, làm việc ổn định ở nơi khác (nơi đăng ký tạm trú), thì UBND cấp xã nơi đó cũng có quyền đăng ký khai sinh cho trẻ.
Trong trường hợp trẻ em được sinh ra tại Việt Nam mà cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam còn người kia là người nước ngoài. Hoặc người không quốc tịch, cha và mẹ là công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài thì cần nộp giấy tờ đăng ký khai sinh tại UBND cấp huyện, nơi cư trú của người cha hoặc người mẹ.
Trường hợp không xác định được nơi cư trú của cha, mẹ thì nộp hồ sơ tại UBND cấp xã, nơi trẻ đang sinh sống trên thực tế.
Bước 2: Tiếp nhận hồ sơ đăng ký khai sinh
Công chức tư pháp – hộ tịch và người đi đăng ký khai sinh cùng ký họ tên vào Sổ hộ tịch.
Sau khi nhận và kiểm tra những giấy tờ trên. Nếu thấy thông tin khai sinh phù hợp và đầy đủ, công chức tư pháp – hộ tịch ghi nội dung khai sinh vào Sổ hộ tịch. Và trình lên Chủ tịch UBND cấp xã ký vào bản chính Giấy khai sinh.
Giấy khai sinh chỉ được cấp một bản chính. Bản sao Giấy khai sinh được cấp theo yêu cầu của người đi khai sinh.