Trong trường hợp ly hôn mà có tranh chấp quyền nuôi con thì Tòa án sẽ xử như thế nào, ai là người được nuôi con, người không nuôi con có phải cấp dưỡng nuôi con không, mức cấp dưỡng là bao nhiêu, có được thăm con không, có được đón con đi chơi không? Đây là câu hỏi mà luật sư thường xuyên nhận được. Để giải đáp cho quý khách hàng, Luật Sư Multi Law chuyên về giải quyết hôn nhân tư vấn cho quý khách như sau:
Về việc tranh chấp quyền nuôi con:
Việc tranh chấp quyền nuôi con là một trong những tranh chấp phổ biến khi vợ chồng ly hôn, rất nhiều trường hợp tranh chấp kéo dài và gay gắt giữa hai bên nó gây ra những mệt mỏi, buồn phiền không chỉ cho các bên mà còn cho chính những đứa trẻ là đối tượng tranh chấp.
Về bản chất việc vợ chồng tranh chấp về quyền nuôi con về cơ bản là vì họ đều thương con và mong muốn được chăm sóc con tốt nhất nhưng họ không tin người kia chăm sóc con sẽ tốt. Như vậy động cơ là vì thương con muốn con được tốt nhất nhưng có nhiều trường hợp động cơ cũng không phải vì thương con mà vì thù ghét bên kia muốn bên kia đau khổ vì không được nuôi con, cũng có những trường hợp vì sợ xã hội đánh giá là bỏ con nên cố phải giành con cho bằng được trong khi chăm sóc con không tốt.
Vậy về pháp luật thì quy định như thế nào?
Theo Luật Hôn Nhân Gia đình quy định khi ly hôn nếu không thỏa thuận được việc nuôi con thì Tòa Án sẽ quyết định cho người có điều kiện tốt hơn được nuôi con. Điều kiện tốt hơn là người đó có khả năng nuôi con tốt hơn về kỹ năng, về quá trình chăm sóc con từ trước tới khi tranh chấp, về điều kiện thời gian để chăm sóc giáo dục con, điều kiện vật chất như chỗ ở, thu nhập, tính chất công việc và nghề nghiệp đang làm…
Về mặt chủ quan thì Tòa án thường nghiêng về người phụ nữ hơn. Đối với con dưới 36 tháng tuổi thì người mẹ sẽ được ưu tiên nuôi con, đối với con từ đủ 07 tuổi thì phải đưa con lên Tòa để hỏi ý kiến của con xem con muốn ở với ai, mong muốn của con cũng là một yếu tố quan trọng để tòa án quyết định giao con cho ai. Trong trường hợp người mà đã từng có hành vi xâm phạm thân thể, tinh thần trẻ em như có các hành vi đánh đập, cưỡng bức trẻ em… thì Tòa án sẽ không giao cho người đó nuôi con.
Trong trường hợp có từ 02 con trở lên thì tòa án sẽ xem xét điều kiện khả năng của mỗi bên để ra quyết định có thể vẫn giao cho một bên nuôi hết để đảm bảo không gây xáo trộn cuộc sống của các con hoặc có thể chia ra cho mỗi người đều được nuôi nếu thấy một người không đủ khả năng để nuôi dưỡng chăm sóc hết các con được.
Người không trực tiếp nuôi con vẫn có quyền thăm nom, chăm sóc giáo dục con và có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con nếu có yêu cầu miễn sao việc thăm nom không làm ảnh hưởng tới cuộc sống của con và của người nuôi con. Nếu gây ảnh hưởng như chửi bới, đánh đập, hăm dọa hay đón đi chơi mà không chịu mang trả thì người đang nuôi con có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền nuôi con.
Nếu người được quyền nuôi con mà nuôi con không tốt, bỏ bê con hoặc không trực tiếp nuôi con mà gửi ông bà hoặc người khác nuôi con hoặc có hành vi xâm phạm con hoặc ngăn cản việc thăm con thì người kia có quyền yêu cầu Tòa án thay đổi người trực tiếp nuôi con.
Về việc cấp dưỡng:
Hiện tại pháp luật không quy định mức cấp dưỡng nuôi con cụ thể là bao nhiêu tiền mà chỉ quy định chung là mức cấp dưỡng nuôi con do hai bên thỏa thuận, nếu không thỏa thuận được thì tòa án sẽ quy định mức cấp dưỡng dựa trên nhu cầu để nuôi dưỡng, học tập và các chi phí khác cho con ở mức trung bình nơi con sinh sống và dựa vào khả năng của người phải cấp dưỡng. Tức là không phải người có quyền yêu cầu muốn bao nhiêu cũng được và không phải là mức tốt nhất tại địa phương.
Ví dụ không thể vì muốn cho con học trường quốc tế mà bắt người phải cấp dưỡng cấp dưỡng vài chục triệu mỗi tháng. Trên thực tế nếu tranh chấp mức cấp dưỡng tòa án sẽ quyết định mức khoảng từ 2- 10 triệu/tháng cho 1 bé sống tại thành phố. Khi mức cấp dưỡng không còn phù hợp thì các bên có quyền yêu cầu tòa án thay đổi mức cấp dưỡng nếu không thỏa thuận được.
Kết luận:
Việc ly hôn là điều không ai mong muốn đặc biệt là những đứa con nhỏ vì con chính là người thiệt thòi nhất vì vậy khi ly hôn thì các bạn nên thỏa thuận với nhau để giải quyết một cách nhanh gọn và văn minh, tránh ảnh hưởng tới con. Việc muốn nuôi con cũng đều xuất phát từ tình thương yêu với con nên các bạn hãy xem xét ai là người có điều kiện tốt hơn và mong muốn của con nữa để cho người đó được nuôi con người không nuôi con thì cố gắng bù đắp cho con bằng việc thường xuyên thăm nom, và cấp dưỡng nuôi con để con vẫn cảm nhận được tình thương và trách nhiệm của cả cha và mẹ.
Để giải quyết một vụ án ly hôn mà có tranh chấp quyền nuôi con có thể kéo dài tới 06 tháng hoặc hơn với rất nhiều thủ tục phức tạp đi lên đi xuống rất nhiều lần.