Thời hạn giải quyết tranh chấp đất đai tại tòa án có thể bị kéo dài vì nhiều lý do khác nhau. Điều này gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Có những trường hợp thẩm phán cố tình kéo dài thời gian xử lý vụ án thì chúng ta có thể khiếu nại, tố cáo hành vi trái pháp luật đó.
Điều kiện khởi kiện tranh chấp đất đai
Khi khởi kiện vụ án tranh chấp đất đai chúng ta cần quan tâm đến các vấn đề sau:
Đối với tranh chấp đất đai thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện theo quy định tại Điều 155 BLDS 2015. Nên chúng ta không cần quá lo lắng khi tranh chấp đã xảy ra quá lâu và hết thời hiệu khởi kiện.
Điều kiện về chủ thể khởi kiện phải đáp ứng theo quy định về quyền khởi kiện, năng lực hành vi Tố Tụng Dân sự.
Vụ án chưa được giải quyết bằng một bán án có hiệu lực pháp luật
Vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án
Đối với những tranh chấp liên quan đến quyền sử dụng đất thì phải tiến hành hòa giải theo quy định tại Nghị quyết 04/2017/NQ-HĐTP.
Khi đáp ứng đủ các điều kiện trên chúng ta có thể khởi kiện yêu cầu tòa án giải quyết tranh chấp đất đai.
Trình tự thủ tục khởi kiện giải quyết tranh chấp đất đai
Về trình tự khởi kiện tranh chấp đất đai nói riêng cũng như tranh chấp dân sự nói chung thì phải tuân thủ trình tự được quy định tại BLTTDS 2015:
Nộp đơn khởi kiện, thụ lý vụ án
Người khởi kiện làm đơn khởi kiện với nội dung theo quy định tại điều 189 BLTTDS. Trực tiếp nộp hoặc ủy quyền cho người khác nộp tại Tòa án có thẩm quyền giải quyết.
Sau khi nhận đơn khởi kiện và chứng cứ kèm theo, Tòa án xác định đã đầy đủ hồ sơ theo quy định và thuộc thẩm quyền giải quyết của mình thì Tòa án tiến hành thủ tục thụ lý lý. Tòa thông báo cho người khởi kiện đóng tạm ứng án phí.
Theo quy định tại Điều 195 BLTTDS, trong thời hạn 7 ngày kể từ lúc nhận được thông báo đóng tạm ứng án phí, người khởi kiện phải tiến hành đóng tạm ứng án phí tại Chi cục thi hành án Dân sự và nộp lại biên lai cho tòa án. Sau đó tòa án tiến hành thụ lý vụ án theo đúng quy định. Quy trình này diễn ra trong khoảng thời gian khoảng 15 ngày làm việc
Chuẩn bị xét xử vụ án tranh chấp đất đai
Sau khi vụ án được thụ thụ lý, tòa án tiền hành chuẩn bị xét xử. Trong giai đoạn này, Tòa có thể thực hiện các thủ tục thu thập chứng cứ như:
Thẩm định tại chỗ;
Định giá tài sản;
Đo vẽ lại mảnh đất tranh chấp…
Theo quy định tại điểm a Khoản 1 Điều 203 BLTTDS 2015: thời hạn giải quyết vụ án tranh chấp đất đai là 4 tháng kể từ ngày thụ lý vụ án. Đối với vụ án có tính chất phức tạp hoặc do sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan thì Chánh án Tòa án có thể quyết định gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử nhưng không quá 02 tháng.
Trong thời gian chuẩn bị xét xử, Tòa án có thể ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án để tiến hành thu thập tài liệu chứng cứ. Pháp luật hiện hành chưa có quy định cụ thể về thời hạn tạm đình chỉ giải quyết vụ án để thực hiện các thủ tục tố tụng khác phục vụ cho việc giải quyết vụ án.
