Căn cứ pháp lý

Bộ luật dân sự năm 2015

Nội dung tư vấn

1: Quy định của pháp luật về tài sản của người bị tuyên bố mất tích

Điều 69 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về quản lý tài sản của người bị tuyên bố mất tích như sau: Người đang quản lý tài sản của người vắng mặt tại nơi cư trú quy định tại Điều 65 của Bộ luật này tiếp tục quản lý tài sản của người đó khi người đó bị Tòa án tuyên bố mất tích và có các quyền, nghĩa vụ quy định tại Điều 66 và Điều 67 của Bộ luật này.

Trường hợp Tòa án giải quyết cho vợ hoặc chồng của người bị tuyên bố mất tích ly hôn thì tài sản của người mất tích được giao cho con thành niên hoặc cha, mẹ của người mất tích quản lý; nếu không có những người này thì giao cho người thân thích của người mất tích quản lý; nếu không có người thân thích thì Tòa án chỉ định người khác quản lý tài sản.

Tại Điều 65 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về quản lý tài sản của người vắng mặt tại nơi cư trú như sau:
  1. Theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan, Tòa án giao tài sản của người vắng mặt tại nơi cư trú cho người sau đây quản lý:
  2. a) Đối với tài sản đã được người vắng mặt uỷ quyền quản lý thì người được uỷ quyền tiếp tục quản lý;
  3. b) Đối với tài sản chung thì do chủ sở hữu chung còn lại quản lý;
  4. c) Đối với tài sản do vợ hoặc chồng đang quản lý thì vợ hoặc chồng tiếp tục quản lý; nếu vợ hoặc chồng chết hoặc mất năng lực hành vi dân sự, có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự thì con thành niên hoặc cha, mẹ của người vắng mặt quản lý.
  5. Trường hợp không có những người được quy định tại khoản 1 Điều này thì Tòa án chỉ định một người trong số những người thân thích của người vắng mặt tại nơi cư trú quản lý tài sản; nếu không có người thân thích thì Tòa án chỉ định người khác quản lý tài sản.

Như vậy, tài sản của người bị tuyên bố mất tích sẽ được xử lý theo các quy định đã trích dẫn ở trên.

2: Quy định của pháp luật về tài sản của người bị tuyên bố đã chết

Theo quy định của pháp luật về quan hệ nhân thân và quan hệ tài sản của người bị Tòa án tuyên bố là đã chết tại Điều 72 Bộ luật dân sự 2015 như sau:
  1. Khi quyết định của Tòa án tuyên bố một người là đã chết có hiệu lực pháp luật thì quan hệ về hôn nhân, gia đình và các quan hệ nhân thân khác của người đó được giải quyết như đối với người đã chết.
  2. Quan hệ tài sản của người bị Tòa án tuyên bố là đã chết được giải quyết như đối với người đã chết; tài sản của người đó được giải quyết theo quy định của pháp luật về thừa kế.

Như vậy, tài sản của người bị tuyên bố đã chết sẽ được giải quyết theo quy định của pháp luật về thừa kế như đối với người đã chết.

Trong trường hợp, phần tài sản của người bị tuyên bố đã chết để lại được xác định là không có di chúc. Do đó, theo quy định tại Khoản 1 Điều 650 Bộ  luật dân sự 2015 thì phần tài sản đó sẽ được chia thừa kế theo pháp luật. Cụ thể, tại Điều 651 BLDS 2015 quy định:

Điều 651. Người thừa kế theo pháp luật

  1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
  2. a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
  3. b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
  4. c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
  5. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.

Như vậy, trong trường hợp này, những người thừa kế hợp pháp của người bị tuyên bố đã chết sẽ bao gồm những người ở hàng thừa kế thứ nhất. Theo đó, những người thừa kế sẽ được hưởng một phần bằng nhau.