Lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người khác là một tội danh được quy định trong bộ luật hình sự năm 2015 (Luật hình sự sửa đổi bổ sung năm 2017). Luật sư phân tích những quy định pháp lý về tội danh này và giải đáp một số vướng mắc khác liên quan:
1. Quy định về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Điều 139 luật hình sự năm 1999 quy định về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Theo quy định trước đây, tại Điều 139 luật hình sự năm 1999 quy định:
1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ năm trăm nghìn đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới năm trăm nghìn đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Tái phạm nguy hiểm;
d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
đ) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
e) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;
g) Gây hậu quả nghiêm trọng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:
a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;
b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;
b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.
Theo điểm a, khoản 2, điều 1 luật hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2009 quy định : “Sửa đổi cụm từ “năm trăm nghìn đồng” thành cụm từ “hai triệu đồng” tại khoản 1 các điều 139”.
Theo quy định hiện nay: tại điều 174 Bộ luật hình sự năm 2015, Bộ luật hình sự sửa đổi bổ sung năm 2017 thì:
Điều 174. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản
1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;
b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
d) Tái phạm nguy hiểm;
đ) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
e) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
g) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
b) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này;
c) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này;
c) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Quy định mới của luật hình sự năm 2015 có nhiều thay đổi so với bộ luật hình sự cũ về hình phạt cũng như những tình tiết định khung về số lượng tiền lừa đảo hoặc chiếm đoạt:
PHÂN TÍCH VÀ BÌNH LUẬN KHOA HỌC VỀ TỘI DANH LỪA ĐẢO CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN:
Khái niệm: Lừa đảo chiếm đoạt tài sản được hiểu là hành vi dùng thủ đoạn gian dối làm cho chủ sở hữu, người quản lý tài sản tin nhầm giao tài sản cho người phạm tội để chiếm đoạt tài sản đó
1. Mặt khách quan
Mặt khách quan của tội này có các dấu hiệu sau:
a) Về hành vi: Có hành vi dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản
– Dùng thủ đoạn gian dối là đưa ra thông tin giả (không đúng sự thật) nhưng làm cho người khác tin đó là thật và giao tài sản cho người phạm tội. Việc đưa ra thông tin giả có thể bằng nhiều cách khác nhau như bằng lời nói, bằng chữ viết (viết thư), bằng hành động … (ví dụ: kẻ phạm tội nói là mượn xe đi chợ nhưng sau khi lấy được xe đem bán lấy tiền tiêu xài không trả xe cho chủ sở hữu) và bằng nhiều hình thức khác như giả vờ vay, mượn, thuê để chiếm đoạt tài sản
– Chiếm đoạt tài sản, được hiểu là hành vi chuyển dịch một cách trái pháp luật tài sản của người khác thành của mình. Đặc điểm của việc chiếm đoạt này là nó gắn liền và có mối quan hệ nhân quả với hành vi dùng thủ đoạn gian dối.
Như vậy, có thể phân biệt với những trường hợp dùng thủ đoạn gian dối khác, chẳng hạn dùng thủ đoạn cân, đong, đo đếm gian dối nhằm ăn gian, bớt của khách hàng hoặc để bán hàng giả để thu lợi bất chính thì không cấu thành tội này mà cấu thành tội lừa dối khách hàng hoặc tội buôn bán hàng giả.
Lưu ý: thời điểm hoàn thành tội phạm này được xác định từ lúc kẻ phạm tội đã chiếm giữ được tài sản sau khi đã dùng thủ đoạn gian dối để làm cho người chủ sở hữu tài sản hoặc người quản lý tài sản bị mắc lừa gia tài sản cho kẻ phạm tội hoặc không nhận tài sản đáng lẽ phải nhận.
