Mỗi ngày, chúng ta tham gia vào hàng trăm loại giao dịch dân sự khác nhau. Việc mâu thuẫn, bất hòa về quyền và lợi ích hợp pháp giữa các bên là điều khó tránh khỏi. Do đó, nhiều vụ án tranh chấp dân sự ngày càng tăng lên. Để tìm hiểu như thế nào là tranh chấp dân sự? Quy trình giải quyết tranh chấp dân sự gồm những bước nào? Mời quý khách tham khảo bài viết sau đây.
1: Tranh chấp dân sự là gì?
Hiện nay, pháp luật chưa có một khái niệm rõ ràng về tranh chấp dân sự. Tranh chấp dân sự được hiểu là những tranh chấp xảy ra giữa các chủ thể tham gia vào quan hệ pháp luật dân sự về các quan hệ nhân thân và quan hệ tài sản được pháp luật bảo vệ.
Các loại tranh chấp dân sự phổ biến hiện nay là: tranh chấp về quyền sở hữu tài sản, tranh chấp về hợp đồng dân sự, tranh chấp về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, các vấn đề về ly hôn,…
2: Phương thức giải quyết tranh chấp dân sự
Khi phát sinh vấn đề cần giải quyết tranh chấp dân sự, các bên đều mong muốn tìm được biện pháp giải quyết tranh chấp, đảm bảo tốt nhất quyền lợi của mình, ít tốn kém thời gian và tiền bạc. Vì vậy, lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp là vô cùng quan trọng. Hiện nay, phương thức giải quyết tranh chấp dân sự: thương lượng, hòa giải, khởi kiện.
Thương lượng
Thương lượng là phương thức giải quyết đầu tiên trong quá trình giải quyết tranh chấp. Các bên chủ động gặp gỡ, bàn bạc, thỏa thuận về quyền và lợi ích hợp pháp cũng như nghĩa vụ của mỗi bên.
Pháp luật về giải quyết tranh chấp không có quy định bắt buộc các bên phải tiến hành thương lượng. Tất cả đều phụ thuộc vào thiện chí tự giải quyết của các bên. Phương thức thương lượng rất được các chủ thể ưu tiên lựa chọn vì phương thức này không chịu sự điều chỉnh của pháp luật, không bị bó buộc bởi các quy định về quy trình tổ chức thương lượng, thành phần tham gia, thời gian và không tốn tiền bạc.
Do các bên tự giải quyết nên sẽ giảm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường, uy tín của các bên. Bởi vì không có sự điều chỉnh của quy phạm pháp luật cho nên không có sự cưỡng chế thi hành kết quả thương lượng.
Hòa giải
Hòa giải là việc các bên tiến hành “thương lượng giải quyết tranh chấp” với sự hỗ trợ của người trung gian. Đây cũng được xem là phương thức giải quyết tranh chấp không chịu sự điều chỉnh của pháp luật, được thực hiện hòa toàn dựa trên thiện chí của các bên.
So với việc lựa chọn phương thức thương lượng để giải quyết tranh chấp thì khi tiến hành hòa giải các bên được thỏa thuận lựa chọn ra một bên trung gian, độc lập, có kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm để giải quyết tranh chấp, đưa ra các lời khuyên về quyền lợi và nghĩa vụ của các bên.
Người trung gian có thể là cá nhân, tổ chức luật sư, …Ý kiến của người trung gian chỉ mang tính tham khảo. Phương thức hòa giải cũng được các bên lựa chọn vì thủ tục nhanh gọn, các bên có quyền định đoạt, không làm ảnh hưởng đến mối quan hệ hợp tác giữa các bên, không làm mất uy tín của hai bên.
Cũng giống như phương thức thương lượng thì các cam kết, thỏa thuận từ kết quả của quá trình hòa giải không bắt buộc cưỡng chế thi hành mà phụ thuộc vào thiện chí, sự tự nguyện của các bên.
Khởi kiện
Khi các phương thức thương lượng, hòa giải không đem lại kết quả, các chủ thể mới lựa chọn phương thức khởi kiện lên Tòa án để giải quyết.
Đây là phương thức có sự tham gia giải quyết của đại diện quyền lực nhà nước là Tòa án nhân dân. Vì vậy quy trình giải quyết tranh chấp phải tuân thủ quy định chặt chẽ của pháp luật tố tụng. Đồng thời, bản án, quyết định của Tòa án được đảm bảo thi hành bằng hệ thống cơ quan thi hành án của nhà nước.
Khi khởi kiện, các bên phải xác định được ĐỐI TƯỢNG TRANH CHẤP LÀ GÌ. Điều này nhằm giúp việc xác định cơ quan có thẩm quyền giải quyết đồng thời tạo điều kiện để quá trình khởi kiện thuận lợi hơn.
3: Quy trình giải quyết tranh chấp dân sự tại Tòa án
Theo Khoản 3 Điều 26, Điều 35, Điều 39 Bộ luật Tố tụng Dân sự (BLTTDS) 2015 thì khi có tranh chấp dân sự xảy ra, thẩm quyền của Tòa án được xác định như sau:
Hầu hết, Tòa án nhân dân cấp huyện nơi bị đơn cư trú có thẩm quyền giải quyết tranh chấp.
Tuy nhiên, đối với tranh chấp mà có đương sự hoặc có tài sản ở nước ngoài theo khoản 3 Điều 35 BLTTDS thì do Tòa án nhân dân cấp tỉnh giải quyết.
Ngoài ra, nguyên đơn có quyền lựa chọn tòa án giải quyết theo quy định tại khoản 1 Điều 40 BLTTDS 2015.
Sau khi xác định được thẩm quyền giải quyết, các bên nộp đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện theo quy định tại Điều 189 BLTTDS 2015 tại tòa án có thẩm quyền. Người khởi kiện có thể nộp đơn trực tiếp tại Tòa án, gửi qua đường bưu chính, hoặc gửi trực tuyến bằng hình thức điện tử qua cổng thông tin điện tử Tòa án (nếu có).
Nếu xét thấy vụ án thuộc đúng thẩm quyền thì Thẩm phán thông báo ngay cho người khởi kiện biết để họ đến Tòa án làm thủ tục nộp tiền tạm ứng án phí.
Người khởi kiện phải nộp tiền tạm ứng án phí và nộp biên lai cho Tòa án để tránh trường hợp Tòa án đình chỉ giải quyết vụ án.
Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày thụ lý vụ án, Chánh án Tòa án quyết định phân công Thẩm phán giải quyết vụ án, đồng thời Thẩm phán phải thông báo bằng văn bản đến các đương sự và cơ quan, tổ chức có liên quan về việc đã thụ lý vụ án. (Điều 196, Điều 197 BLTTDS 2015).
Quá trình giải quyết vụ án được tiến hành theo thủ tục sơ thẩm và các thủ tục khác theo quy định chung về tố tụng dân sự.