Ly hôn đơn phương hoà giải mất lần

Hòa giải là một trong những thủ tục bắt buộc tại tòa án với vụ án ly hôn đơn phương. Việc hòa giải có một ý nghĩa vô cùng to lớn. Khi tiến hành hoà giải, Thẩm phán phổ biến cho các đương sự biết các quy định của pháp luật có liên quan đến việc giải quyết vụ án để các bên liên hệ đến quyền, nghĩa vụ của mình, phân tích hậu quả pháp lý của việc hoà giải thành để họ tự nguyện thoả thuận với nhau về việc giải quyết vụ án.

Theo quy định của Luật hôn nhân gia đình 2014 về hòa giải cơ sở thì việc hòa giải cơ sở được khuyến khích thực hiện:

“Điều 52. Khuyến khích hòa giải ở cơ sở

Nhà nước và xã hội khuyến khích việc hòa giải ở cơ sở khi vợ, chồng có yêu cầu ly hôn. Việc hòa giải được thực hiện theo quy định của pháp luật về hòa giải ở cơ sở”

Việc hòa giải ở cơ sở là không bắt buộc nhưng được nhà nước khuyến khích. Cơ sở ở đây được hiểu là thôn, làng, ấp, bản, phum, sóc, tổ dân phố, cụm dân cư khác như xã, phường, thị trấn. Theo quy định này, thì hòa giải ở cơ sở là giai đoạn không bắt buộc, có áp dụng thủ tục này không là theo sự thỏa thuận của hai bên vợ chồng; bởi mục đích của hòa giải cơ sở được thực hiện nhằm giúp các bên tự giải quyết các mâu thuẫn, vi phạm pháp luật và tranh chấp nhỏ; giữ gìn, củng cố tình đoàn kết trong nội bộ nhân dân; phát huy đạo lý, truyền thống tốt đẹp trong gia đình.

Còn đối với thủ tục tố tụng tại tòa thì thủ tục hòa giải là thủ tục bắt buộc tại tòa án. Điều này được quy định tại Điều 54 Luật hôn nhân gia đình: “Sau khi đã thụ lý đơn yêu cầu ly hôn, Tòa án tiến hành hòa giải theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự”.

Như vậy dù là đơn phương ly hôn hay thủ tục ly hôn thuận tình thì tòa án vẫn tiến hành thủ tục hòa giải, nhằm mục đích hàn gắn lại quan hệ vợ chồng.

Ly hôn đơn phương hòa giải mấy lần? Đó là một trong những thắc mắc thường gặp của khách hàng, theo pháp luật tố tụng dân sự không quy định số lần hòa giải, việc không giới hạn số lần hòa giải như vậy giúp cho tòa án có thể linh hoạt để tổ chức các buổi hòa giải sao cho phù hợp với tính chất khác nhau của từng vụ việc.

Theo kinh nghiệm thực tiễn cho thấy việc hòa giải tại tòa thường được tiến hành ít nhất 2 lần, ngoài ra việc hòa giải còn phụ thuộc vào sự có mặt hay vắng mặt của 2 bên. Nếu đến ngày triệu tập mà đương sự không lên tòa thì tất nhiên không thể tổ chức buổi hòa giải, vì hòa giải là việc 2 bên thỏa thuận với sự tham gia của bên thứ 3 là tòa án.