– Dấu hiệu bắt buộc của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là người phạm tội sử dụng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản. Nếu có hành vi gian dối mà không có hành vi chiếm đoạt (chỉ chiếm giữ hoặc sử dụng), thì tuỳ từng trường hợp cụ thể mà người có hành vi gian dối trên bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội chiếm giữ trái phép hoặc tội sử dụng trái phép tài sản, hoặc đó chỉ là quan hệ dân sự
– Trường hợp hành vi gian dối, hay hành vi chiếm đoạt cấu thành vào một tội danh độc lập khác, thì người phạm tội không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản mà chí bị truy cứu những tội danh tương ứng đó. Ví dụ, như hành vi gian dối làm tem giả, vé giả …( Điều 164 Bộ luật hình sự), hành vi gian dối trong cân đong đo đếm, tình gian, đánh tráo hàng ( Điều 162 Bộ luật hình sự), hành vi lừa đảo chiếm đoạt chất ma tuý (Điều 194 Bộ luật hình sự), hành vi buôn bán sản xuất hàng giả là lương thực thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh (Điều 157); hành vi buôn bán sản xuất hàng giả là thức ăn chăn nuôi, phân bón thuốc thú y, bảo vệ thực vật, giống cây trồng vật nuôi (Điều 158 Bộ luật hình sự) đều có dấu hiệu gian dối.
b) Dấu hiệu khác
Về giá trị tài sản chiếm đoạt: Giá trị tài sản bị chiếm đoạt phải từ hai triệu đồng trở lên.
Nếu dưới hai triệu đồng thì phải thuộc trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bi kết án về tội chiếm đoạt tài sản chưa được xoá án tích mà còn vi phạm thì người thực hiện hành vi nêu trên mới phải chịu trách nhiệm hình sự về tội này. Đây là dấu hiệu cấu thành cơ bản của tội này.
2. Khách thể: Hành vi nêu trên xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của người khác
3. Mặt chủ quan: Người phạm tội thực hiện tội phạm này với lỗi cố ý.
Tuy nhiên cần lưu ý:
Về mặt ý chí của người phạm tội lừa đảo bao giờ cũng nảy sinh ý định chiếm đoạt tài sản trước khi thực hiện hành vi lừa đảo, đây là điểm phân biệt cấu thành tội lạm dụng tín nhiếm chiếm đoạt tài sản. Vì trong một số trường hợp phạm tội làm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản thì bao giờ ý định chiếm đoạt tài sản cũng phát sinh sau khi nhận tài sản thông qua một hình thức giao dịch nhất định.
Ý thức chiếm đoạt phải có trước thủ đoạn gian dối và hành vi chiếm đoạt tài sản. thủ đoạn gian dối bao giờ cũng phải có trước khi tiến hành giao tài sản giữa người bị hại với người phạm tội. Nếu sau khi có được tài sản hợp pháp mới phát sinh thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản thì không coi là phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản mà tuỳ từng trường hợp cụ thể người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự về những tội danh tương ứng ( như tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản)
Trân trọng./.
2. Bị lừa đảo khi nhờ xin việc giải quyết thế nào ?
Xin chào Luật sư! Em có vấn đề thắc mắc rất mong nhận được sự giải đáp như sau: Em có quen một chị, ban đầu chỉ là găp vài lần thành quen, sau đó một lần tình cờ gặp tại quán cafe và nói chuyện, chị đó biết công việc em làm không ổn định, nên bảo có thể giúp em xin vào một cơ quan nhà nước.
Sau đó, em lưỡng lự nên thôi, bẵng đi khoảng 1 tháng sau, chị ta gọi điện cho em, bảo có chỗ làm tốt, bảo em gửi hồ sơ cho chị ta và đưa trước 3 triệu để lo tiền nước, em đưa chị ta hồ sơ và tiền. Nhưng đến 2 tháng sau chị ta lại gọi bảo em chỗ đó không tốt lắm nên gửi hồ sơ vào một chỗ tốt hơn, em cũng tin. sau đó chị ta bảo em là hồ sơ đã được thẩm định, được chấp nhận rồi, chờ đi làm thôi. Chị ta bảo bây giờ đưa trước chị ta 40 triệu để lo cho người ta và ra quyết định. Em đưa chị ta 40 triệu (lúc em đưa tiền có cả chồng chị ta). Nhưng cả tháng sau không thấy gì, em gặp chị ta em hỏi, chị ta bảo để chị ta hỏi lại và trả lời liền, hai ngày sau chị ta gọi em lên và bảo công việc gần xong nhưng phải đưa thêm 10 triệu, em bảo không có tiền thì chị ta bảo chị ta cho mượn đưa người ta rồi từ từ em trả lại. Sau đó 1 tuần chị ta gọi điện bảo em đưa trả tiền chị ta vì chị ta đã lo việc cho em và đang cần tiên. Em tin tưởng chị ta vì chị này là ở chi cục thi hành án mà gia đình cũng tốt nhưng sau khi lấy đủ tiền em thì đến gần 5 tháng sau em không thấy quyết định ở đâu hết, trong thời gian này em hỏi chị ta, thì chị ta viện đủ lí do là nơi em nộp hồ sơ đang bận công việc.