Điều này gây ra hậu quả vụ án kéo dài, một số cá nhân lợi dụng vào đó để trục lợi, tác động vào quá trình giải quyết gây mất sự minh bạch, công bằng.
Đối với những vụ án thông thường, giải quyết đúng theo thời hạn pháp luật quy định mà không bị tạm đình chỉ, Tòa án ban hành quyết định đưa vụ án ra xét xử theo quy định tại Điều 220 BLTTDS. Trong thời hạn 1 tháng sau khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử, Tòa án phải mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án tranh chấp đất đai theo quy định.
Tùy vào từng vụ án với mức độ phức tạp khác nhau cũng gây ảnh hưởng tới thời gian giải quyết tranh chấp. Quy định là vậy nhưng trên thực tế có những vụ án kéo dài hàng năm mới giải quyết xong.
Giai đoạn xét xử vụ án sơ thẩm.
Trong giai xét xử, Thẩm phán có thể ra quyết định hoãn phiên tòa vì những lý do như:
- Thay đổi HĐXX, đại diện Viện kiểm sát, người giám định;
- Vắng mặt đương sự sau khi được triệu tập lần 2;
- Vắng mặt người làm chứng, người giám định;
- Vì lý do bất khả kháng
Theo quy định tại Điều 233 BLTTDS 2015, thời gian hoãn phiên tòa không được quá 1 tháng phải tiến hành xét xử lại.
Giai đoạn phúc thẩm
Thời hạn kháng cáo là 15 ngày kể từ ngày đương sự nhận được bản án. Sau khi xem xét và chấp nhận kháng cáo, tòa án tiến hành chuẩn bị xét xử phúc thẩm. Thời hạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm theo quy định tại (Điều 286 BLTTDS) là 2 tháng và có thể bị gia hạn thêm hai tháng.
Như phiên tòa sơ thẩm, tòa án có thể có quyết định đưa vụ án ra xét xử hoặc đình chỉ, tạm đình chỉ giải quyết vụ án. Thời hạn thực hiện các thủ tục trên cũng giống như giai đoạn xét xử sơ thẩm.
Khi tiến hành xét xử, tòa án vẫn có thể tiếp tục hoãn phiên tòa vì các lý do quy định tại Điều 296 BLTTDS, thời hạn hoãn xác định như giai đoạn sơ thẩm.
Như vậy, thời gian giải quyết vụ án tranh chấp đất đai kể từ thời điểm nộp đơn khởi kiện đến thời điểm có bản án sơ thẩm khoảng 6 tháng đối với những vụ án không bị Tòa án Tạm đình chỉ, có nhiều tình tiết phức tạp theo quy định. Còn đối với những vụ án phức tạp, trải qua cả thủ tục phúc thẩm thì thời gian có thể lên tới vài năm là chuyện hết sức bình thường.
Hướng giải quyết khi tòa án kéo dài thời gian xử lý vụ án trái luật.
Trong nhiều trường hợp, những yêu cầu của tòa như sửa đổi bổ sung đơn khởi kiện, trả lại đơn khởi kiện hay những quyết định khác có liên quan dẫn đến việc vụ án bị kéo dài mà không phù hợp với quy định của pháp luật.
Trong những trường hợp đó, người khởi kiện có quyền khiếu nại quyết định của Tòa án. Căn cứ quy định tại (Điều 194 BLTTDS 2015), người khởi kiện có quyền khiếu nại lên Chánh án tòa án đang giải quyết vụ án trong thời hạn 10 ngày kể từ lúc nhận được đơn khởi kiện.
Trong trường hợp khiếu nại không được giải quyết thì chúng ta tiến hành khiếu nại lần 2 lên Chánh án Tòa án cấp trên trực tiếp theo quy định.
Bên cạnh đó, với những trường hợp có hành vi xâm phạm nghiêm trọng đến hoạt động tố tụng từ những người tiến hành tố tụng gây cản trở việc giải quyết tranh chấp thì chúng ta có thể tố cáo hành vi đó.