Ưu đãi đầu tư mới nhất là một trong những chính sách quan trọng để thu hút nhà đầu tư trong nước và ngoài nước. Luật đầu tư năm 2020 đã bổ sung thêm 4 điểm mới về chính sách ưu đãi đầu tư. Luật MultiLaw chia sẻ tới bạn đọc những chính sách ưu đãi đầu tư mới trong nội dung bài viết dưới đây:
I. Cơ sở pháp lý:
– Luật đầu tư năm 2020;
– Nghị định 31/2021/NĐ-CP.
II. Ưu đãi đầu tư là gì?
Ưu đãi đầu tư mới nhất được hiểu là dành những quyền lợi đặc biệt hơn, tốt hơn cho các nhà đầu tư khi họ đầu tư vào những lĩnh vực hoặc địa bàn được khuyến khích đầu tư.
Mục đích của khuyến khích này nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội đồng đều trong từng giai đoạn của đất nước.
Cần phân biệt ưu đãi đầu tư và hỗ trợ đầu tư. Hỗ trợ đầu tư cũng nhằm khuyến khích đầu tư, nhưng đó là tạo điều kiện thuận lợi vè tài chính, hạ tầng kỹ thuật, khoa học công nghệ… trong quá trình đầu tư tại Việt Nam.
III. Điểm mới chính sách ưu đãi đầu tư mới nhất áp dụng năm 2021 là gì?
Các quy định về chính sách ưu đãi đầu tư mới nhất được quy định tại chương III (từ Điều 15 đến Điều 17 và Điều 20 Luật đầu tư năm 2020.
Với những chính sách mới về ư đãi đầu tư nhằm kích thích, thúc đẩy quá trình thu hút vốn đầu tư trong nhiều lĩnh vực. Những thay đổi đáng chú ý về các chính sách ưu đãi đầu tư được kỳ vọng sẽ có nhiều hấp dẫn hơn đối các nhà đầu tư tiềm năng.
So với luật đầu tư cũ năm 2014, Luật đầu tư năm 2020 đã bảo đảm thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài có chọn lọc, đồng thời bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong việc thực hiện chính sách ưu đãi đầu tư theo quy định của luật đầu tư, các luật thuế và các luật liên quan. Một số điểm mới nổi bật của chính sách ưu đãi đầu tư theo Luật đầu tư 2020 có thể kể đến đó là:
+ Bổ sung thêm hình thức ưu đại đầu tư
+ Bổ sung thêm đối tượng ưu đãi đầu tư
+ Bổ sung thêm ngành nghề ưu đãi đầu tư
+ Bổ sung quy định về chính sách ưu đãi đầu tư đặc biệt
1. Thêm hình thức ưu đãi đầu tư
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 15 Luật Đầu tư 2020 thì từ ngày 01/01/2021 sẽ có các hình thức ưu đãi đầu tư sau đây:
– Ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, bao gồm áp dụng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hơn mức thuế suất thông thường có thời hạn hoặc toàn bộ thời gian thực hiện dự án đầu tư; miễn thuế, giảm thuế và các ưu đãi khác theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp;
– Miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định; nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu để sản xuất theo quy định của pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu;
– Miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuế sử dụng đất;
– Khấu hao nhanh, tăng mức chi phí được trừ khi tính thu nhập chịu thuế (trước đây không quy định hình thức này).
2. Điểm mới về đối tượng hưởng ưu đãi đầu tư
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 15 Luật Đầu tư 2020 thì đối tượng hưởng ưu đãi đầu tư từ ngày 01/01/2021 bao gồm:
– Dự án đầu tư thuộc ngành, nghề ưu đãi đầu tư theo quy định.
– Dự án đầu tư tại địa bàn ưu đãi đầu tư theo quy định.
– Dự án đầu tư có quy mô vốn từ 6.000 tỷ đồng trở lên, thực hiện giải ngân tối thiểu 6.000 tỷ đồng trong thời hạn 03 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời có một trong các tiêu chí sau: có tổng doanh thu tối thiểu đạt 10.000 tỷ đồng mỗi năm trong thời gian chậm nhất sau 03 năm kể từ năm có doanh thu hoặc sử dụng trên 3.000 lao động;
– Dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.
– Dự án đầu tư tại vùng nông thôn sử dụng từ 500 lao động trở lên.
– Dự án đầu tư sử dụng lao động là người khuyết tật theo quy định của pháp luật về người khuyết tật.
– Doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp khoa học và công nghệ, tổ chức khoa học và công nghệ.
– Dự án có chuyển giao công nghệ thuộc Danh mục công nghệ khuyến khích chuyển giao theo quy định của pháp luật về chuyển giao công nghệ.
– Cơ sở ươm tạo công nghệ, cơ sở ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ theo quy định của pháp luật về công nghệ cao, pháp luật về khoa học và công nghệ; doanh nghiệp sản xuất, cung cấp công nghệ, thiết bị, sản phẩm và dịch vụ phục vụ các yêu cầu về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
– Dự án đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển.
– Đầu tư kinh doanh chuỗi phân phối sản phẩm của doanh nghiệp nhỏ và vừa.
– Đầu tư kinh doanh cơ sở kỹ thuật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, cơ sở ươm tạo doanh nghiệp nhỏ và vừa.