Đến tháng 8/2015 em phát hiện chị ta làm hồ sơ chuyển công tác vào thành phố Hồ Chí Minh, nên em bảo chị phải trả lời dứt khoát, thì lúc này chị ta hẹn đi gặp chỗ em xin việc rồi trả lời. Hôm sau chị ta bảo em chỗ công việc đó không xong rồi, và chị ta hứa sẽ trả tiền lại cho em. Tuy nhiên từ tháng 9/2016 đến nay, em bảo chị ta trả tiền cho em thì chị ta cứ hẹn lần lữa hết lần này đến lần khác, có khi còn bảo chồng gọi để hẹn nợ. Em uất quá, giờ em đang cần tiền gọi chị ta trả thì chị ta không nghe máy, nhắn tin không trả lời? Theo luật sư, những hành vi trên của chị ta có cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản hay không?
– Nếu bây giờ em muốn khởi kiện chị ta thì cần những thủ tục gì? Em có lưu những đoạn tin nhắn trao đổi đòi tiền qua lại giữa em và chị ta, cũng như một đoạn ghi âm.
Rất mong nhận được sự tư vấn. Em xin cảm ơn!
Trả lời
Theo thông tin bạn cung cấp thì bạn đã đưa cho người khác tổng số tiền là 43 triệu đồng để nhờ xin việc.Tuy nhiên thì sau một quãng thời gian dài bạn vẫn không có kết quả và người này có dấu hiệu không trả lại tiền cho bạn. Với trường hợp của bạn, chúng tôi tư vấn cho bạn hai khả năng như sau:
– Nếu khi đưa tiền, bạn và người này kí với nhau hợp đồng vay tài sản thì hợp đồng này sẽ bị tuyên bố vô hiệu. Như vậy, theo quy định tại khoản 2 Điều 137 , Bộ luật dân sự 2005 thì các bên phải hoàn trả cho nhau những gì đã nhận và khôi phục lại tình trạng ban đầu.
“Điều 137. Hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu
1. Giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm xác lập.
2. Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận; nếu không hoàn trả được bằng hiện vật thì phải hoàn trả bằng tiền, trừ trường hợp tài sản giao dịch, hoa lợi, lợi tức thu được bị tịch thu theo quy định của pháp luật. Bên có lỗi gây thiệt hại phải bồi thường”
Như vậy, người nhận chạy việc cho bạn sẽ phải hoàn trả lại cho bạn số tiền 20 triệu đồng đã nhận từ bạn. Nếu người này nhất định không trả thì bạn có quyền kiện ra Tòa để đòi lại số tiền đã đưa. Khi nộp đơn thì bạn sẽ phải đưa kèm theo các chứng cứ như những đoạn tin nhắn đòi tiền trao đổi giữa bạn và người này và bản ghi âm các cuộc gọi đòi tiền.
– Nếu giữa bạn và người này không có hợp đồng vay tài sản và người này không trả tiền thì bạn có quyền yêu cầu cơ quan công an khởi tố người này về tội lạm dụng tín nhiệm nhằm chiếm đoạt tài sản được quy định tại Điều 139 Bộ luật hình sư 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) (vì người này làm việc taịicơ quan thi hành án):
“Điều 139. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Tái phạm nguy hiểm;
d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
đ) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
e) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;
g) Gây hậu quả nghiêm trọng.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:
a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;
b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân:
a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;
b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm”.
