Quyết định ly hôn đôi khi chỉ xuất phát từ một phía là người vợ hoặc người chồng và không có sự đồng thuận từ phía còn lại. Vậy, khi chỉ có một bên muốn yêu cầu ly hôn trong khi bên còn lại không muốn thì liệu có yêu cầu Tòa giải quyết ly hôn được không?
Quyền đơn phương ly hôn được quy định ra sao?
Theo quy định của pháp luật thì người vợ hoặc người chồng đều có quyền đơn phương ly hôn (ly hôn theo yêu cầu của một bên) để yêu cầu Tòa án giải quyết, cụ thể là Tòa án nhân dân cấp huyện nơi bị đơn cư trú, làm việc có thẩm quyền giải quyết ly hôn (tham khảo Khoản 1 Điều 51 Luật hôn nhân và gia đình 2014, khoản 1, 2 Điều 35, điểm a, b khoản 1 Điều 39 Bộ luật tố tụng dân sự 2015)
Theo Điều 56 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, khi ly hôn theo yêu cầu của một bên thì Tòa án cần dựa vào một trong ba căn cứ sau đây:
- Thứ nhất, người vợ, người chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của người vợ, người chồng dẫn đến cuộc hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của cuộc hôn nhân không thể đạt được.
- Thứ hai, vợ hoặc chồng của người bị Tòa án tuyên bố mất tích yêu cầu ly hôn
- Thứ ba, đối với trường hợp có yêu cầu ly hôn do cha, mẹ, người thân thích khác yêu cầu thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc chồng, vợ có hành vi bạo lực gia đình làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của người kia
Thời điểm nào thì chấm dứt cuộc hôn nhân?
Theo quy định của pháp luật hôn nhân và gia đình thì cuộc hôn nhân giữa người vợ và người chồng được coi là chấm dứt kể từ những thời điểm sau:
- Quan hệ hôn nhân giữa người vợ và người chồng chấm dứt kể từ ngày bản án, quyết định ly hôn của Tòa án có hiệu lực pháp luật.
- Cuộc hôn nhân giữa hai vợ chồng chấm dứt kể từ thời điểm người vợ hoặc người chồng chết. Trong trường hợp Tòa án tuyên bố người vợ hoặc người chồng là đã chết thì thời điểm hôn nhân chấm dứt được xác định theo ngày chết được ghi trong bản án, quyết định của Tòa án