– Đầu tư kinh doanh khu làm việc chung hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo theo quy định của pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
3. Bổ sung nhiều ngành, nghề ưu đãi đầu tư
Luật Đầu tư 2020 bổ sung thêm một số ngành, nghề ưu đãi đầu tư so với hiện nay, gồm:
– Giáo dục đại học;
– Sản xuất các sản phẩm hình thành từ kết quả khoa học và công nghệ theo quy định của pháp luật về khoa học và công nghệ;
– Sản xuất sản phẩm thuộc Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển;
– Bảo quản thuốc, sản xuất trang thiết bị y tế;
– Sản xuất hàng hóa, cung cấp dịch vụ tạo ra hoặc tham gia chuỗi giá trị, cụm liên kết ngành.
4. Quy định mới về chính sách ưu đãi đầu tư đặc biệt
Đây là điểm mới nổi bật trong chính sách yêu đãi đầu tư của luật đầu tư 2020 so với quy định cũ khi cho phép việc áp dụng ưu đãi đặc biệt để tạo cơ chế, chính sách đủ sức hấp dẫn thu hút dòng vốn FDI đang dần dịch chuyển nhanh chóng vào Việt Nam trong bối cảnh hiện nay. Việc áp dụng ưu đãi đầu tư đặc biệt nhằm khuyến khích phát triển một số dự án đầu tư có tác động lớn đến phát triển kinh tế xã hội do chính phủ quyết định và được áp dụng đối với các đối tượng sau đây:
+ Dự án đầu tư thành lập mới (bao gồm cả việc mở rộng dự án thành lập mới đó) các trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển có tổng vốn đầu tư từ 3.000 tỷ đồng trở lên, thực hiện giải ngân tối thiểu 1.000 tỷ đồng trong thời hạn 03 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư; trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia được thành lập theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ;
+ Dự án đầu tư thuộc ngành, nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư có quy mô vốn đầu tư từ 30.000 tỷ đồng trở lên, thực hiện giải ngân tối thiểu 10.000 tỷ đồng trong thời hạn 03 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư.
Mức ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đặc biệt: Mức ưu đãi và thời hạn áp dụng ưu đãi đặc biệt thực hiện theo quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và pháp luật về đất đai. Luật đầu tư năm 2020 bổ sung quy định cho phép Thủ tướng Chính phủ áp dụng ưu đãi đặc biệt để tạo cơ chế, chính sách đủ sức hấp dẫn, kịp thời thu hút dòng vốn FDI đang dịch chuyển nhanh chóng trong bối cảnh hiện nay (cho phép áp dụng ưu đãi tối đa thêm 50%).
Chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đặc biệt trên không áp dụng đối với các trường hợp sau đây:
+ Dự án đầu tư đã được cấp Giấy chứng nhận đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc quyết định chủ trương đầu tư trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành;
+ Dự án đầu tư quy định tại khoản 5 Điều 15 của Luật Đầu tư 2020.
Trong trường hợp cần khuyến khích phát triển một dự án đầu tư đặc biệt quan trọng hoặc đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt, Chính phủ trình Quốc hội quyết định áp dụng các ưu đãi đầu tư khác với ưu đãi đầu tư được quy định tại Luật Đầu tư 2020 và các luật khác.
IV. Thủ tục áp dụng ưu đãi đầu tư
Điều 17 luật đầu tư năm 2020, nhà đầu tư tự xác định ưu đãi đầu tư và thực hiện thủ tục hưởng ưu đãi đầu tư tại cơ quan thuế, cơ quan tài chính, cơ quan hải quan và cơ quan khác có thẩm quyền tương ứng với từng loại ưu đãi đầu tư, căn cứ vào:
+ Văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư (nếu có);
+ Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (nếu có);
+ Quy định khác của pháp luật có liên quan.
Về thủ tục áp dụng ưu đãi đầu tư đã được hướng dẫn cụ thể tại Điều 23 Nghị định 31/2021/NĐ-CP như sau:
– Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Quyết định chấp thuận nhà đầu tư quy định hình thức, căn cứ, điều kiện áp dụng ưu đãi đầu tư theo quy định tại các Điều 15 và 16 của Luật Đầu tư và Điều 19 của Nghị định 31.
– Căn cứ nội dung ưu đãi đầu tư tại Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Quyết định chấp thuận nhà đầu tư, nhà đầu tư thực hiện thủ tục hưởng ưu đãi đầu tư tại cơ quan áp dụng ưu đãi đầu tư tương ứng với từng loại ưu đãi.
– Căn cứ áp dụng ưu đãi đầu tư đối với một số doanh nghiệp, dự án đầu tư quy định tại khoản 5 Điều 19 Nghị định 31 gồm:
+ Đối với doanh nghiệp khoa học và công nghệ là Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ;
+ Đối với doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là Giấy chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao;
+ Đối với dự án ứng dụng công nghệ cao là Giấy chứng nhận dự án ứng dụng công nghệ cao;
+ Đối với dự án công nghiệp hỗ trợ là Giấy xác nhận ưu đãi sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ;
+ Đối với dự án có chuyển giao công nghệ thuộc Danh mục công nghệ khuyến khích chuyển giao là Giấy chứng nhận chuyển giao công nghệ khuyến khích chuyển giao theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.
Đối với dự án đầu tư không thuộc trường hợp quy định trên, nhà đầu tư căn cứ đối tượng hưởng ưu đãi đầu tư quy định tại Điều 19 của Nghị định 31, quy định của pháp luật có liên quan để tự xác định ưu đãi đầu tư và thực hiện thủ tục hưởng ưu đãi đầu tư tại cơ quan áp dụng ưu đãi đầu tư tương ứng với từng loại ưu đãi.