Điều 279. Tội nhận hối lộ
Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn, trực tiếp hoặc qua trung gian đã nhận hoặc sẽ nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác dưới bất kỳ hình thức nào có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới mười triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:
a) Gây hậu quả nghiêm trọng;
b) Đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm;
c) Đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục A Chương này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:
a) Có tổ chức;
b) Lạm dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Phạm tội nhiều lần;
d) Biết rõ của hối lộ là tài sản của Nhà nước;
đ) Đòi hối lộ, sách nhiễu hoặc dùng thủ đoạn xảo quyệt;
e) Của hối lộ có giá trị từ mười triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng;
g) Gây hậu quả nghiêm trọng khác.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười lăm năm đến hai mươi năm:
a) Của hối lộ có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới ba trăm triệu đồng;
b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng khác.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Của hối lộ có giá trị từ ba trăm triệu đồng trở lên;
b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác.
Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến năm năm, có thể bị phạt tiền từ một lần đến năm lần giá trị của hối lộ, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản”.
3. Tố cáo hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản như thế nào ?
Thưa luật sư, Hôm qua em có nhận được tin nhắn trúng thưởng qua facebook với giải thưởng là 1 xe SH125i trị giá 81 triệu đồng, 1 phiếu quà tặng trị giá 200 triệu đồng và 1 thẻ đổ xăng trị giá 5 triệu đồng.
Tin nhắn đó yêu cầu em truy cập vào một trang để làm hồ sơ nhận giải, sau đó yêu cầu em nạp 2 triệu tiền thẻ cào điện thoại để chứng thực hồ sơ, sau đó em được một người tên Đ yêu cầu em đóng 5 triệu tiền thẻ cào để làm thủ tục nhận giải. Sau khi em đóng xong 5 triệu thì em lại nhận được điện thoại yêu cầu đóng 10 triệu tiền thuế VAT cũng bằng thẻ cào điện thoại. Rồi lại bảo em gửi 5 triệu vào tài khoản của em để ngân hàng xác thực tài khoản thì ngân hàng mới chuyển tiền. Sau đó em nhận được điện thoại yêu cầu cấp số điện thoại lúc em làm thẻ để ngân hàng xác thực tài khoản.
Em cấp số điện thoại như yêu cầu, sau đó thì nhận được tin nhắn từ ngân hàng báo về là tài khoản của em đã chuyển tiền sang một tài khoản khác. Em gọi điện lại cho anh ta nhưng không được. Xin luật sư tư vấn giúp em, bây giờ em phải làm như thế nào ?
Em xin chân thành cám ơn !
Trả lời:
Theo quy định tại Điều 139 Bộ luật Hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2009 về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản :
“1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.”
Dấu hiệu pháp lý của tội này như sau:
– Có hành vi dùng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác
– Xâm hại đến quyền sở hữu của người khác
– Cố ý thực hiện hành vi
– Giá trị tài sản từ 2 triệu trở lên
Trong trường hợp này, Đ đã dùng thủ đoạn gian dối lợi dụng lòng tin của bạn để chiếm đoạt số tiền 22 triệu đồng. Như vậy, Đ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Do bạn chỉ nắm được thông tin của người này qua điện thoại, do đó bạn có thể làm đơn tố cáo ra cơ quan công an để được giải quyết kèm theo bằng chứng theo quy định của Luật Tố cáo để chứng minh việc tố cáo của bạn là hợp pháp.
Điều 101 Bộ luật tố tụng hình sự số 19/2003/QH11 ngày 26/11/2003 quy định về tố giác và tin báo về tội phạm:
Công dân có thể tố giác tội phạm với Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án hoặc với các cơ quan khác, tổ chức. Nếu tố giác bằng miệng thì cơ quan, tổ chức tiếp nhận phải lập biên bản và có chữ ký của người tố giác.Cơ quan, tổ chức khi phát hiện hoặc nhận được tố giác của công dân phải báo tin ngay về tội phạm cho Cơ quan điều tra bằng văn bản theo quy định của Luật tố cáo số 03/2011/QH13.
