Trường hợp nào sử dụng mẫu đơn ly hôn đơn phương?
Ly hôn đơn phương là trường hợp một bên vợ hoặc chồng viết đơn yêu cầu tòa án giải quyết việc ly hôn giữa vợ chồng khi có đủ các căn cứ ly hôn theo quy định tại điều 56 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014. Đơn phương ly hôn thể hiện ý chí mong muốn ly hôn của một bên mà không có được sự đồng thuận của người vợ/chồng còn lại.
Trong trường hợp này, mẫu đơn xin ly hôn đơn phương thường được sử dụng là mẫu ban hành kèm Nghị quyết số 01/2017/NQ-HĐTP.
Những nội dung trong đơn xin ly hôn đơn phương
Trong đơn ly hôn đơn phương cần đảm bảo các nội dung sau đây:
- Thông tin cá nhân của người có yêu cầu đơn phương ly hôn và người vợ/chồng của họ
- Thông tin về tình trạng hôn nhân của vợ chồng, tình trạng mâu thuẫn, lý do mong muốn ly hôn
- Yêu cầu chấm dứt quan hệ hôn nhân
- Thông tin về con chung và yêu cầu giải quyết con chung
- Thông tin về tài sản chung và yêu cầu giải quyết tài sản chung
- Thông tin về nợ chung và yêu cầu giải quyết nợ chung.
- Đơn xin ly hôn đơn phương là do vợ hoặc chồng viết, trong đó trình bày nguyện vọng, đề nghị của người viết đơn về việc giải quyết các vấn đề chung của vợ chồng. Đơn chỉ cần người viết ký rõ họ tên của mình mà không cần chữ ký của phía đối phương.
Cách viết đơn ly hôn đơn phương
Về thông tin cơ bản: ghi rõ họ tên, năm sinh, thông tin về giấy tờ nhân thân của người yêu cầu ly hôn và của người còn lại.
Phần nội dung đơn xin ly hôn: Trong phần này, cần ghi thời gian kết hôn và chung sống, địa điểm chung sống tại đâu và hiện tại có chung sống với nhau nữa không. Ở phần này cần nêu lên tình trạng mâu thuẫn của vợ chồng cũng như nguyên nhân dẫn đến mâu thuẫn đó. Đây chính là lý do làm đơn đề nghị tòa giải quyết việc ly hôn đơn phương. Lý do đưa ra để đơn phương ly hôn cần phải thuyết phục, phù hợp với các căn cứ ly hôn theo quy định của pháp luật để tòa án xem xét giải quyết yêu cầu ly hôn.
Phần con chung: Nếu đã có con chung thì ghi thông tin các con chung (bao gồm: họ tên, ngày sinh,…), nguyện vọng giải quyết quyền nuôi con như thế nào, về vấn đề cấp dưỡng cho con của người không trực tiếp nuôi con. Nếu chưa có con chung ghi “không có”.
Phần tài sản chung: Đây là căn cứ để Tòa án phân chia tài sản khi ly hôn nên cần ghi các thông tin cụ thể, chính xác. Nếu có tài sản chung ghi thông tin về tài sản (liệt kê toàn bộ tài sản, mua năm nào, giá bao nhiêu, hiện ai đang quản lý,…), trị giá thực tế, đề nghị phân chia. Nếu không có tài sản chung ghi “không có”.
Phần nợ chung: Nếu có nợ chung ghi cụ thể số nợ, (tiền hay tài sản, chủ nợ là ai, thời gian trả nợ…) và đề nghị phân chia nghĩa vụ trả nợ trong đơn. Nếu không có nợ chung ghi “không có”.