4. Cách xử lý hành vi lừa đảo qua Lừa Đảo qua Zalo ?
Thưa luật sư, xin hỏi: Tôi có quen một người bạn nữ qua mạng xã hội zalo, trong quá trình quen biết, cô ấy thường hay kể lể cuộc sống khó khăn và đang ở nước ngoài ( do cô ấy khai như vậy ) rồi sau một thời gian cô ấy có mượn tôi ít tiền để mua đồ dùng cá nhân ở VN vì ở xa nên không tiện gửi lắc nhắc nhờ tôi chuyển tiền cho một người tên A để người này mua hàng giùm cô ta.
Tôi tin tưởng nên đã nhiều lần gửi cho người A. Về sau, khi cãi nhau, thì cô bạn đó đã chặn nick liên lạc với tôi, (tôi không có kênh liên lạc nào khác ngoài zalo). Tôi có nhiều điều nghi ngờ về người chủ tài khoản A có hành vi câu kết với người nữ đó chiếm đoạt tài sản tôi. Bởi vì tôi có yêu cầu anh A cung cấp thông tin mua bán cũng như hóa đơn chứng từ mua hàng từ người bạn nữ đó thì anh ta nói cty bán hàng online nên ko còn giữ. Khi tôi yêu cầu cho tôi xem địa chỉ mà A chuyển hàng qua nước ngoài (ký gửi qua hải quan sân bay )cho cô ấy thì A ngập ngừng rồi cho tôi 1 địa chỉ đại.
Sau đó, Tôi gửi địa chỉ đó đến cảnh sát địa phương của nước đó thì họ trả lời tôi rằng địa chỉ không đúng trong khi anh A đó khẳng định với tôi rằng anh ta đã chuyển theo địa chỉ đó rất nhiều trong 1 năm rồi, cả 2 văn phòng cảnh sát nước ngoài đều xác nhận với tôi qua email rằng địa chỉ người A cung cấp là sai, không tồn tại như vậy. Qua đó, tôi có thể kết luận anh A và cô bạn nữ đó đang cố tình dựng chuyện chiếm đoạt tài sản của tôi không? Tôi có cở sở pháp lý làm đơn tố cáo anh A không? còn người bạn nữ đó thì tôi không có thông tin. Đối với anh A, tôi còn số điện thoại, số tài khoản giao dịch, tên giao dịch, bằng chứng cung cấp địa chỉ giả mạo, và email xác nhận địa chỉ đó sai từ cảnh sát nước ngoài. Tổng số tiền tôi đã chuyển đã gần 30 triệu vnd trong vòng 4 tháng.
Luật sư tư vấn:
Vấn đề của bạn chúng tôi tư vấn như sau:
Như bạn trình bày: Bạn có quen và nói chuyện với một người bạn ở nước ngoài qua Zalo. Sau quá trình nói chuyện, bạn có cho người đó mượn tiền với số tiền là 30 triệu. Bạn đã gửi nhiều lần thông qua Anh A để mua hàng gửi cho người bạn ở nước ngoài. Nhưng sau đó do mâu thuẫn giữa hai người cắt đứt liên lạc. Hỏi anh A thì anh A cung cấp địa chỉ nơi gửi tiền cho người bạn nước ngoài không có thực. Hiện nay bạn chỉ có một số thông tin về anh A để tìm manh mỗi người bạn bên nước ngoài. Vấn đề của bạn được pháp luật quy định như sau:
Đối với hành vi và vai trò của anh A trong quá trình bạn gửi tiền để nhờ mua hàng gửi ra nước ngoài thì anh A chỉ là trung gian giữa bạn và người bạn nước ngoài trong vụ việc này. Do đó giữa anh A và người bạn nước ngoài này sẽ có sự liên lạc và trao đổi thông tin với nhau. Như liên lạc thông tin để mua hàng, địa chỉ gửi hàng qua sân bay. Nên việc đưa thông tin về địa chỉ của người bạn nước ngoài cho bạn mà địa chỉ đó không tồn tại là đã có sự mâu thuẫn.
Ở đây bạn có số tài khoản giao dịch, tên giao dịch tức sẽ có thông tin về số lần chuyển tiền và số tiền. Công với thông tin qua tin nhắn Zalo còn lưu trong Nick máy bạn nên có thể xác thực được việc anh A đã tham gia thực hiện giao dịch này.
Do đó việc anh A cung cấp địa chỉ không tồn tại là đang có hành vi che dấu tội phạm được quy định tại Điều 313 Bộ luật hình sự 1999, Luật hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2009 (Văn bản mới: Luật hình sự năm 2015). Bạn có thể viết đơn tố cáo anh A với tội danh này để công an vào cuộc điều tra hành vi của anh A và thông tin của người bạn nước ngoài có hành vi lừa đảo không.
5. Tư vấn xử lý hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản ?
Thưa luật sư, Tôi muốn hỏi: Vì tin tưởng làm ăn lâu năm nên tôi đưa sổ đỏ cho người đó bán nhà trả nợ cho tôi, nhưng bán nhà xong người đó không trả còn trốn đi mất, khi làm ăn với người đó tôi chỉ ghi địa chỉ thông tin trên giấy CMND, thông tin đó là nơi cư trú của ba má người đó, gia đình người đó biết chuyện nhưng bao che, vậy tôi khởi kiện ra tòa như thế nào và án phí khởi kiện bao nhiêu ?
Xin cho tôi biết. Xin chân thành cảm ơn!
Trả lời:
Với những tình tiết mà bạn đã nêu có thể thấy dấu hiệu tội phạm trong tình huống này. Nó có thể là dấu hiệu của tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản được quy định tại Điều 140 BLHS.
Bạn có thể gửi đơn đến cơ quan cảnh sát điều tra Công an cấp quận, huyện nơi mà người đó cư trú. Theo quy đinh tại Điều 12 Luật cư trú thì Nơi cư trú của công dân xác định như sau:
“1. Nơi cư trú của công dân là chỗ ở hợp pháp mà người đó thường xuyên sinh sống. Nơi cư trú của công dân là nơi thường trú hoặc nơi tạm trú.
Chỗ ở hợp pháp là nhà ở, phương tiện hoặc nhà khác mà công dân sử dụng để cư trú. Chỗ ở hợp pháp có thể thuộc quyền sở hữu của công dân hoặc được cơ quan, tổ chức, cá nhân cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ theo quy định của pháp luật.
Nơi thường trú là nơi công dân sinh sống thường xuyên, ổn định, không có thời hạn tại một chỗ ở nhất định và đã đăng ký thường trú.
Nơi tạm trú là nơi công dân sinh sống ngoài nơi đăng ký thường trú và đã đăng ký tạm trú.
2. Trường hợp không xác định được nơi cư trú của công dân theo quy định tại khoản 1 Điều này thì nơi cư trú của công dân là nơi người đó đang sinh sống”.
Như vậy bạn có thể gửi đơn đến cơ quan cảnh sát điều tra cấp quận, huyện người đó đang sinh sống. Trường hợp bạn cũng không biết nơi mà người đó đang sinh sống thì bạn có thể gửi đơn đến cơ quan cảnh sát điều tra cấp quận, huyện nơi mà người đó cư trú lần cuối cùng theo như bạn được biết.
Mức án phí hình sự sơ thẩm là 200 nghìn đồng.
Còn đối với việc gia đình người đó biết nhưng bao che thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 314 BLHS: Tội không tố giác tội phạm
“1. Người nào biết rõ một trong các tội phạm được quy định tại Điều 313 của Bộ luật này đang được chuẩn bị, đang hoặc đã được thực hiện mà không tố giác, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm.
2. Người không tố giác là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự về việc không tố giác các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc các tội khác là tội đặc biệt nghiêm trọng theo quy định tại khoản 1 Điều này”.
Trân trọng./.